Chi tiết bài viết

Bộ trưởng Tô Lâm: Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp

13:47, Thứ Năm, 10-11-2022

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh...

Sáng 08/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo (Ảnh: Phạm Thắng) 

Công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã quán triệt, triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước. Công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, gắn với quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới; công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao đạt nhiều kết quả tích cực... Công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, các vi phạm đều giảm.

Dù vậy, theo Bộ trưởng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết, tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ... Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh... Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%. 

Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực. Nổi lên là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề; khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, phòng ngừa và xử lý các vi phạm. Số vụ phát hiện giảm 39,54%, song số vụ khởi tố mới tăng 29,34%.

Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet; tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm 4,56% về số vụ, giảm 9,44% về số người bị thương, nhưng tăng 7,57% về số người chết. Tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.

Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến đặc biệt phức tạp, số vụ cháy tuy giảm 25,11% song số người chết tăng 22,09%; đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản...

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hệ lụy của đại dịch COVID-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu một số nơi chưa phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế..

Tăng cường tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 8/11 (Ảnh: Phạm Thắng) 

Báo cáo trước Quốc hội về những chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề phức tạp về trật tự xã hội ngay từ cơ sở.

Tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra theo tố tụng.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện và ứng dụng Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu; đồng thời, chủ động tìm kiếm và tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. 

Đồng thời tăng cường tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân; có lộ trình tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16 tháng 3 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”./.

Theo DangCongSan.vn

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập