Chi tiết bài viết

Biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam

15:46, Thứ Ba, 21-12-2021

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam(1) là một biểu tượng văn hoá của quốc gia, bao hàm cả giá trị hiện thực và giá trị tinh thần cho tiền tệ nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Đây là biểu tượng văn hoá xuất hiện từ trong thực tiễn lịch sử Việt Nam, bổ sung vào hệ thống biểu tượng văn hoá đa dạng của dân tộc.

Có thể nói, tiền giấy không chỉ là vật ngang giá chung, mà còn là một trong những phương tiện biểu đạt văn hoá, xã hội, lịch sử. Bản thân tiền giấy là một biểu tượng văn hoá. Trên tiền giấy, mỗi hình ảnh, chủ đề là một biểu tượng, gắn với đặc trưng văn hoá riêng có của mỗi quốc gia, dân tộc. Một trong những biểu tượng văn hoá quan trọng được thể hiện trên tiền giấy Việt Nam là biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam phát hành năm 1946 - 1949_Ảnh: vietnamnet.vn

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất trên tiền giấy Việt Nam

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã xây dựng ngay một nền tiền tệ độc lập, tự chủ, với những tờ giấy bạc đầu tiên, dù thô sơ về chất liệu, đơn giản về thiết kế, nhưng lại được nhân dân Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Đó là bởi trên các tờ tiền đều thể hiện và khẳng định quyền độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam, thông qua nhiều hình ảnh về chủ quyền đất nước, thể chế chính trị, thiên nhiên và con người Việt Nam, đặc biệt là chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh được đặt trang trọng ở mặt trước của mỗi tờ tiền.

Chân dung là một yếu tố quan trọng trên tiền giấy, vừa có tính bảo an, có giá trị mỹ thuật, vừa mang tính biểu tượng văn hóa của quốc gia. Các nước trên thế giới thể hiện nhiều chân dung nhân vật nổi tiếng trên tiền giấy của quốc gia mình, như trên đồng Đô-la Mỹ thể hiện rất nhiều chân dung: Benjamin Franklin (100 USD), Ulysses S. Grant (50 USD), Andrew Jackson (20 USD), Alexander Hamilton (10 USD), Abraham Lincoln (5 USD)…; đồng Bảng Anh sử dụng chân dung Nữ hoàng Anh và nhiều nhân vật: Matthew Boulton và James Watt (50£), J.M.W. Turner (20£), Charles Darwin, Jane Austen (10£), Winston Churchill (5£)...; đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sử dụng chủ yếu là chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông, ngoài ra còn có các lãnh tụ khác của Trung Quốc (10 RMB, 5 RMB năm 1990)... Các tờ tiền của Thụy Sỹ, Úc, Hàn Quốc... cũng sử dụng chân dung nhiều nhân vật lịch sử của đất nước mình. Việc thể hiện chân dung trên tiền giấy của mỗi nước vừa thể hiện thể chế chính trị, vừa có tính quảng bá về nhân vật và thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia.

Khác với nhiều nước trên thế giới, đối với Việt Nam, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất được thể hiện trên tiền giấy, từ tờ tiền đầu tiên sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tiền Polymer hiện nay. Chính vì là duy nhất, nên chân dung Bác có tính biểu tượng cao, có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt Nam nói chung, với nền tiền tệ Việt Nam nói riêng, đây là biểu tượng của độc lập, tự do, biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam.

Tiền giấy Việt Nam mặc dù có lịch sử không dài (chỉ từ năm 1945 đến nay), nhưng các mệnh giá tiền rất phong phú, đa dạng, có đến 104 mẫu tiền các loại. Giai đoạn trước năm 1954, Chính phủ Việt Nam còn phải sử dụng các loại tiền khác nhau, phát hành linh hoạt cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, song chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được in trang trọng ở hầu hết mặt trước của mỗi tờ tiền như một “bảo lãnh” quan trọng cho giá trị tờ tiền Việt Nam. Trong giai đoạn chiến tranh cam go, giấy bạc Việt Nam mặc dù kỹ thuật thô sơ, lại ra đời trong bối cảnh Nhà nước không có vật bảo đảm giá trị tương ứng, nhưng nhân dân vẫn tin dùng và gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”. Sự tin yêu, quý trọng và tình cảm đặc biệt của nhân dân Việt Nam đối với Bác cho thấy tầm quan trọng và giá trị to lớn của biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy, “tính duy nhất” của biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam mang tính biểu trưng, biểu tượng đặc biệt về văn hóa dân tộc, sự thống nhất tuyệt đối về mặt chính thể của Việt Nam và biểu trưng cho sự thống nhất về mặt ý chí của toàn Đảng, toàn dân, sự thống nhất về lãnh thổ trên bản đồ quốc tế, đồng thời là sự thống nhất của nền tiền tệ độc lập, tự chủ.


Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam từ năm 1951 - 1959_Ảnh: vietnamnet.vn

Cách thức thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam

Thiết kế tiền giấy được coi như tác phẩm nghệ thuật của thiết kế đồ họa, với “ngôn ngữ nghệ thuật” là đường nét, cùng với nghệ thuật trang trí và các hình ảnh chủ đề. Trong 104 mẫu tiền từ năm 1945 đến nay, có 75 mẫu tiền có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chỉ có duy nhất tờ 100 đồng (Tín phiếu Trung Bộ phát hành năm 1947 - 1954) là thể hiện chân dung Bác ở mặt sau tờ tiền, còn lại đều thể hiện chân dung Bác ở mặt trước tờ tiền. Điều này cũng thể hiện văn hóa của người Việt, điều gì quan trọng sẽ được đặt ở vị trí trang trọng là ở mặt trước, phía trước hoặc khu vực chính.

Cách thức thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy rất phong phú, đa dạng về đường nét, cách tạo hình, vì mỗi họa sĩ thể hiện theo phong cách riêng, nhưng đều với tình cảm và lòng kính yêu Bác sâu sắc. Đường nét vẽ chân dung Bác chủ yếu vẫn là các nét vẽ dài, mảnh, tạo khối mềm mại, trau chuốt. Trước năm 1975, về cơ bản, chân dung Bác trên tiền giấy được phác họa từ nguyên mẫu, với phong cách tả thực, dù có nhiều mẫu hình, song đều thể hiện được thần thái của vị Cha già của dân tộc, vừa minh triết, vừa gần gũi, luôn đau đáu vì nước nhà. Theo chia sẻ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận - tác giả của tờ “Cụ Mượt” (10 đồng) bộ tiền 1958 - 1978 - sau khi nhận được những lời nhận xét của Bác Hồ, tổ họa sĩ họp lại và rút kinh nghiệm từ những hình ảnh của các mẫu tiền trước đây, lấy ý nguyện của Bác Hồ là mong muốn làm sao thể hiện được những lo lắng của Bác và tất cả tâm nguyện hướng về miền Nam ruột thịt(2) để thiết kế chân dung Bác trên các tờ tiền. Chính “thần thái Bác trên các đồng tiền đã cổ động viên toàn dân thời kỳ đó quyết tâm kháng chiến”(3). Từ sau năm 1975 đến nay, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy dần đạt được sự thống nhất, ổn định về cách thể hiện và có sự hỗ trợ ngày càng cao của công nghệ in. Nguồn tư liệu vẽ chân dung Bác cũng chủ yếu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp để bảo đảm độ chuẩn xác của chân dung. Ở bộ tiền polymer, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặc tả với dung mạo chuẩn mực của một vị lãnh tụ, với thần thái minh triết, giản dị, nụ cười hiền từ, rạng rỡ và gần gũi với nhân dân.

Vị trí thể hiện chân dung Hồ Chủ tịch trên tiền giấy chủ yếu là ở 1/3 mặt trước tờ tiền (trong giai đoạn 1945 - 1951 thường đặt ở vị trí chính giữa). Vị trí này có tính cân đối, hài hòa trong thiết kế tổng thể của tờ tiền. Còn góc độ thể hiện chân dung Bác hầu hết là nhìn chính diện, chỉ có 2 mẫu có góc nhìn nghiêng ½ (10 đồng năm 1959; 20 đồng năm 1978) và 1 mẫu có góc nghiêng ¾ (10.000 đồng năm 1990). Các tờ tiền trên thế giới thể hiện chân dung chủ yếu ở góc nghiêng ¾, còn phong cách thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc chính diện cũng là một đặc trưng riêng về tâm thức của người Việt. Chân dung Bác đa phần được đặt trong khung oval, khung tròn và thường gắn với hình ảnh bông lúa, hoa sen hay cách điệu vầng hào quang. Cách thể hiện này vừa tạo chiều sâu, tăng vẻ đẹp thẩm mỹ của chân dung Bác, vừa thể hiện được bản sắc văn hóa, cũng như cốt cách và tinh thần của người Việt Nam, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cao quý, thanh tao và trí tuệ.

Có thể thấy, cách thức thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy thể hiện tư duy thẩm mỹ và đặc trưng văn hóa của người Việt. Đó là đặc trưng gắn với nền văn hoá lúa nước, thiên về sử dụng những màu sắc gần gũi với thiên nhiên, cây cối, đất đai (các tông màu chủ đạo của chân dung là nâu, xanh và hồng); thể hiện tâm thức yêu chuộng hòa bình, sự cân đối, hài hòa, dung hợp trong cách ứng xử. Đồng thời cũng thể hiện tín ngưỡng của người Việt là tôn vinh, thần thánh hoá các nhân vật có công, luôn đề cao sự chính thống, trang trọng, uy nghiêm trong đời sống xã hội. Cách thể hiện chân dung Bác cũng là nét đặc trưng về nghệ thuật tạo hình của người Việt cổ, rất gần với phong cách tạo tác tượng Phật, gợi cho ta cảm nhận về không gian trong các đình, chùa, làng Việt Nam và sự thành kính của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ của dân tộc.


Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam từ năm 2003 đến nay_Ảnh: vietnamnet.vn

Giá trị văn hoá của biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam

Mỗi tờ tiền được coi như một “bản vẽ văn hoá thu nhỏ” với những biểu tượng tiêu biểu của mỗi quốc gia. Những biểu tượng ấy chứa đựng ý nghĩa vượt ra ngoài hình thức thực tế mà chúng thể hiện, nhằm chuyển tải giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng, dân tộc. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam cũng mang giá trị văn hoá đó.

Trước hết, biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy mang ý nghĩa là biểu trưng lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và của nhân dân Việt Nam.

Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, hình thành nền tiền tệ độc lập, tự chủ, thì mỗi tờ tiền giấy có hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một biểu tượng cao đẹp của vị lãnh tụ đã mang đến độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam. Việc thể hiện hình ảnh lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên tiền giấy chính là tuyên ngôn về nền độc lập, tự chủ của nước Việt Nam mới, khẳng định nền tiền tệ chính thức của nhà nước độc lập, đồng thời cũng xác nhận thể chế chính trị của đất nước Việt Nam.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy, đặc biệt là trong giai đoạn sau khi đất nước mới giành độc lập, có giá trị, ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, tượng trưng cho sự thống nhất ý chí và hành động cho nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Đối với nền tiền tệ Việt Nam, chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh là bảo chứng quan trọng nhất cho giá trị tờ tiền, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước vừa thành lập, nền tiền tệ còn vô cùng non trẻ, nhưng người dân chỉ cần nhìn thấy chân dung Bác là hoàn toàn tin tưởng vào giá trị của tờ giấy bạc Việt Nam. Trong thời điểm đó, nhiều tờ bạc rách nát nhưng nhân dân vẫn tiêu dùng vì gửi trọn niềm tin với quan niệm mộc mạc “còn một sợi râu của Cụ Hồ là còn tiêu được”(4).

Tính điển hình và giá trị đặc biệt của biểu tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh còn thể hiện ở "tính duy nhất" của chân dung Bác trên giấy bạc Việt Nam. Tính duy nhất ấy đã thể hiện rõ nét vai trò và giá trị bền vững của biểu tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, thể hiện sự thống nhất tuyệt đối về mặt chính thể của Nhà nước và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể nhân dân, đồng thời cũng thể hiện mục tiêu của nền tiền tệ Việt Nam là nền tiền tệ phục vụ nhân dân, như tâm nguyện Bác hằng mong muốn.

Biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy còn đặc biệt ở chỗ, Bác là lãnh tụ được in chân dung trên tiền giấy ngay khi còn sống. Điều đó thể hiện sâu sắc giá trị "lãnh tụ tinh thần" của Bác đối với nhân dân, với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sau khi Bác đã ra đi, biểu tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị.

Biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu trưng cho độc lập dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất của nhân dân Việt Nam

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những tờ giấy bạc đầu tiên được phát hành, với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng ở mặt trước tờ tiền là sự xác nhận rõ ràng về chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực tiền tệ. Vì bất cứ một quốc gia độc lập nào cũng phải xây dựng nền tiền tệ độc lập của mình với đồng tiền riêng, vừa thể hiện chủ quyền trên lĩnh vực kinh tế, vừa là phương diện để thể hiện thông điệp văn hoá của quốc gia. Hình ảnh Bác in trên các tờ tiền là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với nhân dân trong hoàn cảnh đất nước còn vô cùng khó khăn, vì từ đây, Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, có tên trên bản đồ thế giới và hình ảnh Chủ tịch nước đã được in trên tờ bạc chính thống của đất nước.

Khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam, những tờ giấy bạc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân coi như bảo chứng về sự độc lập của quốc gia và nền tiền tệ. Và những tờ tiền ấy được nhân dân cả nước gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”. Điều làm nên sự tin tưởng của nhân dân với những tờ bạc chỉ được in rất thô sơ, được phát hành nhiều loại ở các vùng trong cả nước, là bởi trên tờ bạc có chân dung Bác - đó chính là biểu tượng có giá trị nhất, bảo đảm nhất cho giá trị tờ tiền, cũng là biểu tượng của đất nước Việt Nam độc lập.

Tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tờ 20 đồng màu vàng (năm 1946) có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu một trang mới của nền tiền tệ độc lập. “Tờ bạc trắng muốt, nền vẽ màu vàng óng, hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh in rõ từng nét nhăn, từng sợi râu. Tờ bạc đẹp, hình của Bác đẹp, thật xứng đáng là tờ bạc đầu tiên của nước Việt Nam độc lập"(5).

Trong giai đoạn 1945 - 1975, mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta là thống nhất 2 miền đất nước. Mục tiêu này thể hiện rất rõ nét ở các chủ đề trên tiền giấy như hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam, trong đó biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu trưng rõ nét nhất cho tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam và khát vọng thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ 1945 - 1954, ở những vùng Pháp kiểm soát, chúng cấm lưu hành giấy bạc Cụ Hồ. Nhưng nhân dân ta không sợ, vẫn tin tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Khi Tín phiếu Trung Bộ được đưa vào lưu hành ở Liên khu V, trong nhân dân Liên khu V đã truyền tụng những câu thơ: “Ta tiêu giấy bạc Cụ Hồ/ Là ta xây dựng cơ đồ ngày mai/ Ta cầm giấy bạc trên tay/ Có hình ảnh Bác có ngày vinh quang”(6). Giai đoạn thu đổi Tín phiếu Liên khu V và giấy bạc Nam Bộ để phát hành Tiền Ngân hàng (sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954), nhiều đồng bào Tây Nguyên và khu V vẫn giữ lại một số tín phiếu để “làm vật kỷ niệm của Cụ Hồ”; nhiều người dân Nam Bộ không mang tiền đến đổi vì hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in sâu trong lòng nhân dân miền Nam, nhân dân “vẫn không sao quên được cách mạng đã đem lại cho họ ruộng đất và cuộc sống mới. Họ muốn giữ lại những tờ bạc Cụ Hồ để mãi mãi giữ lấy những kỷ niệm của cách mạng”(7). Trong lòng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của người anh hùng mang độc lập, tự do đến cho đất nước, cũng là biểu tượng của sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.


Khách tham quan triển lãm chuyên đề "Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ" tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: vnexpress.net

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng (người vẽ chân dung Bác Hồ trên nhiều mẫu tiền) đã chia sẻ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện được tính lịch sử, chính trị, mà còn thể hiện được niềm tin sắt đá của người dân với vị lãnh tụ kính yêu(8). Các giai đoạn sau này, sau khi Bác đã ra đi, nhưng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được sử dụng là chân dung duy nhất trên tiền giấy, để biểu trưng cho tinh thần đoàn kết thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam là biểu tượng văn hóa quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nền tiền tệ Việt Nam nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung. Trải qua hơn 75 năm thành lập nước, biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy luôn giữ nguyên giá trị và là biểu tượng tiêu biểu để nhận diện tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

----------------------------------

(1) Tiền giấy Việt Nam là tiền giấy của nước CHXHCN Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phát hành từ năm 1945 đến nay
(2) Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận chia sẻ tại Tọa đàm “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Giấy Bạc Việt Nam", ngày 4-12-2020 tại Hà Nội
(3) Họa sĩ Trần Tiến chia sẻ tại Tọa đàm “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Giấy Bạc Việt Nam", ngày 4-12-2020 tại Hà Nội
(4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : 40 mùa sen nở, Hà Nội, 1991, tr. 286
(5) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2016, tr. 24
(6) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 – 2016, Sđd, tr. 32
(7) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 – 2016, Sđd, tr. 80

(8) Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng chia sẻ tại Tọa đàm “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Giấy Bạc Việt Nam", ngày 4-12-2020 tại Hà Nội.

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập