Chi tiết bài viết

Kiến nghị của cử tri xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh đề nghị tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút dự án lớn để phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai và du lịch của tỉnh

14:32, Thứ Sáu, 29-7-2016

(Quang Binh Portal) - Đối với kiến nghị nói trên của cử tri các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, giải đáp. Cụ thể:

Trong thời gian qua, việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng được đưa vào chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, mạng lưới giao thông trên toàn tỉnh cơ bản được đầu tư hoàn thiện cả về đường bộ, đường thủy, đường hàng không...đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trong và ngoài tỉnh, dần đưa hệ thống các tuyến đường giao thông chính vào đúng cấp bậc kỹ thuật quy định, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng, có tính chiến lược, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội như: sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La, mở rộng QL 1A, Cầu Nhật Lệ 2, đường nối KKT Hòn La với khu công nghiệp xi măng Tiến, Châu, Văn Hóa, Trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m, xã Bảo Ninh... tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn vào tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, đầu tư công thắt chặt, việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư là giải pháp quan trọng trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. UBND tỉnh đã đăng ký với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các dự án giao thông trọng điểm, có tính động lực cho phát triển của tỉnh như: Dự án đường cao tốc đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) – Bùng (Quảng Bình) và đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình (PPP); tích cực vận động các nguồn vốn ODA triển khai các dự án: Dự án xây cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (WB), Dự án hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng toàn diện 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (ADB).

Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án lớn để phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai và du lịch được UBND tỉnh hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, xác định cải cách hành chính là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận, xử lý những phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính các cấp tuân thủ đầy đủ quy định theo TCVN ISO 9001:2008, tạo điều kiện cho nhà đầu tư được tiếp cận thuận lợi trong việc tra cứu, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cả thiện rõ nét, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực hiệu quả, niềm tin của các nhà đầu tư được cũng cố, nhiều dự án lớn động lực của tỉnh, của các nhà đầu tư chiến lược được tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh còn thấp, ngoài nguyên nhân khách quan (các tỉnh khác tăng cao hơn; Tính đại diện, ý thức trả lời của một số ít doanh nghiệp còn chưa thực sự khách quan...) thì còn có các nguyên nhân chủ quan như: chưa xây dựng được một chương trình, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp hành động một cách chi tiết; tính tiên phong, năng động của lãnh đạo các ngành, các cấp còn chưa cao, chưa đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; Tinh thần, thái độ và trách nhiệm đối với công việc phục vụ doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ hành chính công của một số cán bộ, công chức chưa cao…

Để phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động số 931/KH-UBND ngày 16/06/2016 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Trong đó, đã đề ra 7 giải pháp lớn, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực nhằm giảm tối thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư từ khi khảo sát, giới thiệu địa điểm, thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư...và các TTHC liên quan như đăng ký kinh doanh, thuế, kiểm tra, thanh tra...; chỉ đạo xây dựng Quy trình thủ tục hành chính thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn nhằm đơn giản, công khai và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chuẩn bị các thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.

Cổng TTĐT tỉnh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập