Chi tiết bài viết

Chiều nghiêng nắng Vũng Chùa

14:40, Thứ Tư, 7-5-2014

“Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước là tôi về”. Vâng! Đại tướng đã trở về mãi mãi trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Trong cái nắng hanh vàng chao nghiêng xuống Vũng Chùa chiều 30-4, trong dòng người đến viếng Đại tướng tưởng như bất tận, tôi đã được nghe kể lại nhiều câu chuyện xúc động của người dân đối với vị Đại tướng mà họ ngưỡng mộ và kính trọng.


Các bạn trẻ thắp 103 ngọn nến tri ân Đại tướng tại Vũng Chùa

1- Hạ tuần tháng 11-2013, trời Quảng Bình se se lạnh. Nguyễn Khắc Thức và Phạm Xuân Thảo là hai cán bộ trẻ trong lĩnh vực xây dựng tại Quảng Bình cùng các bạn của mình tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân Đại tướng”. Thức kể lại khoảnh khắc linh thiêng chờ đợi của 135 bạn trẻ: “Đêm tĩnh lặng chợt bừng sáng lên những ngọn nến hồng làm cho không gian khu mộ như lung linh, huyền ảo hơn. Đứng trên phía mũi Rồng nhìn xuống, từng ngọn nến sáng lên, phản chiếu từng khuôn long lanh, rưng rưng, nước mắt chực trào ra. Giữa tiếng lao xao của gió lướt trên từng vòm thông già, giữa tiếng reo lách tách của lửa nến và xa hơn là tiếng rì rầm rất nhẹ của biển, bất chợt vọng lại tiếng Quảng Bình da diết, xúc động, nghẹn ngào: Kính mong Đại tướng an nghỉ vĩnh hằng nơi đất mẹ. Đại tướng hãy tin thế hệ trẻ chúng con nguyện tiến bước theo lý tưởng Bác Hồ vĩ đại và con đường Đại tướng đã lựa chọn.”.

Dòng nến dừng lại, 135 bạn trẻ nghiêm trang tưởng niệm Đại tướng rồi di chuyển chầm chậm hợp thành một vòng tròn tựa một vòng luân hồi. Trong vòng tròn lớn đó, từng ngọn nến “trôi” ra, nhẹ nhàng “đậu” xuống mặt đất. Cứ thế, từng ngọn nến nhỏ tạc vào đất mẹ, dần định hình thành nét của từng con số. Và ngọn nến cuối cùng kịp “đậu” xuống chân con số ba, tất cả ghép lại thành số 103. Khoảnh khắc ấy, không gian như lắng động, gió như thôi không còn thổi, chỉ có lòng người thổn thức khi con số một trăm lẻ ba hiện ra bằng ánh lửa tạc sâu vào đất Vũng Chùa. Con số một trăm lẻ ba, bằng số tuổi của Đại tướng như một điểm nhấn của lễ thắp nến tri ân.

2- Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, đội trưởng đội bảo vệ khu mộ Đại tướng cho biết, từ khi Đại tướng trở về yên giấc ngàn thu ở Vùng Chùa, nơi đây đã có gần 70 vạn người đến viếng thăm. Người sĩ quan trẻ kể cho tôi nghe về hai người khách đặc biệt. Không phải ở tuổi đời hoặc trình độ, cương vị công tác, họ đặc biệt ở cách thể hiện tấm lòng.

Buổi sáng cuối năm 2013, lẫn trong dòng người, có một thanh niên từ thành phố Cần Thơ đạp xe 14 ngày đến Vũng Chùa. Khi vào, không ai chú ý đến thanh niên này, nhưng khi trở ra, các chiến sĩ biên phòng bảo vệ đã biết là anh từ xa đến. Anh nói, khi nghe Đại tướng “trở về” quê hương, anh đã có ý định đạp xe về viếng mộ ông nhưng chưa kip thực hiện thì bị ốm. Nhưng trong anh vẫn không thôi nung nấu. Sức khỏe dần bình phục, anh thử đạp xe với quãng đường tăng dần. Tới lúc thấy ổn, anh quyết định lên đường về tri ân Đại tướng theo cách của riêng mình.

Thêm một câu chuyện xúc động nữa. Đầu năm 2014, có một đoàn khách từ tây Nam Bộ đến. Trong đó có một bà cụ 93 tuổi đi nhờ xe. Khi đến Vũng Chùa thì cụ bị mệt, anh em phải dìu cụ vào. Bên mộ Đại tướng, cụ xúc động tâm sự: “Má chừng này tuổi rồi, ngưỡng mộ Đại tướng nên muốn đến viếng một lần cho hả lòng hả dạ. Má không đủ tiền đi xe nên xin đi nhờ. Giờ, có nhắm mắt má cũng mãn nguyện!”. Thấy bà cụ vẫn chưa thật khỏe, sợ không đủ sức trở về, các chiến sĩ đưa cụ về nhà làm việc để chăm sóc, thuốc men. Đến lúc này, các chiến sĩ mới biết, trong túi cụ chỉ còn vài chục nghìn đồng và một ít lương khô để đi đường.

Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào kể: “Tấm lòng và tình cảm của người dân mọi miền đất nước dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật đáng trân trọng. Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn, chúng tôi luôn tận tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân đến viếng mộ 24/24 giờ”.

3- Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử, Vũng Chùa đón gần 50 đoàn chiến sĩ Điện Biên ở Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Tây Bắc về viếng mộ Đại tướng. Những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, giờ tuổi đã ngoài 80. Nhìn các cụ râu tóc bạc trắng, quân phục nâu sờn, trên ngực lấp lánh huân, huy chương, thành kính trước anh linh Đại tướng, ai cũng cảm động. Nhiều người tay run run đưa lên chào Đại tướng, mắt đỏ hoe, nói không thành lời. Dòng người chợt dừng lại, dành chút thời gian cho những chiến sĩ Điên Biên “gặp lại” người anh cả, người chỉ huy tài ba của mình.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Bá Hùng, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình rưng rưng nhớ lại: Ngày 13-5-1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngay tại Mường Phăng. Mỗi đại đoàn được cử một đơn vị có thành tích xuất sắc và ông Lê Bá Hùng vinh dự được góp mặt trong đội hình Đại đoàn 304 Anh hùng. Tờ mờ sáng, các đơn vị đã có mặt đầy đủ. Trước giờ duyệt binh, bất ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến về phía các hàng quân, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ. Ai cũng hồi hộp. Cựu chiến bình Lê Bá Hùng xúc động: “Khi đi qua đội hình đơn vị, bất ngờ Đại tướng tiến lại gần tôi bắt tay và hỏi: “Cháu quê ở đâu?” Tôi đáp: “Dạ thưa Đại tướng, cháu quê Quảng Bình”. Đại tướng ồ lên vui vẻ: “Đồng hương với mình nhé! Vậy vào bộ đội cháu làm nhiệm vụ gì? Dạ, cháu làm liên lạc ạ!”. Nghe xong Đại tướng bắt tay thật chặt và căn dặn: “Làm việc gì cũng là nhiệm vụ quân đội giao cả. Cháu phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Ở đây còn ai quê Quảng Bình nữa thì cho bác gửi lời thăm sức khỏe nhé!”.

Bốn mười lăm năm sau, năm 1989, hòa trong biển người đón Đại tướng về thăm quê, ông Lê Bá Hùng lại được gặp Đại tướng. “Nói chuyện với mọi người xong, bất ngờ Đại tướng tiến lại phía tôi. Tim tôi đậm mạnh vì hồi hộp. Đại tướng hỏi: “Hình như tôi đã gặp cậu ở đâu rồi thì phải?” “Dạ thưa bác, cháu đã được gặp bác ở Mường Phăng, tại lễ duyệt binh sau chiến thắng Điên Biên”. Nghe vậy, Đại tướng nói vui: “Vậy là đồng hương lại gặp nhau thêm lần nữa rồi!”. “Đại tướng dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên. Tôi lặng người đi vì vui sướng, vì giây phút cảm động nhất cuộc đời”- ông Lê Bá Hùng nhớ lại.

4- Sau ngày đón Đại tướng về với Vũng Chùa, tôi mới có dịp lần thứ hai theo con đường rẽ từ đường thiên lý bắc - nam về phía biển, đến viếng mộ Đại tướng. Một con đường rộng trải nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, rồi men theo bờ biển Vũng Chùa dẫn tới chân núi Thọ. Con đường tựa như hình hài Quảng Bình, sau lưng là núi, trước mặt là biển, vượt qua bao “dông gió” của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên tai. Bạn tôi kể rằng, để làm hoàn thành con đường, đơn vị thi công đã dốc hết lực lượng, làm ngày đêm với tinh thần: Thần tốc, được ghi vào kỷ lục của ngành giao thông. Người dân thôn Thọ Sơn, nơi tuyến đường đi qua, không hề tính thiệt hơn, so đo trong việc đền bù, nhất loạt đồng ý giải phóng mặt bằng để làm đường vào mộ Đại tướng.

“Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước là tôi về”. Giờ thì Đại tướng đã về quê, về với nắng - gió - cỏ - cây - sóng biển Vũng Chùa và người dân quê hương đón Đại tướng như đón người con ưu tú đi xa lâu ngày mới về.

Vẳng trong nắng chiều Vũng Chùa, trong rì rào sóng vỗ đảo Yến, đâu đó vọng lại bản nhạc “Chiến thắng Điện Biên” như ru giấc ngủ vĩnh hằng của Đại tướng.

Theo Báo Nhân dân

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập