Chi tiết bài viết

Huyện Quảng Trạch phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân và cả hệ thống chính trị trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 Tin có hình

16:0, Thứ Năm, 21-10-2021

(Quang Binh Portal) - Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân huyện Quảng Trạch, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cụ thể, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân trong toàn huyện nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất năm 2020 gấp 1,7 lần so với năm 2015, bình quân tăng 10,25%/năm; 09/13 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư phát triển; các công trình quan trọng tại trung tâm huyện lỵ được ưu tiên đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, huyện vẫn còn 04/13 chỉ tiêu chưa đạt; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ, thu hút đầu tư còn thấp. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ chưa có bước phát triển mang tính đột phá. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có một số mặt chuyển biến chậm; đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…

Với mục tiêu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Quảng Trạch xác định tiếp tục huy động các nguồn lực để phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 3,5 - 4%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,3 - 16,3%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,7 - 15,7%/năm; thu nhập bình quân trên đầu người đến năm 2025 đạt từ 50 - 55 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 250 - 270 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực bình quân từ 38.000 - 40.000 tấn/năm; xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới tăng thêm từ 03 - 04 xã; 01 - 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 08 - 10 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 01 - 02%/năm; số lao động được giải quyết việc làm bình quân từ 4.000 - 4.500 người/năm; tốc độ tăng dân số bình quân từ 0,5 - 0,7%/năm; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 85 - 88%; trường đạt chuẩn Quốc gia 02 trường/năm; đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng 09%; thể thấp còi 21,7%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ 95 - 98%; độ che phủ rừng đạt từ 43 - 45%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt 85 - 87%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Quảng Trạch tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn chất lượng, giá trị, an toàn, bền vững; phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng hình thành vùng sản xuất tập trung với tiêu chí phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện để có thể ứng dụng và nhân rộng; thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và chế biến; phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản gắn với chế biến trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đi vào thực chất, hiệu quả; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới; tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân tự nguyện đầu tư tiền, sức lao động, hiến đất, tài sản để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các cụm điểm công nghiệp, hỗ trợ hình thành và phát triển các làng nghề; thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Hòn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện xây dựng khu kinh tế tổng hợp các ngành công nghiệp, dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn triển khai tại địa bàn huyện; thực hiện chương trình kinh tế trọng điểm về phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong huyện; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Các ngành, địa phương cũng tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển dịch vụ, du lịch; thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch; phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại nông thôn, thu hút đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện lỵ, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thương mại; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu nghỉ dưỡng ven biển, du lịch sinh thái; tập trung phát triển trung tâm du lịch trọng điểm Vũng Chùa - Đảo Yến gắn với phát huy lợi thế của cụm di tích Hoành Sơn Quan, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng, làng Bích hoạ Cảnh Dương trong quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh.

Mặt khác, huyện Quảng Trạch cũng thực hiện công tác tài chính - tín dụng có chất lượng, tạo bước phát triển bền vững, ổn định nhằm phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 250 - 270 tỷ đồng với tốc độ tăng bình quân 1,01%/năm; huy động tối đa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện Chương trình hành động về xây dựng trung tâm huyện lỵ huyện Quảng Trạch đạt tiêu chí đô thị loại V, giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng tại trung tâm huyện lỵ…

Ngoài ra, các ngành, địa phương tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp có khả năng sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, góp phần tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là thu hút lao động đã qua đào tạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm; lồng ghép các chương trình, dự án dạy nghề cho người nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo việc làm tại chỗ, giảm nghèo bền vững; chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với thực tiễn ở địa phương, đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng, đáp ứng yêu cầu lao động cho các khu công nghiệp…

PV Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập