Chi tiết bài viết

Người dân thắp hương nhân một năm ngày mất Đại tướng

16:52, Thứ Ba, 7-10-2014

Căn nhà 30 Hoàng Diệu hay khu mộ ở Vũng Chùa - Đảo Yến là điểm đến được nhiều người dân lựa chọn trong ngày 4/10, đúng một năm sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. 


Sáng 4/10, hàng trăm người dân tập trung trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) từ rất sớm với mong muốn được vào thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân một năm ngày mất của ông


Cúc vàng, hoa ly... được nhiều người dân đưa đến, xếp ngay ngắn trên chiếc bàn đặt trước sân nhà Đại tướng

Trung tá Lê Văn Hải, người giúp việc gần 30 năm bên cạnh Đại tướng cho hay, khi sức khỏe của ông còn ổn định, vào mỗi dịp sinh nhật, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên phủ, đồng bào các dân tộc Việt Bắc, cựu chiến binh, người dân nhiều nơi đến tư gia thăm và chúc sức khỏe Đại tướng. Dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn cố gắng gặp gỡ mọi người. Có ngày, ông tiếp đến 30 đoàn từ khắp nơi trong cả nước. Vậy nên sau khi Đại tướng qua đời, những người phục vụ bên cạnh ông không bất ngờ khi hàng vạn người dân đứng xếp hàng để được thắp nén hương tưởng nhớ ông tại tư gia.

 

Đến tư gia viếng ông đúng ngày mất (dương lịch) là phần thưởng mà cô giáo Trương Châu Giang (trường THCS Nguyễn Tri Phương) dành cho các học trò tham gia cuộc thi viết "Em yêu lịch sử". Cô Giang chia sẻ, dạy học trò trước hết phải để các em biết đến đạo đức uống nước nhớ nguồn trước rồi mới giỏi kiến thức. Cô nhớ rõ khi bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng còn giảng dạy tại Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, có lần ông đến thăm và dặn dò sinh viên rằng, thế hệ ông đấu tranh để giữ nước còn thế hệ trẻ phải xây dựng và kiến thiết đất nước. Chính vì những điều giản dị ấy, thế hệ học trò như cô Giang vô cùng ngưỡng mộ Đại tướng.

 

Sau khi thắp hương, nhóm học sinh lớp 6 được cô giáo và gia đình Đại tướng dẫn ra thăm vườn hoa phong lan, ao cá.

Dưới bóng cây râm mát và hương lan thoang thoảng các thế hệ cùng ngồi trò chuyện thân mật, nhớ về tướng Giáp. Bộ bàn ghế đá này làm từ năm 1966 được Đại tướng và gia đình thường xuyên sử dụng. Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng dặn dò những cô cậu học trò: "Muốn học tốt lịch sử thì đọc sách chỉ một phần, còn lại phải biết xem bản đồ thật giỏi, để những năm sau này nếu có cơ hội đến thăm địa danh lịch sử thì sẽ hiểu biết sâu sắc hơn".

 

Các thành viên của CLB Honda 67 chạy xe từ Quảng Ngãi dọc cung đường Quảng Ngãi - Hà Nội - Tây Bắc - Đông Bắc, với mục đích về thăm chiến khu Việt Bắc, Điện Biên, nhà tù Sơn La. 30 Hoàng Diệu là điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình. "Đến được đây thắp nén hương là điều thành công nhất của cuộc hành trình", thành viên Nguyễn Văn Anh Duẩn bày tỏ niềm xúc động. Một năm trước, họ từng ra tận Vũng Chùa tiễn đưa Đại tướng về đất mẹ Quảng Bình.

 

Trong khi đó, nhiều người dân Vũng Chùa - Đảo Yến lập bàn thờ Đại tướng tại nhà để tiện hương khói. Bà Trần Thị Thanh (thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đều đặn thắp hương mỗi dịp đầu tháng, ngày rằm. Hôm nay, tròn một năm sau ngày tướng Giáp mất, bà Vân dâng gói bánh thắp hương tưởng nhớ ông.

 

Sáng nay, bà Lê Thị Vân, 67 tuổi, cựu chiến binh xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cùng đoàn cựu chiến binh của xã thuê ô tô xuất phát từ 6h30 vào Vũng Chùa viếng Đại tướng. “Đây là lần đầu chúng tôi vào thăm Đại tướng ở quê Quảng Bình. Tình cảm của chúng tôi với Đại tướng không từ gì có thể tả hết được. Đều đã ở tuổi 70-80 nhưng khi lên đường vào thăm Đại tướng, chúng tôi như được tiếp thêm sức khỏe, chỉ muốn đi nhanh cho chóng đến”, bà Vân nói.

 

Theo Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Bình, trong năm qua đã có 116 nghìn đoàn khách với 1,3 triệu lượt người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi ngày khoảng 4.000 người, cao điểm như đợt lễ 30/4 vừa rồi có tới 30.000 người tới viếng Đại tướng trong ngày.

Theo VnExpress.net

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập