Chi tiết bài viết

"Đại tướng luôn ở trong tim"

10:14, Thứ Hai, 19-2-2024

55 năm qua, có những sự việc có thể quên hoặc không nhớ rõ nhưng kỷ niệm về lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn “vẹn nguyên” trong tim bà Phạm Thị Phú ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh). Đến bây giờ, khi nhớ lại khoảnh khắc gặp gỡ “lịch sử” ấy, bà vẫn thấy hồi hộp, xúc động xen lẫn sự tự hào.

Sống mãi miền ký ức về Đại tướng
 
Trong cái nắng hanh vàng của những ngày cuối đông, tôi tìm về nhà bà Phạm Thị Phú, người vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần Đại tướng về thăm xã Võ Ninh. Dù tuổi đã cao, nhưng khi nhắc về ký ức những ngày tham gia chiến đấu chống Mỹ và đặc biệt là kỷ niệm được gặp Đại tướng, ánh mắt bà vẫn sáng lên rạo rực. Bà Phú bày tỏ: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được bác khen ngợi, dặn dò…”.
 
Trong câu chuyện về những ngày tháng xưa cũ, những mảng ký ức ùa về, bà Phú xúc động chia sẻ, bà sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân. Khi bà lên 9 tuổi, ông nội bị bom Mỹ giết hại. Hoàn cảnh gia đình đã rèn cho bà tính tự lập, kiên cường từ nhỏ. Lớn lên, bà không chỉ quán xuyến việc nhà mà còn là người gan dạ, dũng cảm, tích cực tham gia các hoạt động dân quân du kích ở địa phương.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, phà Quán Hàu và ngầm Dinh Thủy là hai mục tiêu thường xuyên bị hải quân và không quân Mỹ đánh phá. Chính nơi đầu sóng, ngọn gió của thời kỳ ác liệt đó đã hình thành nên ở Phạm Thị Phú cá tính mạnh mẽ và quả cảm. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cùng với toàn tỉnh, Đảng ủy xã Võ Ninh đã thành lập đơn vị dân quân trực chiến máy bay địch. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 3/1967, Đảng ủy đã thành lập Phân đội dân quân gái Võ Ninh gồm 26 chị, trang bị 3 súng 12,7mm, biên chế thành 6 khẩu đội, chia làm 2 kíp trực chiến.

Bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bà nâng niu, trân trọng và xem như một báu vật

“Năm tháng đó gian khổ, vất vả lắm. 26 chị em thay nhau trực chiến cả ngày lẫn đêm, bao quanh trận địa là mồ mả hoang vắng. Trực ở trận địa, đầu tóc chị em lúc nào cũng bê bết bùn đất. Nhiều đêm phải thức trắng để làm lại trận địa do giặc Mỹ bắn phá. Mùa đông phải chịu ướt, chịu rét suốt ngày đêm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ai cũng cùng chung một ý chí, tinh thần quả cảm “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “đường chưa thông, không tiếc máu xương”, bà Phú thổ lộ.
 
Trong khói lửa chiến tranh, cô gái Phạm Thị Phú đã cùng đơn vị dũng cảm, tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và được bầu làm xã đội phó phụ trách trung đội trưởng trung đội 12,7mm khi tuổi đời vừa tròn 20. Với sự nhanh nhạy, thông minh, quyết đoán, nữ dân quân Phạm Thị Phú đã chỉ huy phân đội bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.
 
“Ngày 10/11/1967, kíp trực chiến tại trận địa Lùm Lòi ở thôn Hà do tôi trực tiếp làm chỉ huy trưởng, chính trị viên là chị Lê Thị Lương và 3 khẩu đội do các chị: Lê Thị Nồng, Lê Thị Nguyệt và Phạm Thị Mai làm khẩu đội trưởng. Khoảng 3 giờ chiều, hướng 34 xuất hiện 3 chiếc máy bay. Ba khẩu đội nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khi đã nhắm trúng mục tiêu, tôi hô to khẩu lệnh: Nhắm thẳng mục tiêu bắt chiếc thứ 3, tốc độ bay 150, cự ly 1.800, điểm xạ dài, bắn. 3 khẩu đội đồng loạt nổ súng, máy bay bốc cháy rơi xuống địa phận xã Gia Ninh, bắt được giặc lái”, bà Phú nói.

Sau chiến công xuất sắc đó, Phân đội dân quân gái Võ Ninh đã được Bác Hồ gửi thư khen và tặng mỗi người một chiếc huy hiệu của Bác cùng một chiếc khăn len.
 
Tháng 2/1969, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xã Võ Ninh, sau khi nói chuyện với lãnh đạo, chính quyền và bà con tại hội trường thôn Tây, Đại tướng đề nghị gặp mặt chị em Phân đội dân quân gái Võ Ninh. “Lúc đó trời đã trưa, tôi đang làm nhiệm vụ trực chiến tại đơn vị thì nhận được thông báo đến ngay hội trường gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó: Tôi rất run, hồi hộp, xen lẫn niềm vui khôn tả vì không thể tin được mình lại có vinh dự được gặp Đại tướng. Chỉ đến khi Đại tướng nắm lấy tay tôi, ân cần hỏi han, tôi mới bình tĩnh lại”, bà Phú xúc động kể.
 
Hình ảnh “vị tướng huyền thoại” của dân tộc Việt Nam đến nay vẫn vẹn nguyên trong trái tim bà Phú, bà nhớ như in từng cử chỉ, lời nói của Đại tướng. Đến bây giờ bà vẫn thổn thức, xúc động: “Vẫn là nụ cười ấm áp, cái nắm tay đầy trìu mến và thân thiện. Tôi tận tay kính tặng Đại tướng mảnh vỏ chiếc máy bay bị bắn rơi. Đại tướng cười nhân từ, đôn hậu, ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình của Phân đội dân quân gái Võ Ninh. Đại tướng khen: “Các o còn trẻ mà gan dạ, bắn rơi máy bay Mỹ, vậy là giỏi lắm! Các o giữ gìn sức khỏe, cố gắng lập nhiều chiến công hơn nữa để bảo vệ phà Quán Hàu, bảo vệ tuyến đường huyết mạch giao thông. Rồi Đại tướng bắt tay và tặng cho tôi một ngòi bút”.
 
Cuộc gặp gỡ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút nhưng chứa đựng biết bao ân tình, lưu luyến. 55 năm trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ ý nghĩa ấy nhưng trong ký ức của bà Phú như vừa mới hôm qua. Đó là cuộc gặp gỡ lịch sử, đầy tự hào của riêng bà, của Phân đội dân quân gái Võ Ninh. Để rồi đây, trong hồi ức, những lời động viên, khen ngợi của Đại tướng đã trở thành “kim chỉ nam” trong suốt chặng đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và cả khi trở về với cuộc sống đời thường.
 
Bức ảnh vô giá
 
Trong căn nhà nhỏ nhưng ấm áp ở thôn Tiền, bà Phú luôn dành một vị trí trang trọng để đặt bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biết chúng tôi đến tìm hiểu câu chuyện về lần gặp gỡ “lịch sử” của bà với Đại tướng, bà Phú nhanh chóng lấy ra một túi đựng tài liệu mà theo bà trong đây có cất giữ một “báu vật vô giá”. Đó chính là bức ảnh bà chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm.
 
Cuối năm 1967, Phân đội dân quân gái Võ Ninh được báo cáo thành tích tại Quân khu và tại Thủ đô Hà Nội. Đây là chiến công của đơn vị nữ dân quân đầu tiên toàn Quân khu độc lập chiến đấu bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.

Trong suốt buổi trò chuyện, đôi tay bà luôn nâng niu, mân mê bức ảnh, ánh mắt “biết cười” hiện rõ niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. “Đó là khoảnh khắc, Đại tướng cười vui khi đón nhận từ tay tôi mảnh vỡ chiếc máy bay bị Phân đội dân quân gái Võ Ninh bắn rơi. Và tôi cũng đã cười rất hạnh phúc khi vinh dự được tận tay kính tặng Đại tướng món quà ý nghĩa, tượng trưng cho sự dũng cảm, kiên cường của Phân đội dân quân gái Võ Ninh. Khoảnh khắc đó đã được chụp lại và tấm ảnh này đã trở thành kỷ vật vô giá đối với tôi, là báu vật mà tôi vẫn luôn trân trọng, gìn giữ”, bà Phú tâm sự.

Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, bà Phú đã khóc. Giọt nước mắt tiếc thương và kính trọng mỗi khi nhớ đến công lao và đức độ của vị tướng tài ba. Hàng năm, bà đều sắp xếp thời gian ra Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng, gửi gắm niềm kính trọng và biết ơn vô hạn. Vào mỗi dịp kỷ niệm ngày mất của Đại tướng, bà lại đem bức ảnh ra nhìn ngắm, tưởng nhớ Đại tướng. Mỗi dịp như vậy bà lại kể cho con cháu của mình nghe về những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với nền độc lập của dân tộc, về hình ảnh vị tướng hiền hậu luôn gần gũi với nhân dân. Hình ảnh đó mãi khắc ghi trong tâm trí và sẽ theo bà đi đến hết cuộc đời

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập