Chi tiết bài viết

Lịch sử hình thành và phát triển của Sở

16:19, Thứ Năm, 26-2-2015

Lịch sử hình thành và phát triển của Sở

Cách đây 60 năm ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa. Để ghi nhớ sự quan tâm sâu sắc và công ơn của Bác Hồ đối với ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho lấy ngày 31-12-1945 làm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Từ đó đến nay gắn bó chặt chẽ với vận mệnh Tổ quốc qua những chặng đường lịch sử dân tộc, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã đề ra trong từng thời kỳ đầu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển KTXH. Những thành tựu về kinh tế và xã hội của tỉnh nhà đạt được trong từng thời kỳ đều mang dấu ấn 60 năm truyền thống vẻ vang mà ngành Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được.

1. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954

Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, văn hóa, xã hội và thảo ra những đề án kiến thiết trình Chính phủ.

Ngay sau khi thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết đã tiến hành xây dựng các kế hoạch "Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng".

Ngày 14-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 68-SL thành lập Ban kinh tế Chính phủ (thay cho Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết). Ban Kinh tế Chính phủ có có nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ nhưng đề án về chính sách, chương trình, kế hoạch kinh tế hoặc những vấn đề quan trọng khác nhằm động viên sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

2. Thời kỳ hình thành Uỷ ban Kế hoạch Quốc gia và cơ quan kế hoạch các tỉnh (1955-1964)

Sau thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình lập lại ở miền Bắc, đất nước ta bước vào giai đoạn mới, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với miền Nam đấu tranh thống nhất nhất nước nhà. Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, ngày 8-10-1955, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia và xác định "Uỷ ban Kế hoạch Quốc gia là cơ quan của Chính phủ để kế hoạch hoá công cuộc kiến thiết kinh tế và văn hoá, tổ chức và chỉ đạo công tác thống kê, kế toán trong cả nước". Trong Thông tư số 603/TTg ngày 14-10-1955 của Chính phủ ghi rõ "Uỷ ban Kế hoạch Quốc gia và các bộ phận kế hoạch ở các Bộ ở TW, Ban Kế hoạch ở các khu, tỉnh, huyện có nhiệm vụ xây dựng các dự án phát triển kinh tế, văn hoá và tiến hành thống kê kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và trong chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta miền Bắc, việc khôi phục và phát triển kinh tế và văn hoá phải dần dần kế hoạch hóa. Ủy ban Kế hoạch Quốc gia sẽ thực hiện từng bước công việc kế hoạch hóa, đảm bảo cho việc cũng cố ở miền Bắc".

Như vậy, kể từ đó hệ thống cơ quan kế hoạch từ TW đến địa phương được hình thành, từng bước được xây dựng và trưởng thành theo tiến trình phát triển của cả nước và tỉnh nhà, bao gồm Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, các bộ phận kế hoạch của các Bộ ở TW, Ban Kế hoạch của các khu, tỉnh, huyện được thành lập. Tại Quảng Bình cuối năm 1955, tỉnh có Quyết định thành lập Phòng Thống kê - Kế hoạch trực thuộc Uỷ ban Hành chính tỉnh do đồng chí Đinh Văn Ích - Uỷ viên Ủy ban Hành chính tỉnh làm trưởng phòng và đồng chí Lê Thân làm phó phòng.

Phòng Thống kê - Kế hoạch bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch 2 năm khôi phục kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh (1955-1957) mà trọng tâm vào việc hoàn thành cải cách ruộng đất trên toàn tỉnh, thực hiện "người cày có ruộng" và hình thành quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Đối với khu vực thành thị đã xây dựng kế hoạch khôi phục các cơ sở sản xuất do địch rút đi, khôi phục các tuyến đường giao thông chủ yếu, phục hồi hệ thống trường học, bệnh viện, tiếp quản và duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Trong những năm 1958-1960 đã xây dựng kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu là xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, khắp nơi trong tỉnh tiến hành phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, kết hợp cải tạo quan hệ sản xuất, để xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỷ thuật trong nông nghiệp nông thôn. Ở khu vực thành thị đã xây dựng kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp và các ngành phi nông nghiệp, từ đó hình thành các HTX tiểu thủ công nghiệp, các HTX dịch vụ, các xí nghiệp công tư hợp doanh và hình thành các xí nghiệp quốc doanh. Mặc dù đây là lần đầu tiên Phòng Thống kê - Kế hoạch của tỉnh tham gia vào xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế nhưng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, chỉ sau một thời gian ngắn kinh tế tỉnh nhà đã được khôi phục, có bước phát triển trên nhiều mặt. Những thành tựu đạt được trong thời kỳ này là tiền đề để tiếp tục xây dựng những kế hoạch phát triển cao hơn trong những năm tiếp theo.

3. Thời kỳ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và thời kỳ xây dựng kế hoạch thời chiến (1961-1975)

3.1. Thời kỳ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

Ngày 9-10-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 158-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nghị định nêu rõ: "Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân và văn hoá theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Uỷ ban còn có nhiệm vụ quản lý công tác XDCB của Nhà nước...". Chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có bổ sung, thay đổi vì vậy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Kế hoạch ở các địa phương được hướng dẫn thay đổi theo, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Kế hoạch tỉnh trong quá trình nghiên cứu xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Bình.

Tháng 3-1961, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh lập xong kế hoạch 5 năm 1961-1965 trình Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V. Nội dung cơ bản của kế hoạch 5 năm này là tập trung thực hiện công nghiệp hóa của tỉnh nhà, ưu tiên xây dựng các cơ sở công nghiệp, các công trình thủy lợi lớn, các công trình giao thông chiến lược của tỉnh. Lúc này phương pháp xây dựng kế hoạch là áp dụng phương pháp cân đối ngân sách, vật tư cho các ngành kinh tế - văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực hiện xong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xảy ra, chúng điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc mà Quảng Bình là nơi xẩy ra ác liệt nhất.

Được sự lãnh đạo nhạy bén của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành Kế hoạch đã kịp thời điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình mới, phục vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và đảm bảo kế hoạch chi viện đắc lực cho chiến trường Trị Thiên Huế, làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào.

3.2. Thời kỳ xây dựng kế hoạch phục vụ thời chiến (1966-1975)

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Kế hoạch đã chuyển sang xây dựng kế hoạch kinh tế thời chiến và kế hoạch hậu cần cho chiến trường miền Nam. Chủ trương kinh tế lúc này là tập trung vào các công trình phục vụ chiến đấu như: cầu đường, hầm, kho tàng, sơ tán các cơ quan của tỉnh, các cơ sở kinh tế, trường học, bệnh viện, trường chuyên nghiệp đến nơi an toàn. Trong xây dựng kế hoạch đã chú trọng tới phát triển công nghiệp cơ khí, sửa chữa ô tô, đóng và sửa chữa tàu thuyền, sản xuất giấy, in,... sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng và hậu cần cho mặt trận. Trong chiến tranh phá hoại, kế hoạch sản xuất kinh doanh của tỉnh chủ yếu là phục vụ tại chổ, đảm bảo nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần "hạt gạo chia ba", "xe chưa qua, nhà không tiếc".

Hình thức kế hoạch hoá chủ yếu trong thời kỳ này là kế hoạch năm, kế hoạch quý và vào lúc cao điểm của chiến tranh chúng ta phải áp dụng hình thức kế hoạch tháng để điều hành nền kinh tế nhất là trong lĩnh vực kế hoạch sản xuất, đời sống, đặc biệt là kế hoạch vận chuyển gạo cho chiến trường và vật tư kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ của ngành Kế hoạch từ tỉnh xuống huyện thời kỳ này vừa làm công tác chuyên môn, vừa đào hầm hố phòng không, tham gia chiến đấu bắn máy bay địch vừa sản xuất góp phần tự túc lương thực, tham gia công tác đảm bảo giao thông vận tải, đi dân công hỏa tuyến.

4. Thời kỳ hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989)

Từ 01-07-1976, Quảng Bình được hợp nhất với 2 tỉnh bạn là Quảng Trị, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Uỷ ban Kế hoạch 3 tỉnh được hợp nhất thành Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Bình Trị Thiên. Lúc này Phòng Quy hoạch trực thuộc Ủy ban Kế hoạch được tách ra thành lập Ban phân vùng kinh tế thuộc UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay từ khi mới nhập tỉnh, Ủy ban Kế hoạch tỉnh đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển từ thời chiến sang thời bình, xây dựng kế hoạch tái thiết sau chiến tranh về các mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH. Được sự chỉ đạo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ủy ban Kế hoạch tỉnh đã tính cực cùng với các ngành khẩn trương đánh giá, khảo sát tình hình trong tỉnh, chuẩn bị các dự án, đề xuất nhiều phương án để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp lớn thực hiện các kế hoạch 5 năm 1976-1980, 1981-1985 của tỉnh. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch 5 năm, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh còn tập trung chỉ đạo tổng hợp xây dựng kế hoạch hàng năm đạt được nhiều kết quả, luôn nắm vững thông tin, tổng hợp tình hình để đề xuất những giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm một cách sát đúng, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống dân cư.

Kết thúc kế hoạch 5 năm 1981-1985, nền kinh tế tỉnh ta đã thu được nhiều thành tựu, sản xuất tăng khá, đời sống nhân dân được cải thiện, chất lượng trình độ cán bộ kế hoạch được nâng lên một bước. Đây là thời kỳ đánh dấu chuẩn bị một bước cho giai đoạn đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990, đây là thời kỳ trong bối cảnh thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn yếu kém, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới cơ chế kế hoạch hoá nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi có sự vươn lên về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và của Uỷ ban Kế hoạch tỉnh nói riêng. Vì vậy, ngày 27-11-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 151/HĐBT đã giải thể Uỷ ban Phân vùng kinh tế TW chuyển giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ở tỉnh cũng đã giải thể Ban Phân vùng kinh tế, đến tháng 3-1987 nhập vào Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Bình Trị Thiên. Cùng với sự thay đổi về tổ chức, đội ngũ cán bộ Uỷ ban Kế hoạch đã được tăng cường đáng kể. Bộ máy đã được sắp xếp phù hợp hơn, công tác dự báo ngắn hạn và dài hạn, công tác xây dựng cơ chế chính sách, các giải pháp kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch, phân vùng đã được củng cố và tăng cường. Lúc này trình độ cán bộ nhìn chung đã được nâng lên khá nhiều so với thời kỳ trước, phong cách nghiên cứu, tư duy và cách tiếp cận đã có nhiều đổi mới.

Trong lúc chưa thực hiện xong kế hoạch 5 năm (1986-1990) thì tháng 7-1989 tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

5. Thời kỳ tách tỉnh (1989-2005)

Ngày 01-07-1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập và trở về lại địa giới cũ với tên gọi vốn có trong lịch sử. Từ đó Uỷ ban Kế hoạch lại bước vào thời kỳ mới, đây là thời kỳ đầy khó khăn thử thách và cũng là thời kỳ có cơ hội để phát triển. Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình xây dựng lại tỉnh nhà trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Thị xã Đồng Hới cũng như các huyện hầu như chưa có gì thay đổi đáng kể so với sau chiến tranh qua 13 năm nhập tỉnh.

Ủy ban Kế hoạch tỉnh cũng như nhiều cơ quan khác đã mượn trụ sở của Phòng Kế hoạch và Thống kê UBND thị xã Đồng Hới để làm việc. Nơi ở của cán bộ nhân viên cơ quan phải đi ở nhờ khu tập thể Trường Trung học Kinh tế và một số nơi khác. Mặc dù nơi ở xa nơi làm việc nhưng lãnh đạo cơ quan đã động viên cán bộ, nhân viên chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi sự thiếu thốn, phấn đầu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mọi người đều sống trong không khí hăng say công tác, luôn đoàn kết gắn bó trong nội bộ cơ quan, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng lại tỉnh nhà tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, cơ quan đã tổ chức sắp xếp các bộ phận, xây dựng chương trình công tác, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng nội quy, quy chế làm việc trong hoàn cảnh mới, nhờ đó công việc chuyên môn đều được tiến hành khẩn trương, tích cực, đi vào nề nếp và từng bước phát huy hiệu quả.

Ngay những năm đầu chia tỉnh, Uỷ ban Kế hoạch đã tổ chức nghiên cứu xây dựng sớm kế hoạch 5 năm lần thứ 5 (1991-1995) để trình Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI. Công tác kế hoạch lúc này đã từng bước được đổi mới theo phương hướng chung: đó là tăng cường kế hoạch hoá vĩ mô, tiếp tục chuyển từ kế hoạch hoá tập trung sang kế hoạch hoá định hướng, đảm bảo những cân đối cơ bản của nền kinh tế.

Tháng 3 năm 1996, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh được thành lập trên cơ sở Uỷ ban Kế hoạch tỉnh và bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ được bổ sung đã tạo điều kiện cho ngành Kế hoạch tăng tính năng động trong hoạt động đầu tư và đạt được nhiều kết quả trong việc thu hút vốn đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 6 (1996-2000) trong thời kỳ đổi mới, làm căn cứ cho xây dựng Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 12. Cùng với việc xây dựng kế hoạch 5 năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành một số dự án khác như: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh thời kỳ 1996-2010, hình thành các chương trình, dự án đầu tư phát triển đến năm 2010. Đã tích cực bám các Bộ, ngành TW, các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch hàng năm được lãnh đạo Sở quan tâm, đã bám sát các mục tiêu đề ra để chỉ đạo, đã tham mưu bố trí vốn đầu tư đúng hướng vì vậy các kế hoạch hàng năm đều hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, nhiều dự án đầu tư đến nay đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Bước vào thế kỷ 21, Sở KH&ĐT đã chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các ngành, huyện để tổng hợp và xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 5 năm lần thứ 7 thời kỳ 2001-2005 để trình Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 13 thông qua, đã hoàn thành việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KTXH toàn tỉnh thời kỳ 2001-2010 và hiện nay đã hoàn thành việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển KTXH 5 năm lần thứ 8 thời kỳ 2006-2010 trình HĐND tỉnh và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 14 thông qua .

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở KH&ĐT và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban ngày càng được hoàn thiện, tham mưu chất lượng hơn cho tỉnh về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH. Đối với các huyện, trước đây đều có Phòng Kế hoạch riêng nay được nhập lại thành Phòng Tài chính - Kế hoạch đã tham mưu đắc lực cho UBND các huyện về quản lý công tác quy hoạch, kế hoạch KTXH trên địa bàn huyện. Ở mỗi Sở, ban, ngành, mỗi đơn vị cấp tỉnh đều có Phòng Kế hoạch hay Kế hoạch tổng hợp là tham mưu đắc lực cho lãnh đạo Sở trên từng lĩnh vực chuyên ngành. Như vậy, hệ thống cơ quan kế hoạch từ tỉnh, ngành xuống các huyện đã phát triển mạnh mẽ trở thành ngành tham mưu đắc lực cho cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Chặng đường 60 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên toàn ngành đã thể hiện được sự trung thành với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, vững vàng kiên định trước mọi thử thách khó khăn, nêu cao tình đồng chí, đồng đội đoàn kết nhất trí bổ sung cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và đề xuất các chính sách, biện pháp, những luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp cho lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời sát thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính những công lao to lớn của Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh mà năm 2000 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, năm 2005 đang trình Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2.

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập