CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Những kết quả đạt được trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

16:11, Thứ Năm, 18-8-2022

(Quang Binh Portal) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, từng bước có sự thay đổi tích cực theo hướng đào tạo tại cơ sở, chủ yếu đào tạo thực hành, tăng năng lực tiếp cận thực tế cho người học, góp phần nâng cao chất lượng lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Xác định vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng đề án, kế hoạch chương trình hành động, đề ra mục tiêu, biện pháp cụ thể triển khai và tổ chức thực hiện. Kết quả, từ năm 2011 - 2021, toàn tỉnh có 129.338/161.673 thanh niên nông thôn tham gia học nghề (chiếm 80% so với số người tham gia học nghề), trong đó thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 13.460/32.049 người (chiếm 42% lao động được hỗ trợ đào tạo). Đặc biệt, một số nghề có số lượng thanh niên nông thôn tham gia đông với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo lên đến 90% như kỹ thuật xây dựng, sửa chữa máy tàu thuyền, may công nghiệp, điện dân dụng, nghiệp vụ nhà hàng, nghề hàn, dịch vụ du lịch cộng đồng, nghiệp vụ bàn, buồng...

Bước ngoặt quan trọng trong đẩy mạnh hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn là từ năm 2012, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia và được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 như: Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Đồng Tâm, Công ty Cổ phần Thanh Hương, Xí nghiệp May Hà Quảng, Doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ việc làm Người khuyết tật Quảng Bình, Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân, Chi nhánh Trung tâm dạy nghề dân lập thẩm mỹ Sài Gòn tại Quảng Bình, Công ty May Đại Thành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo, định hướng cho UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề theo hình thức đặt hàng đào tạo, trong đó ưu tiên đặt hàng đào tạo với các cơ sở liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm. Kết quả đã có nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao như: Mô hình liên kết đào tạo nghề May công nghiệp giữa Trường Cao đẳng Nghề với Xí nghiệp May Hà Quảng, Công ty TNHH Tấn Phát, Công ty TNHH Hoa Sen và  Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Bố Trạch, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa với Nhà máy May Đại Thành; Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên với Công ty TNHH Thăng Long, Công ty Dệt may Huế... Các mô hình đào tạo trên tiếp nhận đến 90% học viên sau khi đào tạo vào làm việc với thu nhập bình quân 03 - 05 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, Quảng Bình là điểm đến ngày càng được du khách biết nên những năm gần đây, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch với các nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, buồng, pha chế đồ uống, du lịch cộng đồng. Hàng nghìn lao động được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với trên 90% lao động sau đào tạo được tuyển dụng, có việc làm ổn định... 
Theo thống kê, từ năm 2012 - 2021, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề 32.049 lao động nông thôn; tỷ lệ số lao động có việc làm sau học nghề trung bình đạt 78%. Thông qua hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn cũng đã xây dựng được mô hình gắn kết với doanh nghiệp, đơn vị trong việc đào tạo nghề và tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm tại chỗ; hình thành các tổ hợp tác sản xuất, nghề truyền thống được khôi phục; một số nghề mới được hình thành, phát triển nên chất lượng, hiệu quả hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên. Người lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đã đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập và giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và xã hội như nghề nuôi ong lấy mật, nghề đan vá lưới, kỹ thuật chế biến nước mắm, kỹ thuật hấp, sấy cá, mực tôm; trồng và khai thác rừng; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; kỹ thuật trồng cây ăn quả... Từ thực tiễn cũng đã xuất hiện một số cá nhân điển hình như chị Hồ Thị Thanh ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa; anh Dương Đình Văn ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch; chị Nguyễn Thị Vinh ở thôn 6, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch… góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. 

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và thị trường lao động. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 dạy nghề cho trên 12.800 người lao động nông thôn/năm, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 60%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 40%; đào tạo mới chiếm khoảng 60%; đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 40%; tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo là nữ chiếm trên 45%; đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập. 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức xã và người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, các ngành, địa phương rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các làng nghề, làng nghề truyền thống để xây dựng kế hoạch đào tạo, định hướng, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động; đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, yêu cầu sản xuất của mỗi huyện, thành phố và điều kiện của người học nghề; chú trọng đào tạo các ngành nghề kinh tế trong điểm của tỉnh; đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương thực hiện mô hình đào tạo có hiệu quả thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề, làng nghề truyền thống; tiếp tục thực hiện mô hình có sự phối hợp 03 bên: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học và doanh nghiệp; lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ giới thiệu việc làm, bao tiêu sản phẩm, giới thiệu thị trường tiêu thụ cho người lao động sau đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện kiểm tra, giám sát đối với từng lớp đào tạo trước khi mở lớp, trong quá trình đào tạo, việc sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người học nghề, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của người học, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

PV Mai Anh

Các tin khác

Lao động - Việc làm