Chi tiết bài viết

Diễn đàn trực tuyến “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình”

16:1, Thứ Ba, 30-8-2022

(Quang Binh Portal) - Chiều ngày 29/8/2022, tại huyện Bố Trạch đã diễn ra diễn đàn trực tuyến “OCOP -  Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình”. Tham dự có GS.TS.NGND, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và địa phương, doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Diễn đàn do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc xây dựng sản phẩm OCOP thời gian qua; đồng thời đưa ra những giải pháp giải quyết những khó khăn, tồn tại để từ đó triển khai OCOP hiệu quả.

Diễn đàn "OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình" là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá, xây dựng hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm OCOP, nông nghiệp huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung; mở ra cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế…

Được biết, Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; đồng thời củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại Quảng Bình, Đề án OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn, từ đó nâng chất lượng đời sống nông dân. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 05 sản phẩm OCOP 4 sao và 89 sản phẩm OCOP 3 sao; có 63 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 14 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã và 11 hộ kinh doanh cá thể.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP như: Vùng nguyên liệu về cà gai leo, tinh dầu sả, nấm tại huyện Bố Trạch; vùng nguyên liệu nông sản ớt, tiêu tại huyện Lệ Thủy, tỏi sạch tại thị xã Ba Đồn. Đặc biệt, đối với tỉnh, trong 06 nhóm sản phẩm OCOP thì ưu tiên phát triển 02 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm và nhóm dược liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm…

Riêng huyện Bố Trạch, thực hiện Đề án OCOP trong giai đoạn 2019 - 2021, đến nay, toàn huyện có 37 sản phẩm/94 sản phẩm của toàn tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao).  Các sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng và ưa chuộng; đặc biệt có các sản phẩm chế biến từ nấm được xuất khẩu ở các thị trường lớn như Lào, Thái Lan và một số sản phẩm như cao cà gai leo, cao thìa canh, rượu sim….  được mời tham gia hội chợ, triễn làm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

PV Hồng Mến
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập