Chi tiết bài viết

Chương trình 135 góp phần cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

15:55, Thứ Tư, 24-6-2020

(Quang Binh Portal) - Quảng Bình hiện có 01 huyện vùng cao (Minh Hóa), 01 huyện miền núi (Tuyên Hóa) và 05 huyện thị xã có miền núi (Ba Đồn, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy), trong đó 28 xã vùng cao và 36 xã miền núi. Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có 77.800 hộ với gần 298.000 người, cụ thể: Đồng bào dân tộc thiểu số 6.316 hộ, 25.717 khẩu (chiếm 2,8% dân số của tỉnh). Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung, điều chỉnh và đổi tên danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 64 xã thuộc vùng DTTS&MN, trong đó 42 xã khu vực III, 19 xã khu vực II và 03 xã khu vực I; 22 thôn ĐBKK.

Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (MTQGGN) bền vững nói chung và Chương trình 135 nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS&MN và ở các xã ĐBKK, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Việc quán triệt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến Chương trình 135 được tổ chức thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Tập huấn, lồng ghép vào hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở; thông tin tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, bản tin phát thanh ở cấp xã, thôn bản; qua hệ thống áp phích ở trụ sở UBND xã, gắn biển tên công trình... Cùng với đó, các hoạt động phổ biến, chính sách dân tộc khác cũng đã được lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình 135 để nâng cao nhận thức cho bà con. Qua công tác thông tin, tuyên truyền, người dân nhận thức được mục tiêu, quy mô nguồn vốn và vai trò của mình trong việc thực hiện, tác động mạnh mẽ, khơi dậy được ý thức chủ động thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào vùng DTTS, vùng ĐBKK, nhất là người dân thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhận thức được hậu quả của sự đói nghèo để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Ngoài nguồn vốn được ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là hơn 195 tỷ đồng, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép nguồn lực của các chương trình chính sách khác như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng một số chính sách dân tộc khác và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đóng góp của người dân trên địa bàn các xã ĐBKK để tăng nguồn lực thực hiện Chương trình, do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cơ bản đạt được. Kết quả cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 40 xã, 27 thôn ĐBKK và năm 2020 thực hiện hỗ trợ cho 41 xã, 17 thôn ĐBKK.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, đến nay, 100% số xã ĐBKK có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; hơn 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% số xã có trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế; 100% số xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 100% số xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và làm chủ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,49%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 0,97%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh giảm bình quân hơn 5,58%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo đạt 20 triệu đồng/năm; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng; 90% hộ nghèo được tiếp cận thông tin.

Từ những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư cũng đã có tác động lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn miền núi của tỉnh. Việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh doanh trong vùng được trở nên thuận lợi. Đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK.

Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của một số địa phương vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu theo mục tiêu của Chương trình đề ra, có nơi vẫn thụ động trong triển khai thực hiện. Mặt khác, một bộ phận người nghèo chưa chủ động tạo việc làm, nâng cao đời sống để vươn lên thoát nghèo mà còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác tuyên truyền có lúc chưa thường xuyên nên có mặt hiệu quả chưa cao, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của một số người dân về giảm nghèo bền vững. Việc đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn các xã ĐBKK còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nên chưa kích thích phát triển sản xuất tại chỗ nhằm tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định. Nguồn lực Chương trình chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của các xã, thôn ĐBKK vẫn ở mức cao so với bình quân chung của tỉnh; đời sống của đồng bào DTTS tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn cao, chiếm 57,65% tổng số hộ đồng bào dân tộc và chiếm 29,39% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh...

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục huy động tổng hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó nguồn lực từ ngân sách Trung ương là chủ yếu, yếu tố quyết định, ngân sách địa phương hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia đóng góp để nâng cao nguồn lực chương trình; rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư các công trình cấp bách trước để tránh dàn trải, nợ đọng, đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư công, huy động đủ nguồn lực để thực hiện các nội dung của Chương trình. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng cần xác định đối tượng đầu tư, đầu tư để tạo sinh kế cho người dân, giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện để khuyến khích người dân tham gia thực hiện Chương trình; tổ chức lồng ghép nguồn lực với các chương trình, chính sách khác cùng thực hiện trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tránh dàn trải, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực đầu tư…

Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập