Chi tiết bài viết

Quảng Bình: Chủ động hội nhập quốc tế về kinh tế

15:45, Thứ Ba, 23-3-2021

(Quang Binh Portal) - Năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời Quảng Bình phải chống chịu các đợt mưa bão liên tiếp xảy ra, đặc biệt là đợt lũ lịch sử trong tháng 10/2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, công tác hội nhập quốc tế trong năm 2020 của tỉnh phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, khắc phục hậu quả, tập trung thực hiện "mục tiêu kép" - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội nên công tác hội nhập quốc tế của tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Trong năm 2020, Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thông tin về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41, đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), thúc đẩy cùng các nước ký kết được Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); thông tin về các hoạt động đối ngoại nổi bật của tỉnh như tham dự hội nghị lãnh đạo địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2020, hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2020, hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2020, tiếp đoàn Tham tán Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Cu-ba tại Hà Nội để triển khai các nội dung của Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Bình với Bộ Y tế Cu-ba trên lĩnh vực y tế…

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt về hội nhập quốc tế, địa phương cũng đã chủ động trong hội nhập quốc tế về kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.078,63 triệu USD, trong đó, có 09 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động chính thức; 13 dự án đang xây dựng cơ bản; 02 dự án đang lập dự án đầu tư; 02 dự án tạm ngừng hoạt động. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án trong Quý I/2020 tương đối hiệu quả, tuy nhiên sang đầu Quý II, III bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Quý IV bị ảnh hưởng bởi các trận mưa, lũ liên tiếp xảy ra nên đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể: Doanh thu năm 2020 đạt khoảng 165 triệu USD, chỉ đạt 75% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 1.511 lao động; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 6,9 triệu USD.

Trong năm có 02 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 02 dự án so với năm 2019) với tổng số vốn đăng ký 295 triệu USD, đó là: Dự án Trang trại Điện gió BT1 và Dự án Trang trại Điện gió BT2 của Công ty Cổ phần Điện gió BT1 và BT2. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trong năm 2020, tỉnh cũng đã thực hiện các thủ tục vận động và ký kết Hiệp định vay vốn của Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Quảng Bình với kinh phí 174,385 tỷ đồng. Đối với các dự án ODA đã được bố trí vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được khẩn trương thực hiện để giải ngân đúng tiến độ. Cùng với đó, một số dự án chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và chưa được bố trí vốn năm 2020 đang được thực hiện các thủ tục với cơ quan Trung ương.

Cũng trong năm qua, Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ nhanh nhất về thời gian và các bước thủ tục để tạo điều kiện cho những dự án ODA triển khai thuận lợi; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là địa phương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, hướng dẫn nhà đầu tư về thủ tục, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh; thực hiện thủ tục về ký quỹ, hoàn ký quỹ cho nhà đầu tư đảm bảo đúng tiến độ; thường xuyên rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án đầu tư, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư tư; tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp hàng quý để tháo gỡ kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã có nhiều cải thiện nhưng thực tế còn có nhiều thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dài; công tác kiểm tra, giám sát đầu tư chưa thường xuyên; nhiều nhà đầu tư năng lực kém; gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn đến dự án chậm tiến độ theo cam kết, kéo dài thời gian đưa đất vào sử dụng, lãng phí tài nguyên; các khó khăn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, vướng mắc thủ tục pháp lý… vẫn còn tồn tại; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tuy có tiến bộ nhưng có thứ hạng thấp…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là đường lối ngoại giao theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chương trình, kế hoạch của tỉnh về hội nhập quốc tế, nhất là cam kết hội nhập quốc tế đến các doanh nghiệp, tầng lớp Nhân dân để hiểu rõ những cơ hội, thách thức, trong đó chú trọng tuyên truyền, cung cấp thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định Tự do thương mại (FTA); tiếp tục củng cố, đưa quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh của Lào, đặc biệt là hai tỉnh Khăm Muộn và Sạ-vẳn-na-khệt đi vào thực chất và chiều sâu, tương xứng với tiềm năng của hai bên; tiếp tục chú trọng hợp tác trong Hiệp hội 9 tỉnh 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12, tăng cường, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các cơ quan, địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtơ-rây-li-a…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch của tỉnh, chú trọng đến địa bàn Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Châu Âu và Mỹ, trong đó tập trung kêu gọi các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ven biển; nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; đẩy mạnh vận động thu hút nguồn vốn ODA, NGO từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hung-ga-ri… và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; tăng cường hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập