Chi tiết bài viết

Nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của tỉnh

9:11, Thứ Hai, 26-12-2022

(Quang Binh Portal) - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 Quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Thời gian qua, Việt Nam đã kết nối cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với tất cả các nước trong khu vực, thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về chứng từ, chứng nhận xuất xứ qua ASW. Hiện nay, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á. Hầu hết, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm túc quy định về xuất xứ theo pháp luật Việt Nam và quy tắc xuất xứ đã cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là khi nhập khẩu hàng hóa, xuất trình chứng từ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tương ứng thì được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Hải Quan tỉnh, trong năm 2022, C/O điện tử thực hiện trao đổi qua cơ chế một cửa ASEAN là 1.601/2.662 chứng từ, chiếm tỉ lệ 61%. Hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác là thành viên của FTA đều được doanh nghiệp xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng tại các FTA và được hưởng ưu đãi thuế quan đúng quy định. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan năm 2022 đạt 85,9 triệu USD.

Để có kết quả đó, năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác xuất nhập khẩu, hợp tác quốc tế, ngoại thương, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, quản lý thuế, phí; tập huấn hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu dành cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Thông qua đó đã giới thiệu, triển khai, phổ biến để cán bộ, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Hiệp định RCEP cũng như các Hiệp định FTA khác để nâng cao nhận thức về cơ hội, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc cam kết thực hiện các thỏa thuận kinh tế, Hiệp định FTA thế hệ mới và các Công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Cùng với việc triển khai hoạt động tuyên truyền với các chuyên trang, chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế ở Quảng Bình, các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương, Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả, thiết thực việc đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những cam kết ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các tiện ích của công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ngành liên quan trong việc bố trí ưu tiên nguồn lực để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế ở khu vực cửa khẩu. 

Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp, tỉnh cũng triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và lợi ích từ Hiệp định, tham gia hội nghị về đối ngoại, xúc tiến đầu tư như: Triển khai Hội nghị “Quảng Bình đồng hành thích ứng và phát triển” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tham gia hội nghị do Bộ, ngành tổ chức, qua đó quảng bá tiềm năng, lợi thế và cơ hội của tỉnh cũng như học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư; xây dựng, vận hành có hiệu quả Trang Thông tin điện tử về hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Trung tâm Tư vấn xúc tiến đầu tư đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp kết nối, kêu gọi nhà đầu tư tại thị trường các nước tham gia RCEP đến khảo sát, đầu tư.

Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia, quốc tế cho các sản phẩm xuất khẩu. Năm 2022, tỉnh đã hoàn thành Đề án Xây dựng phần mềm hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của Quảng Bình góp phần nâng cao công tác phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là những mặt hàng có tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Cùng với công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng nhằm tạo môi trường hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trong và ngoài nước; tăng cường khai thác, huy động nhiều nguồn vốn triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đi trước một bước; nghiên cứu sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, đào tạo, dạy nghề; thực hiện cải cách hành chính, công khai hóa thủ tục, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, đảm bảo thủ tục thuận lợi.

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia Hiệp định RCEP vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với quy mô nhỏ, hạn chế về loại hình kinh doanh, chưa có nhiều hoạt động tiếp cận và mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới, chưa có điều kiện đầu tư về công nghệ, dây chuyền sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Một số nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá, phòng vệ thương mại và điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, thương mại của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất gỗ công nghiệp, may mặc, thủy hải sản. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được cải thiện đáng kể nhưng vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế...

Để hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với các nước thành viên Hiệp định RCEP đạt kết quả tích cực hơn nữa, thời gian tới, Quảng Bình đã đề xuất một số kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí giúp tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước làm công tác hội nhập quốc tế và doanh nghiệp trên địa bàn hàng năm; tổ chức đoàn khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm về trợ giúp đào tạo ngoài nước cho cán bộ làm công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận về cơ chế, chính sách và quy định hội nhập quốc tế về kinh tế; đồng thời có chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của những địa phương biên giới.

Mặt khác, địa phương cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục có sự quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, đặc biệt là đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông, chợ cửa khẩu, chợ biên giới và dịch vụ logistics khu vực cửa khẩu; bố trí, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức hoạt động đối ngoại của tỉnh nhằm tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch có hiệu quả, kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư tại Quảng Bình.

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập