Chi tiết bài viết

Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại

14:9, Chủ Nhật, 6-10-2013

LTS: Đại tá Hồ Ngọc Sơn – tác giả của bài thơ Tình em đã được nhạc sỹ Huy Du phổ nhạc thành bài hát cùng tên có gửi đến tòa soạn VnMedia một bút ký viết về cuộc gặp gỡ cảm động của đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thống chế Mê – ra, thống lĩnh chủ huy không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ hồi tháng 2/1989.

Nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tá Hồ Ngọc Sơn muốn gửi câu chuyện cảm động này tới bạn đọc để cùng hồi ức lại những ngày hào hùng của dân tộc với chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn bể Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng của vị lãnh tụ tối cao của nhân dân Việt Nam Hồ Chí Minh và nhà quân sự Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

“Ngài là một vị tướng huyền thoại”

Đó là vào những ngày hạ tuần tháng 2/1989, Chính phủ Ấn Độ cử phái đoàn quân sự cấp cao sang thăm nước ta. Trưởng phái đoàn là Thống chế Mê – ra, thống lĩnh chủ huy không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ.

Theo thông lệ ngoại giao, trước khi các phái đoàn quân sự cấp cao kết thúc chuyến thăm, sẽ có buổi tiếp kiến Chính phủ ta. Ngày ấy, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đang dự Hội nghị trù bị Asem II không thể về theo kế hoạch đã định. Chính phủ đã cử người thay thế nhưng Cục liên lạc Bộ Quốc phòng không muốn thông báo trước.

Chiều 22/2/1989, ngài Mê-ra có mặt sớm ở nhà khách Chính phủ. Ông lặng lẽ đăm chiêu đi lại trước tiền sảnh như đang nóng long chờ đợi một sự kiện quan trọng gì đó sắp xảy ra. Đúng 14 giờ, đoàn xe Chính phủ xuất hiện. Thoáng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi đó đang là Phó Thủ tướng) vừa ra khỏi xe, ông chạy ngay xuống các bậc tam cấp, bước nhanh đến tận xe, đón chào và ôm hôn Đại tướng với tất cả lòng quí trọng, mừng vui khôn xiết.

Không khí nhà khách Chính phủ đang trầm lắng bỗng vui vẻ hẳn lên. Ở tuổi 78, tóc bạc trắng nhưng Đại tướng vẫn rất minh mẫn, linh hoạt, trên gương mặt đôn hậu luôn nở nụ cười tươi, thân ái bắt tay phu nhân ngài Mê-ra và mọi người.

Vào cuộc tiếp kiến, thống chế Mê-ra bỗng kéo ghế ngồi sát cạnh Đại tướng. Không đợi Đại tướng nói trước, ông phát biểu như muốn bộ bạch hết tâm sự của mình. Ông không xưng hô Đại tướng với chức vụ Phó Thủ tướng mà bắt đầu bằng:

“Thưa ngài Tổng tư lệnh tôn kính. Mấy hôm nay tôi có linh tính được gặp ngài. Không cần phải dấu diếm gì cả, tôi rất thật lòng nói với ngài, một trong những mong muốn lớn nhất của tôi trong chuyên thăm này là ước ao được gặp ngài.

Năm 1954, gia nhập không quân, tôi được đọc cuốn Chiến thắng Điện Biên Phủ của ngài. Nó trở thành cuốn sách gối đầu giường của tôi. Tôi và các bạn tôi đã đọc nó rất say sưa, tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề. Không một ai có thể hình dung và giải thích nổi nguyên nhân vì sao Điện Biên Phủ được tuyên bố là một trong những tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất Đông Dương, một hệ thống phòng ngự bất khả xâm phạm, nhưng người Pháp đã thất thủ, Việt Nam đã chiến thắng và kết thúc chiến tranh. Cuối cùng thì chúng tôi chỉ biết hết lòng khâm phục Việt Nam. Lúc bấy giờ, dư luận xã hội rộng lớn ở Ấn Độ, nhất là trong quân đội, ở đâu cũng nhắc đến Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp… Ngày nay, trong các trường quân sự lớn ở Ấn Độ đều có tổ giáo viên chuyên nghiên cứu, giảng dạy Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Khi Việt Nam đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân trên bầu trời Thủ Đô của ngài, tôi thực sự kinh ngạc và vô cùng khâm phục. Tôi cho đây là một kỳ tích có một không hai của những trận không chiến trong thế kỷ 20. Từ chiến thắng này, nhiều tướng lĩnh Ấn Độ chúng tôi đều nhất mực khẳng định chắc rằng thắng lợi hoàn toàn của Việt Nam chỉ còn vấn đề là thời gian. Và điều đó đã trở thành hiện thực với ngày toàn thắng 30/4/1975.

Tôi cho rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ khu vực lớn nhất trong thế kỷ 20. Thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ được lịch sử thế giới ca ngợi là một cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do vĩ đại nhất của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ, trận “Điện Biên Phủ trên không” và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là những chiến tích rực rỡ nhất của lịch sử quân sự thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngài là một vị tướng ở châu Á chúng tôi không chỉ là người chỉ huy chiến thuật xuất sắc nhất, mà còn là một nhà cầm quân chiến lược tài ba lỗi lạc nhất. Ngài là một vị tướng huyền thoại…”

Trong suốt thời gian nói chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần đập tay nhè nhẹ vào cánh tay ngài Mê-ra như muốn nhắc đừng ca ngợi nhiều về Đại tướng. Đến lượt mình, Đại tướng từ tốn nói: “Thưa ngài Thống chê Mê-ra, trong lịch sử giữ nước và dựng nước của Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay, đối với Ấn Độ luôn là lịch sử của tình bang giao đoàn kết hữu nghị. Hai nước chúng ta luôn là bạn của nhau, Nhân dịp này, nhờ ngài chuyển lòng biết ơn chân thành của nhân dân và Chính phủ Việt Nam đến nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ, giúp đỡ quí báu cho Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước hiện nay.

Còn về các tướng lĩnh của chúng ta, cho dù có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn sáng suốt, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng, thì cũng không thể làm nên công lao, thành tích như mong muốn và chiến thắng kẻ thù…”

Thống chế Mê-ra gật đầu với vẻ tâm đắc.

“Nhân dân là nguồn sức mạnh vô địch”

Cuộc trò chuyện lại tiếp tục, với giọng nhỏ nhẹ, Đại tướng chuyển về câu chuyện: “Cảm tưởng của ngài trong chuyến thăm này như thế nào?”

Ngài Mê-ra đáp: “Vâng, tốt lắm! Tôi rút được nhiều bài học kinh nghiệm rất bổ ích và có nhiều ấn tượng sâu sắc. Ví như, tôi đã xem bức ảnh máy bay chụp lại khoảnh khắc ngài Trần Hanh (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - chiến tích trong cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với trận không chiến ngày 4/4/1965 lịch sử trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa) quyết bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên. Ngài Trần Hanh nói rõ thêm rằng sau khi phi đội nghi binh đánh lừa được địch và yểm trợ tốt cho nhau, ngài đã chớp thời cơ lao vút máy bay vượt quá cả giới hạn cho phép, bắn cháy mục tiêu vào giây đúng lúc nhất, rồi vượt ngay ra khỏi vòng thoát hiểm và trở về căn cứ mặt đất an toàn, không để xảy ra một sai sót nào về kỹ thuật. Đây là cách đánh không có trong giáo trình. Câu chuyện của ngài Trần Hanh đã giúp tôi rút ra kết luận: Chỉ có chí khí anh hùng và tài trí sáng tạo như Việt Nam thì uy lực và tính ưu việt của trang thiết bị và vũ khí hiện đại của Liên Xô mới đạt hiệu quả cao.

Tôi đã ra tận đường băng đối thoại trực tiếp với một phi công trẻ trực chiến, Giữa trời nắng nóng và điều kiện đảm bảo sinh hoạt còn rất đơn sơ và hạn chế. Song anh ta vẫn rất tươi vui, hồn nhiên. Và tôi nghĩ, với tinh thần xả thân vì Tổ quốc như thế, với ý chí, nghị lực chịu đựng gian khổ cao như thế, với ý thức kỷ luật và sẵn sàng chiến đấu tốt như thế, kẻ thù tất bị thất bại là lẽ đương nhiên. Là một người chỉ huy không quân, tôi thèm khát có được một đội ngũ phi công tuyệt vời như Việt Nam.

Tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu là tổ chức chiến đấu như thế nào để tiêu diệt được nhiều máy bay, bắt sống nhiều phi công trong một trận không chiến đã nhận được nhiều lý giải sáng tỏ. Điều làm tôi hứng thú nhất, chiêm nghiệm nhất đó là tổ chức lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp giăng khắp làng mạc, ruộng đồng, trên các tầng cao nhà máy, công sở, khắp núi đồi, bến sông, cầu phà. Tất cả các thứ quân, các nông dân, công nhân, viên chức cho đến các cụ già, phụ nữ cũng đều bắn máy bay ở tầng thấp, tầng trung, tầng cao với chí khí “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Quả thật đây là một hệ thống tổ chức chiến đấu phòng không độc đáo có một không hai trên thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe rất chăm chú và đáp lời cũng rất ngắn gọn: “Thắng lợi mang tính thời đại của Việt Nam là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song có những nguyên nhân quan trọng nhất. Trước hết, nó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” của Việt Nam. Không sức mạnh nào của kẻ thù có thể khuất phục được lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chống ngoại xâm kiên cường, bền bỉ, tinh thần tự tôn dân tộc thiêng liêng cao cả của người Việt Nam.

Ngày nay, thời đại Hồ Chí Minh đã thiết lập nên một thể chế chính trị thật sự vì dân, do dân và của dân. Đó là nền tảng để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân. Toàn dân là chiến sỹ, ai cũng nhận rõ phải đoàn kết triệu người như một đứng lên chống quân xâm lược vì hạnh phúc của chính mình. Việt Nam có câu “Nước mất thì nhà tan. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh…” Chúng tôi luôn coi nhân dân là nguồn sức mạnh vô địch.

Hơn nữa, mưu trí, sự sáng tạo của nhân dân, quân đội trong chiến đấu vô cùng to lớn, linh hoạt. Nhờ đó, Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, làm vô hiệu hóa và thất bại hoàn toàn chiến lược tốc chiến tốc thắng của kẻ địch…”

Kết thúc cuộc tiếp kiến, Thống chế Mê-ra nắm chặt tay Đại tướng hồi lâu, tràn đầy kính mến và lưu luyến như không muốn rời xa. Ông nói lời cuối cùng: “Giờ đây, đã được gặp ngài rồi mà tôi vẫn giữ nguyên trong ý niệm rằng ngài sẽ mãi là một vị tướng của huyền thoại”.

Đại tá Hồ Ngọc Sơn

Theo VnMedia

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập