Chi tiết bài viết

Kết quả sau 02 năm cơ cấu lại khu vực nông nghiệp

9:48, Thứ Ba, 6-12-2022

(Quang Binh Portal) -  Năm 2021 - 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả để lại của lũ lụt lịch sử năm 2020 và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19... nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo sát đúng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên cơ cấu lại ngành Nông nghiệp được đẩy mạnh và đạt kết quả khả quan. 

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2021 đạt 9.549,6 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong GRDP tỉnh năm 2021 chiếm 21,4%. Sản lượng lương thực năm 2021 đạt 32 vạn tấn, năm 2022 đạt 29,8 vạn tấn (mục tiêu 28 - 28,5 vạn tấn). Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 52%. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 89.000 tấn, năm 2022 đạt 92.000 tấn. Độ che phủ rừng 68,59% (mục tiêu 68%). Diện tích lúa được tưới chủ động 98% (mục tiêu 98%). 

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép nhiều nguồn vốn của Trung ương từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực gồm lúa, ngô, sắn, khoai lang ở vùng đồng bằng; hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu vùng trung du; hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn như dưa hấu, rau, sen, ngô, lạc, đậu xanh… với diện tích bình quân gần 2.000 ha. Cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng 25 - 125 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả cao hơn 02 - 10 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực chuyển đổi đất trên vùng gò đồi sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả, hồ tiêu... thích ứng với biến đổi khí hậu (bình quân 350 ha/năm), góp phần tăng thu nhập trên diện tích, thu nhập bình quân hơn 59 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến; đồng thời kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất theo cánh đồng lớn. Đến nay đã thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn 21.000 ha, tập trung chủ yếu trên những cây trồng có lợi thế; khoảng 90% sản lượng được doanh nghiệp bao tiêu, lợi nhuận tăng 16 - 21%. Các cấp, ngành, địa phương cũng hỗ trợ xây dựng, triển khai các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả như chuỗi gạo sạch SRI, nấm sạch Tuấn Linh, cà gai leo, sâm Bố Chính, rau sạch An Nông, tinh dầu lạc, sản xuất và chế biến khoai lang, bánh mè xát, nước mắm, ớt, tinh dầu tràm, tinh dầu sả, tỏi Ba Đồn, gà đồi Tuyên Hóa, tiêu đen Quảng Bình...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, toàn tỉnh có 374 trang trại và hơn 36 doanh nghiệp hoạt động chăn nuôi. Nhiều trang trại, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Có những trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn trên 1.000 lợn thịt, 120 - 150 lợn nái ngoại sinh sản, trên 20 bò lai Zêbu, hàng nghìn bò vỗ béo. Một số trang trại, doanh nghiệp đã áp dụng quy trình chăn nuôi mới, chăn nuôi theo VietGap. Nổi bật là trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty TNHH Chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình, trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH TABICO. Đặc biệt, các địa phương cũng chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị, điển hình là liên kết chăn nuôi lợn thịt của Công ty CP Việt Nam với 09 trang trại mang lại thu nhập ổn định. Một số doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn hoạt động hiệu quả như Công ty TNHH Lê Dũng Linh, Hòa Phát Quảng Bình, Công ty Gia Hân; liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà thịt của Hợp tác xã Nam Hồng Quảng. Năm 2021 - 2022, thực hiện cơ cấu lại, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất chăn nuôi. Ước lượng chăn nuôi đạt 3.102,7 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 4,1% so với năm 2021.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, góp phần duy trì, ổn định độ che phủ ở mức cao so với toàn quốc, đạt 68,58%. Toàn tỉnh cũng đã trồng được 3.367ha rừng gỗ lớn; chuyển đổi cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trồng rừng kinh tế, hình thành vùng trồng rừng nguyên liệu, góp phần tăng thu nhập trên diện tích, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Đối với lĩnh vực thủy sản, nhiều đối tượng có chất lượng, hiệu quả được người dân đưa vào nuôi với quy mô lớn như cá lóc, cá rô đầu vuông, ếch Thái Lan, tôm thẻ chân trắng..., trong đó tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát tiếp tục được mở rộng theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình nuôi an toàn sinh học. Nhiều hình thức nuôi mới như nuôi cá lóc trên ao cát, nuôi cá chình trong lồng trên ao đất, cá chim vây vàng... được đưa vào thử nghiệm cũng cho hiệu quả cao, giúp cho người nuôi thêm đối tượng mới có giá trị, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Hoạt động khai thác thủy sản vùng biển xa cũng chuyển đổi mạnh theo Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác với nhiều đối tượng khai thác có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị. Có thể khẳng định, sau khi thực hiện cơ cấu lại, thủy sản đã phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 dự ước tăng 3,3% so với năm 2021. Thu nhập bình quân/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 380 triệu đồng.

Mặt khác, để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các cấp, ngành trong tỉnh cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh, giống cây trồng, vật nuôi. Toàn tỉnh đã có trên 80% diện tích lúa, 70% diện tích ngô, 40% diện tích cây ăn quả sử dụng giống mới; tỷ lệ bò lai, lợn nạc tăng. Giai đoạn 2021 - 2022, nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình mới được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả như giống lúa SRI, sản xuất nông nghiệp an toàn…, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững. Có thể nói, sau 02 năm triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị, từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm, cải thiện thu nhập của người nông dân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều; phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững; năng suất, chất lượng rừng trồng thấp; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn chậm so với điều kiện sẵn có; một số sản phẩm nông nghiệp giá trị còn thấp, chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh yếu...

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tập trung, mũi nhọn; ưu tiên hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của nông dân trong việc sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản, tiếp cận thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung đầu tư phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền nghề cá để tăng hiệu quả đầu tư; thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi; phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng cường áp dụng biện pháp sử dụng tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

PV:NQ

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập