Chi tiết bài viết

Đại tướng trong lòng dân xứ Nghệ

12:26, Thứ Tư, 12-11-2014

Mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa vào cõi vĩnh hằng, nhưng tận sâu trong tâm khảm trái tim của mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng là hiện thân của tình yêu thương, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và là vị thánh của lòng dân. Về Nghệ An, về làng Sen, làng Hoàng Trù, thăm quê hương của Bác Hồ kính yêu, lại thấy thấu hiểu thêm tình cảm của người dân nơi đây dành cho Đại tướng-người học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


Những vần thơ tưởng nhớ Đại tướng được các cựu chiến binh treo trang trọng trong nhà mình

Dù bạn đến bất kỳ nơi nào ở Nghệ An, gặp gỡ bất kỳ người dân xứ Nghệ nào, chỉ cần bạn giới thiệu rằng mình đến từ Quảng Bình, ngay lập tức câu nói đầu tiên sẽ là: “Quảng Bình là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, và tiếp đó là những câu hỏi dồn dập về quê nhà An Xá hay nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Vũng Chùa-Đảo Yến...

Người lái xe taxi Mai Linh đưa chúng tôi về khách sạn đã kể một câu chuyện khiến anh nhớ mãi. Một vị khách nam trẻ tuổi ở TP.Vinh đã thuê xe anh đi ròng rã từ TP.Vinh đến thẳng Vũng Chùa-Đảo Yến viếng mộ Đại tướng và sau đó quay về ngay trong một buổi chiều. Nhưng, do vào đến nơi, trời đã tối, vị khách mời anh nghỉ lại một đêm, sáng ra viếng mộ Đại tướng và trở về TP.Vinh ngay trong buổi sáng.

Người khách này tâm sự, đây là mong muốn, thôi thúc lớn của bản thân và nhất quyết phải ra viếng mộ Đại tướng mới thỏa được ước nguyện. Bản thân anh tài xế taxi cũng đã nhiều lần chở khách, thường là cả gia đình, nhóm bạn bè, vào Quảng Bình thăm nhà và viếng mộ Đại tướng.

Bác lái xe ôm Nguyễn Quý Hoàng ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất khác. Bác là chiến sĩ giải phóng quân những năm 1960, 1970 ở chiến trường Tây Ninh và tự hào chia sẻ: “Tôi là lính của Đại tướng đây”.

Sau khi Đại tướng qua đời, những người cựu chiến binh như bác biến đau thương thành hành động, quyết tâm thực hiện tốt vai trò của người lính Cụ Hồ, người lính Đại tướng trong thời bình, đồng thời, mở rộng, nâng cao chất lượng các hình thức tuyên truyền về tấm gương của Đại tướng tại các buổi nói chuyện, gặp gỡ, giao lưu.

Bác Nguyễn Quý Hoàng cho biết, tất cả các cựu chiến binh nơi đây đều treo ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhà, đặc biệt, một số cựu chiến binh còn quyết định lập bàn thờ của Đại tướng, xem Đại tướng như một người thân trong gia đình mình. Theo chân bác Nguyễn Quý Hoàng, chúng tôi đến thăm nhà của cựu chiến binh Trịnh Ngọc Thư (xóm Mậu 1, Kim Liên, Nam Đàn). Người cựu chiến binh này đã lập bàn thờ Bác Hồ trong gia đình mình từ năm 1996 với niềm kính yêu vô hạn.

Ngay sau khi Đại tướng qua đời, ông cũng đã quyết định sẽ đưa di ảnh của Đại tướng lên bàn thờ thờ tự như người thân trong gia đình sau khi hết 3 năm (theo phong tục tập quán của địa phương). Còn hiện tại, chân dung cùng những vần thơ ca ngợi công đức của Đại tướng đã được ông treo nghiêm cẩn ngay dưới bàn thờ của Bác Hồ.

Hàng tháng, các cựu chiến binh trong thôn đều tề tựu tại nhà ông để thắp hương, tưởng nhớ đến Bác, Đại tướng và cùng sẻ chia, ôn lại những hồi ức hào hùng của một thời hoa lửa oanh liệt. Không chỉ gia đình ông Trịnh Ngọc Thư mà nhiều gia đình khác cũng đều treo bài thơ ghi tạc công ơn của Đại tướng một cách trang trọng nhất. Các chữ đầu của bài thơ đầy xúc động này được ghép thành cụm từ “Bác Võ Nguyên Giáp đã đi xa/Nước Việt tiếc thương đẫm lệ nhòa/Tài cao chí cả di thiên mệnh/Mong bác yên lành ở chốn xa”.

Mong muốn của bất kỳ cựu chiến binh nào là được một lần trong đời vào thăm quê, viếng mộ người anh Cả của mình. Nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp, mỗi năm Hội Cựu chiến binh xã, huyện cũng chỉ tổ chức được 1-2 đoàn vào Quảng Bình với số lượng hạn chế. Các cựu chiến binh chưa được đi lần nào đều ở trong tâm trạng mong ngóng, chờ đợi.


Hình ảnh Đại tướng tại các gian hàng lưu niệm ở làng Sen, làng Hoàng Trù (Nam Đàn, Nghệ An)

Trong ký ức của ông Hà Độ (70 tuổi, xóm Mậu 1, Kim Liên, Nam Đàn), những lần Đại tướng về thăm quê Bác, người dân làng Sen, làng Hoàng Trù nói riêng và người xứ Nghệ nói chung đều cảm nhận sự chân tình, gần gũi, thân thương như một người con xa quê lâu ngày về thăm lại bà con, chòm xóm. Mỗi lần Đại tướng về, người dân khắp nơi đều ùa đến, vây quanh, để một lần được gặp người học trò của Bác Hồ, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong chia sẻ với mọi người và trong từng dòng lưu niệm, Đại tướng đều bày tỏ tình yêu thương sâu sắc dành cho Bác Hồ “Về thăm quê Bác, nhớ Bác vô cùng!” và luôn mong muốn nhân dân cùng nỗ lực, cố gắng, đẩy lùi mọi khó khăn, gian nan, vững bước đi lên theo con đường mà Bác Hồ, Đảng ta đã chỉ lối, soi đường. Mọi lời tâm tình, căn dặn của Đại tướng luôn được khắc sâu trong tâm khảm người dân xứ Nghệ.

Về làng Sen hay làng Hoàng Trù (Nam Đàn, Nghệ An), không biết tự bao giờ, tại các gian hàng lưu niệm, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quê hương Quảng Bình đã hiện diện khiến cho du khách thập phương không khỏi bùi ngùi, xúc động. Theo các chị bán hàng nơi đây, hơn 1 năm trở lại, du khách thường xuyên mua ảnh hay đồ lưu niệm về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm yêu thương, trân trọng nhất.

Đi và nghe nhiều câu chuyện, chúng tôi lại càng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm của người dân núi Hồng sông Lam dành cho Đại tướng và lại thêm phần tự hào, tự hào vì là người dân Quảng Bình, nơi sinh ra và lớn lên của một con người huyền thoại-Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng của lòng dân.

Theo Báo Quảng Bình 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập