Chi tiết bài viết

Tăng cường bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài

8:58, Thứ Năm, 30-11-2023

(Quang Binh Portal) - Trong xu thế mở cửa hội nhập, số người Việt Nam di cư ra nước ngoài (DCRNN) với nhiều mục đích khác nhau ngày càng gia tăng về số lượng và thành phần. Trước bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, việc nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam DCRNN có vai trò hết sức quan trọng, giúp cộng đồng người Việt ngày càng gắn bó, phát huy tinh thần đoàn kết, ổn định cuộc sống ở nước sở tại.

Hội thảo thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài diễn ra vào ngày 27/10/2023 ở thành phố Đồng Hới

Thông tin từ Sở Ngoại vụ cho biết, năm 2023, Quảng Bình có 39.580 hồ sơ công dân có nhu cầu DCRNN, trong đó xin cấp hộ chiếu phổ thông là 35.949 hồ sơ, 8.530 lượt người xuất cảnh ra nước ngoài... Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.791 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Hung-ga-ri, Xinh-ga-po, Ma-lay-si-a, Lào...; 374 lưu học sinh đi đào tạo tại các nước Lào, Cu-ba, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Đức, Ca-na-da, Hung-ga-ri, Ô-xtrây-li-a… theo chương trình đào tạo Tiến sĩ, Đại học, Trung học phổ thông và bồi dưỡng tiếng nước ngoài.

Đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật 

Thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc (Thỏa thuận GCM), trong năm 2023, Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong lĩnh vực DCRNN. Cụ thể: Sở Tư pháp thực hiện 12 chuyên mục “Pháp luật và Đời sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, 12 chuyên mục PBGDPL đăng trên Báo Quảng Bình, in ấn và cấp phát hơn 120.000 tài liệu tuyên truyền.; Công an tỉnh tổ chức 03 buổi truyền thông về phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, 09 buổi sinh hoạt tuyên truyền, 02 chương trình đối thoại thanh niên về di cư an toàn, phòng ngừa di cư trái phép với 500 học sinh, sinh viên tham gia; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 06 hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giải quyết việc làm cho gần 700 đại biểu là cán bộ trực tiếp phụ trách công tác lao động - việc làm ở cấp huyện, xã.

Với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, bám sát quy định của pháp luật, thông qua các hội nghị đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời giúp cán bộ, Nhân dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về pháp luật di cư, giảm thiểu rủi ro dễ gặp phải trong quá trình DCRNN.

Chú trọng công tác triển khai nhiệm vụ 

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác giải quyết các sự kiện quốc tịch, hộ tịch, nuôi con nuôi, cấp lý lịch tư pháp có yếu tố nước ngoài năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách  thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch; kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại.Theo đó, đã giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 99 trường hợp; cấp Phiếu Lý lịch tư pháp 25.035 trường hợp; giải quyết 01 trường hợp nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong năm, toàn tỉnh có khoảng 5.791 lao động (tăng 1.791 lao động so với cùng kỳ năm 2022) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Hung-ga-ri, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Lào... Phần lớn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thông qua các đơn vị tuyển dụng hợp pháp. Công tác hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, văn hóa, tập quán của các nước tiếp nhận lao động và kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh được đặc biệt quan tâm, do đó, chất lượng nguồn lao động đã cải thiện đáng kể, đáp ứng được yêu cầu công việc, được nước tiếp nhận lao động đánh giá cao, ưu tiên sử dụng. 

Vừa đấu tranh, ngăn chặn vừa bảo hộ, trợ giúp

Năm 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời nắm tình hình, xác minh, điều tra, xử lý 123 vụ/145 trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, 02 vụ/05 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn; 05 trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài; 25 vụ/35 trường hợp người nước ngoài vi phạm trong hoạt động đúng mục đích nhập cảnh, quá hạn tạm trú, vi phạm pháp luật Việt Nam và một số trường hợp do tổ chức cá nhân của địa phương không thực hiện trách nhiệm khai báo, bảo lãnh người nước ngoài đến lưu trú, làm việc. Địa phương cũng đã thực hiện tốt việc tiếp nhận công dân bị nước ngoài bắt giữ, trao trả và tạo điều kiện thuận lợi cho những công dân này trở về địa phương sinh sống, hòa nhập cộng đồng.

Song song với đó, Quảng Bình cũng thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân của địa phương ở nước ngoài; thường xuyên thông báo, phổ biến đến sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và địa phương về việc thay đổi chính sách, quy định của Lào, Trung Quốc; làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về khảo sát “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022.

Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực

Với biên giới phía Tây giáp với các tỉnh Khăm Muồn, Sạ-vẳn-na-khệt (nước CHDCND Lào), có Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và Cửa khẩu phụ Cà Roòng, do đó Quảng Bình chú trọng tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng của các tỉnh của nước bạn Lào; đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức thi tuyển đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các Chương trình hợp tác về lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Hàn Quốc (Chương trình EPS), Nhật Bản (IM Japan), Cộng hòa Liên bang Đức để tăng cường di cư hợp pháp. Tỉnh còn phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng phòng, chống đưa người di cư trái phép từ Việt Nam sang Ô-xtơ-rây-li-a bằng tàu thuyền tại địa bàn. Đặc biệt, ngày 19/9/2023, UBND tỉnh Quảng Bình và Chính quyền tỉnh Yamanashi, Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác ký  tại tỉnh Yamanashi, Nhật Bản, trong đó có nội dung hợp tác trong lĩnh vực lao động.

Khó khăn và hạn chế trong thực hiện Thỏa thuận GCM

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam DCRNN ở một số nơi còn chưa đồng bộ, chưa chú trọng vào công tác phòng ngừa. Việc sử dụng giấy thông hành trong khu vực biên giới để lao động, mua bán, kinh doanh trái phép... đang tiếp tục xảy ra. Nhu cầu xuất cảnh để tìm việc làm của công dân ngày càng nhiều, nhất là đối với lao động phổ thông, tuy nhiên đường xuất cảnh chính ngạch chi phí cao, đòi hỏi trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật nên thời gian tới, dự báo hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép sẽ tiếp tục diễn ra với những hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn. 

Người Quảng Bình ở nước ngoài ngày càng gia tăng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ công dân. Tình trạng vi phạm pháp luật của người lao động Việt Nam nói chung, trong đó có người Quảng Bình tại các nước là khá lớn. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước mà ở lại tiếp tục làm việc ở các nước luôn phải đối mặt với nguy cơ, rủi ro. 

Ngoài ra, việc theo dõi, quản lý thông tin người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động hết hạn hợp đồng về nước để có chính sách hỗ trợ phù hợp còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương đều không thể thống kê chính xác số lao động tại địa bàn đi làm việc ở nước ngoài cũng như tình trạng xuất cảnh của người lao động.

Giải pháp triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM

Để tiếp tục bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn và trật tự trong khu vực cũng như trên thế giới, tỉnh đề xuất một số đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, tham mưu Chính phủ xây dựng lộ trình hoặc khuôn khổ, cơ chế hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới để triển khai hiệu quả hơn Thỏa thuận GCM; quan tâm giới thiệu đối tác quốc tế khác có thế mạnh về lĩnh vực di cư nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Thỏa thuận IOM; tổ chức tập huấn nâng cao kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Thỏa thuận; hỗ trợ địa phương trong triển khai công tác lãnh sự, bảo hộ công dân ở nước ngoài...

Tin rằng, với sự quán triệt nhất quán tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31: “Triển khai toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài”, công tác bảo hộ công dân sẽ tiếp tục được tỉnh nỗ lực thực hiện tốt, qua đó, tạo lòng tin, sự yên tâm, sống đoàn kết, tôn trọng pháp luật và hòa nhập với nước sở tại của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, người dân Quảng Bình DCRNN nói riêng; đồng thời góp phần động viên, khuyến khích sự đóng góp tích cực của các kiều bào trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập