Chi tiết bài viết

Từ kháng chiến toàn quốc đến chiến thắng Điện Biên Phủ

10:16, Thứ Bảy, 26-10-2013

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Võ Nguyên Giáp được trao nhiệm vụ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam và dân quân du kích.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đêm 19 tháng 12 năm 1946, ta tiến hành trận tổng giao chiến đầu tiên tại khắp các thành phố, thị trấn có quân Pháp đóng, nhằm kìm chân quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm của cuộc giao chiến, 5 tiểu đoàn bộ đội với 2.515 chiến sĩ và 8.000 tự vệ, phần lớn trang bị bằng vũ khí thô sơ, đã cầm chân 6.500 quân Pháp có đại bác, xe tăng, máy bay và 7.000 Pháp kiều được trang bị vũ khí, suốt hai tháng. Lực lượng vũ trang ta đã hoàn thành nhiệm vụ, chủ động rút khỏi các thành phố, thị trấn theo đúng kế hoạch.

Thu Đông 1947, quân và dân ta đánh bại cuộc tiến công chiến lược của 20.000 quân Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc nhằm bắt cơ quan đầu não, tiêu diệt bộ đội chủ lực ta để kết thúc chiến tranh. Cùng với thắng lợi Việt Bắc, ta đã làm thất bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của địch.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Từ tháng 9 năm 1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương cho tới kết thúc hai cuộc kháng chiến.
Những chiến dịch do ông trực tiếp chỉ huy: Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... đã lần lượt đánh bại sáu tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đưa cuộc kháng chiến ngày một đến gần thắng lợi. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son trong sự nghiệp của ông, lần đầu phá vỡ một mảng thành trì bất khả xâm phạm của chủ nghĩa đế quốc, dóng lên hồi chuông cáo chung của chủ nghĩa thực dân.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, ông kết hôn với bà Đặng Bích Hà, trưởng nữ của Giáo sư Đặng Thai Mai. Trong kháng chiến chống Pháp, một cái tang lớn thứ hai đã tới với gia đình ông, cụ Võ Quang Nghiêm bị giặc Pháp bắt giam tại lao Thừa Phủ, Huế và thủ tiêu tại nhà tù.

Nam bộ kháng chiến

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập". Nhưng thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23.9.1945 (chỉ 21 ngày sau ngày lễ tuyên bố độc lập), quân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, buộc nhân dân ta vùng lên cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu của quân dân Sài Gòn trong những ngày đầu kháng chiến. (Trong ảnh: Chợ Bến Thành, Sài Gòn trong ngày 23.9.1945)

Quân dân các tỉnh Nam Bộ tấn công các đoàn xe quân sự của giặc Pháp

Quân dân Cần Thơ thu đại bác 105 ly của quân Pháp

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 9.1945, những đoàn quân Nam tiến lên đường, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cùng Ủy viên trưởng Quốc phòng Nam Trung Bộ Nguyễn Chánh kiểm tra kế hoạch tác chiến tại Ninh Hòa, Khánh Hòa (1.1946)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam Trung Bộ kiểm tra tình hình tại Ninh Hòa, Khánh Hòa (1.1946). Bên cạnh là luật sư Phan Anh.

Báo "Cứu quốc", cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh đưa tin ông Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau 1 tháng trời đi kinh lý Trung Bộ. Mục đích cuộc kinh lý của ông là đi thăm các mặt trận Trung Bộ và xem xét công việc hành chính của các địa phương ấy.


Kháng chiến toàn quốc bùng nổ

Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta nhằm tỏ rõ thiện chí yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, nhưng thực dân Pháp cố tình gây chiến hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19.12.1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến!”. Người nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ quyết tâm: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người kêu gọi: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc: Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy, gộc”.

Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chấp hành "Mệnh lệnh chiến đấu" của Bộ trưởng Quốc phòng - Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp, những đoàn quân rầm rập ngày đêm ra trận

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra "Mệnh lệnh chiến đấu"

Nữ tự vệ Thủ đô sẵn sàng chiến đấu

Chiến sỹ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng

Sau 60 ngày đêm chiến đấu với giặc Pháp trong từng ngôi nhà, gốc phố; để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, Trung đoàn Thủ đô rút về Thượng Hội Đan Phượng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến thăm

Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cùng một số đại biểu tại Hội nghị Chính trị viên khu và Chính trị viên Trung đoàn họp từ ngày 6 đến 11.3.1948

Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp trên đường ra mặt trận trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947

Các chiến sỹ pháo binh đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947

Tàu chiến địch bị bắn chìm trên sông Lô, ở Đoan Hùng, Phú Thọ, trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947

Nguồn: Sách "Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp" 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập