Chi tiết bài viết

Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình đàm phán Paris (Bài 1)

15:9, Thứ Năm, 2-2-2023

Hơn sáu thập kỷ trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo. (Nguồn: vietnamhoinhap)

Sự dâng hiến đó bắt đầu từ hành động dấn thân tìm đường cứu nước, khi ở tuổi thanh niên, 21 tuổi, cách đây 112 năm. Cuộc hành trình của Người kéo dài 30 năm, bằng lao động, học tập và tranh đấu, trải qua muôn vàn khó khăn, sóng gió và thử thách, giữ trọn niềm tin vào lý tưởng, nêu cao ý chí, nghị lực và khí phách của người cách mạng, năm 1941, Người trở về Pác Bó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, huấn luyện cán bộ cách mạng từ thế hệ đầu tiên - những hạt giống của phong trào giải phóng, sáng lập Đảng cách mạng chân chính ở nước ta vào mùa xuân năm 1930. Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, viết năm 1927 đã đặt nền móng tư tưởng lý luận, chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng ta. Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh là tác giả đầu tiên của Cương lĩnh của Đảng với tên gọi “Chính cương, sách lược vắn tắt”. Người còn trực tiếp soạn thảo chương trình hành động, Điều lệ tóm tắt của Đảng và Thư kêu gọi đồng bào cả nước ủng hộ Đảng, làm cách mạng tự giải phóng mình dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngay khi về nước, tháng 1/1941, Người trực tiếp chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (từ ngày 10-19/5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giành độc lập cho Tổ quốc, Tự do cho dân tộc và Hạnh phúc cho đồng bào. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã lãnh đạo cách mạng Tháng Tám, năm 1945 thành công với sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước của nhân dân, ý chí tự lực tự cường của toàn dân tộc, giành thắng lợi khi Đảng mới có 15 tuổi và đội ngũ của Đảng lúc đó chưa đầy 5000 người. Lập nên chính thể cộng hòa dân chủ, khai sinh cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Tuyên ngôn Độc lập do Người đích thân soạn thảo và tuyên đọc, ra mắt quốc dân đồng bào cùng với chính phủ lâm thời do Người đứng đầu - sự kiện đó đã chính thức mở đầu cho thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vẻ vang hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Coi trọng cả nội trị và ngoại giao

Trong lịch sử Chính phủ ta, Hồ Chí Minh không chỉ là Chủ tịch chính phủ tức là Thủ tướng 10 năm liền (1945-1955) mà còn là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của chính phủ, vào thời điểm năm 1945 - năm khởi sự đầu tiên của nước cộng hòa non trẻ mà đầy gian nan và thử thách. Hồ Chí Minh ở tầm lãnh tụ tối cao của cả dân tộc - Người đã in dấu ấn đặc sắc vào sự ra đời của Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp lịch sử năm 1946 với tính chất dân chủ và pháp quyền. Từ đây, Người không chỉ đứng đầu chính phủ mà còn là Chủ tịch nước, là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam, 24 năm liền, cho đến khi qua đời (1945-1969), Người đứng ở cương vị và trọng trách cao cả đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (tháng 5-1955). (Nguồn: Hà Nội mới)

Với Đảng, Người không chỉ là người sáng lập mà còn là người trực tiếp rèn luyện Đảng ta và giáo dục, đào tạo cán bộ đảng viên, dày công xây dựng Đảng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Người đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng ngay từ đầu về đạo đức và văn hóa, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức là văn minh”, suốt đời tận trung với Nước, tận hiếu với Dân, suốt đời là công bộc tận tụy và đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng ta sở dĩ có uy tín và niềm tin tuyệt đối của nhân dân và có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội là nhờ công lao vĩ đại của Người đã một đời giáo dục cán bộ đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời gần dân và vì dân, giữ vững mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Dân. Người tự mình thực hành và thực hành bền bỉ để nêu gương cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân. Người là Chủ tịch Đảng từ Đại hội II, năm 1951, Đại hội III, năm 1960 cho đến khi qua đời.

Hồ Chí Minh còn là người sáng lập ra Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, được coi là “Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang”. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã soi đường cho sự hình thành và phát triển của quân đội ta, của đường lối quân sự cách mạng và chiến tranh nhân dân, trải qua khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đến bảo vệ Tổ quốc, “đánh thắng hai đế quốc to” như lời Người viết trong Di chúc, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ là đế quốc Pháp, làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ Việt Bắc, 1954, lại làm nên huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm đánh bại B52 của đế quốc Mỹ xâm lược, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, 50 năm về trước. Truyền thống vẻ vang “bách chiến bách thắng” của quân đội ta và danh xưng cao quý “Bộ đội cụ Hồ” mà dân tôn vinh quân đội đã làm rạng rỡ “Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại”.

Cần nhấn mạnh rằng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng cả nội trị và ngoại giao, dành nhiều nỗ lực và tinh lực của mình cho công tác đối ngoại và ngoại giao của Đảng, của Nhà nước và nhân dân ta. Bởi thế, từ hoàn cảnh đặc thù của dân tộc ta phải trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài do dã tâm xâm lược của những kẻ thù hung ác và tàn bạo nhất, Người đã sớm chú trọng kết hợp chính trị với quân sự, phát huy mạnh mẽ chiến thắng trên chiến trường để tạo đà và lợi thế cho ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán. Nói một cách dung dị đó là kết hợp đánh và đàm. Chỉ có thực lực quân sự của “quốc phòng toàn dân” và “chiến tranh nhân dân”, thực tế của chiến thắng trên chiến trường mới đủ sức hậu thuẫn cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trên chính trường quốc tế, giành thắng lợi quyết định. Mục tiêu quan trọng nhất là làm cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhân dân có hòa bình, hạnh phúc, tự do và làm chủ. Chỉ có hòa bình, thống nhất khi có độc lập thực sự và tự do chân chính. Và Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là hệ giá trị cao nhất của giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc trên con đường lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là thuận theo xu thế của lịch sử, của thời đại. Đó cũng là tâm điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng quân sự gắn bó với tư tưởng ngoại giao của Người trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XX, còn giá trị mãi mãi trong hiện tại và tương lai.

Nền tảng quan trọng xây đắp nên tư tưởng đó là sức mạnh của lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta và Hồ Chí Minh phát huy cao độ, nhất là trong 21 năm liền chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975) làm nên thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, thực hiện xuất sắc chỉ đạo của Người với hệ mục tiêu: “Độc lập, thống nhất, hòa bình, tự do, dân chủ”, cho “nước Việt Nam là của người Việt Nam” (Lời Hồ Chí Minh), cho hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam - hạnh phúc đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần của những con người là chủ và làm chủ, được hưởng đầy đủ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc[1] trên định hướng giá trị cao quý nhất “Không có gì quý hơn độc lập tự do”[2], trên nền tảng sức mạnh Việt Nam: Hòa bình lâu bền, Độc lập thực sự, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà, không một thế lực nào có thể xâm phạm và chia cắt nổi. Sức mạnh ấy làm nên cốt cách và bản lĩnh Việt Nam, là trí tuệ, lương tâm, phẩm giá Việt Nam được cả loài người tôn trọng và ngưỡng mộ, bởi Việt Nam đã đem cả xương máu của mình chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc mình mà cũng vì cả nhân loại tiến bộ.

Hồ Chí Minh chính là hiện thân của lẽ sống và đức hy sinh cao thượng đó của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng của quân dân ta với “Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm vượt qua bão lửa trên bầu trời Hà Nội, chứng thực hoàn toàn niềm tin mãnh liệt của Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam “Ta nhất định thắng, đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, chúng phải chấm dứt hoàn toàn chiến tranh xâm lược, rút hết toàn bộ giặc Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam để lập lại hòa bình ở Việt Nam, để công việc của Việt Nam do nhân dân Việt Nam giải quyết, nước ngoài không được can thiệp vào”[3]. Với “Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”, là thành phố vì hòa bình, niềm tự hào của cả nhân loại. Hồ Chí Minh được cả thế giới tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, Người là biểu tượng kiệt xuất của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sĩ của lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội (1966). (Nguồn: Hà Nội mới)

Với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là người tạo ra những bước ngoặt lớn của lịch sử, làm thay đổi tình cảnh đất nước và số phận dân tộc từ mất nước, lầm than và nô lệ tới giành lại nền độc lập, nhân dân thành người tự do và làm chủ. Hồ Chí Minh từ tìm đường, chọn đường và nhận đường đến chỗ trở thành người dẫn đường cho toàn dân tộc, nuôi dưỡng tâm nguyện và hoài bão, thực hiện khát vọng phát triển trong ĐỘC LẬP - TỰ DO và HẠNH PHÚC. Người là ngọn cờ chói lọi đưa dân tộc ta tới đích thắng lợi để tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam như ngày nay.

Người thức tỉnh không chỉ dân tộc mình mà còn thức tỉnh lương tâm nhân loại. Người truyền cảm hứng mãnh liệt, gieo niềm tin và thắp lửa sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam để sống và hành động xứng đáng với truyền thống hào hùng, văn hóa và văn hiến Việt Nam, hướng tới tương lai “một dân tộc thông thái”, “một xã hội văn hóa cao” như Người hằng mong muốn. Nhiều lời nói, nhiều câu văn và những văn kiện của Người qua những lời kêu gọi đã mang tinh thần của thông điệp dẫn dắt và thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta qua những chặng đường lịch sử.

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán

Tiêu biểu, điển hình nhất trong tư tưởng của Người có thể nói tới một vài luận đề tư tưởng, vượt qua thử thách của thời gian, trở thành chân lý, có tầm kinh điển sau đây:

- “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

- “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”.

- “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

- “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

- “Dĩ bất biến ứng vạn biến”…

Những luận đề tư tưởng ấy thể hiện sâu sắc lập trường, quan điểm, phương châm và phương pháp của Người chỉ đạo đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Có thể tóm tắt và khái quát lại để thấy rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán của Người trong lĩnh vực đối ngoại và hoạt động ngoại giao còn mãi giá trị và ý nghĩa tới ngày nay và mai sau.

- Thứ nhất, nhất quán về quan điểm, kiên định về lý tưởng, theo đuổi đến cùng mục tiêu, mục đích đấu tranh: độc lập, thống nhất và hoà bình. Bên thềm Cách mạng Tháng Tám, Người từng nói: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”. Cuối bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945, Người khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946, Người tỏ rõ ý chí sắt đá của toàn dân tộc “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ”[4]. Trong Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chống Mỹ xâm lược ngày 17/7/1966, Người nêu cao chân lý lớn của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”[5]. Trong bài thơ mừng Xuân Kỷ Dậu 1969, Người khẳng định lại một lần nữa mục tiêu và nêu rõ phương châm mang tầm quan điểm và đường lối chính trị sáng suốt và thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả: “Vì độc lập, vì tự do / Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”.

Người biểu thị niềm tin tưởng lạc quan mãnh liệt của toàn dân tộc về Độc lập-Hòa bình - Thống nhất Tổ quốc: “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”[6]

Người cũng từng tuyên bố: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Không thế lực nào có thể chia cắt đất nước ta, chia rẽ dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. (Ảnh tư liệu/Nguồn: tuyengiao.vn)

Đây là tư tưởng chiến lược, là quan điểm, nguyên tắc chủ đạo, cơ bản hàng đầu, là định hướng lớn nhất trong mọi đàm phán ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thứ hai, Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết. Dân tộc Việt Nam thiết tha với hòa bình nhưng phải là hòa bình trong độc lập thực sự và tự do chân chính. Người vạch rõ bản chất dã tâm của kẻ xâm lược. Lên án tội ác gây chiến tranh tàn phá đất nước, giết hại đồng bào ta của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai. Người khẳng định quyết tâm của cả dân tộc “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”[7].

- Thứ ba, kết hợp hài hòa giữa tính kiên định về quan điểm và nguyên tắc với phương pháp và sách lược linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, thích hợp với tình hình và hoàn cảnh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Phân biệt rõ bạn, thù, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược đồng thời quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ cùng các dân tộc tiến bộ trên thế giới đã giúp đỡ, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ bạn quốc tế, cô lập và phân hóa kẻ thù. Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Biết cương, biết nhu đúng lúc. Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự. Khi cần căng thì phải căng nhưng chớ để làm đứt. Đó là sự khôn khéo, sáng suốt, tinh tế và bản lĩnh trong ngoại giao. Đó còn là áp dụng ngoại giao tâm công, cảm hóa thuyết phục bạn bè, đánh vào hậu phương của đối phương mà ông cha ta đã từng áp dụng trong lịch sử đối ngoại và ngoại giao. Nhà ngoại giao tầm cỡ quốc tế Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn chúng ta như vậy về công tác ngoại giao, về văn hóa ứng xử trong ngoại giao từ thực tiễn qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

- Thứ tư, kết hợp quân sự với ngoại giao. Đánh thắng trên chiến trường là “tạo vốn” cho ngoại giao trên bàn đàm phán. “Cái chiêng có to, có chắc thì cái tiếng mới vang, mới xa được”. Đó là những điểm rất căn bản trong tư tưởng, phương pháp và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có giá trị và ý nghĩa thời đại.

* GS. TS. Hoàng Chí Bảo là chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập. CTQG. H 2011. Tập 4, Tr 1 (Tuyên ngôn độc lập)

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 131.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 513.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 4, Tr 1-3, 534.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 131.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 532.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 15, Tr 512.

Theo https://baoquocte.vn/

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập