Chi tiết bài viết

Tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh

10:31, Thứ Sáu, 17-5-2024

(Quang Binh Portal) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, hàng năm, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát những diện tích đất lúa kém hiệu quả, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác; đồng thời hướng dẫn thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đảm bảo đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và định hướng lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất, đảm bảo đạt hiệu quả, bền vững. 

Từ năm 2020 đến nay, Quảng Bình đã chuyển đổi được 562 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác như dưa hấu, ngô, rau, sen… Nhìn chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại một số địa phương đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng 25 - 120 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 02 - 10 lần so với sản xuất lúa, trong đó cao nhất là dưa  hấu từ  12 - 125 triệu đồng/ha/năm, gấp 09 - 10 lần so với trồng lúa; rau các loại cho lợi nhuận 77 - 80 triệu đồng, gấp 06 - 07 lần trồng lúa; mô hình trồng sen lợi nhuận 40 - 45 triệu đồng/ha/năm, gấp 03 - 05 lần trồng lúa.

Cùng với đó, tỉnh đã chủ động trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng theo vùng tập trung chuyên canh và bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gồm có: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại Quảng Ninh, Lệ Thủy; vùng sản xuất lạc ở Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa; vùng sản xuất rau an toàn tại Bố Trạch, vùng sản xuất khoai lang ở Lệ Thủy... Tỉnh cũng đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, đã có 79 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 12 sản phẩm đạt 4 sao, 67 sản phẩm đạt 3 sao. 

Song song với đó, xác định vấn đề hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một giải pháp quan trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh cũng đã ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công như chuỗi lúa gạo, sắn, lạc, dược liệu… đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. 

Thời gian tới tỉnh tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên cơ sở tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát huy tối đa lợi thế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh…

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập