CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới chỉ chiếm 5,2% so với tổng số hộ nghèo

15:8, Thứ Sáu, 8-12-2023

(Quang Binh Portal) - Đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả ghi nhận.

Mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh hàng năm giao đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,52% (cuối năm 2021) xuống còn 4,17% (kết quả sơ bộ đến ngày 01/11/2023), giảm 2,35% (vượt chỉ tiêu kế hoạch giao giảm 01%/năm), mặt bằng chung về đời sống của Nhân dân, cơ sở hạ tầng vùng bãi ngang ven biển được cải thiện rõ rệt, lao động thuộc đối tượng của chương trình đã được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động, nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ tham gia các dự án phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo... qua đó đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới chỉ chiếm 5,2% so với tổng số hộ nghèo.

Các địa bàn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. 

Kết quả đó là sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương trong phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo.

Về chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT), từ năm 2021 - 6/2023, toàn tỉnh đã cấp 72.340 Thẻ BHYT cho đối tượng; 64.913 Thẻ BHYT đối tượng cận nghèo; 91.411 Thẻ BHYT cho hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; 52.485 Thẻ BHYT cho người sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Qua hoạt động cấp thẻ BHYT, hỗ trợ khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giảm bớt khó khăn cho bản thân và gia đình. 

Đối với chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL), toàn tỉnh đã tổ chức 05 hội nghị truyền thông về TGPL để hướng dẫn người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được TGPL, người dân biết về TGPL và cách thức để thực hiện quyền được TGPL với tổng số người tham gia là 437 người; 01 hội nghị tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng thực hiện TGPL cho người nghèo, đối tượng yếu thế để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người thực hiện TGPL với tổng số người tham gia là 25 người, bao gồm Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý của Trung tâm, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm và các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh; tổ chức 02 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức TGPL cho cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về TGPL cho người dân thuộc diện TGPL đến Trung tâm với tổng số lượt người tham gia là 191 người. 

Về chính sách hỗ trợ về nhà ở, tiền điện, toàn tỉnh đã có 148 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng theo các Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và huy động từ các tổ chức mặt trận đoàn thể; có 39.399 lượt hộ nghèo hỗ trợ tiền điện, với kinh phí hỗ trợ 49.000 đồng/hộ/tháng.

Chính sách hỗ trợ tín dụng: Toàn tỉnh có 41.439 lượt vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 2.425.773 triệu đồng, cụ chể: Có 4.915 hộ nghèo được cho vay ưu đãi với tổng vốn vay 347.642 triệu đồng theo Nghị định 78/2022; 6.406 hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay 476.425 triệu đồng theo Quyết định 15/2023; 8.458 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay 631.242 triệu đồng theo Quyết định 28/2015; có 1.234 lượt hộ học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn với tổng số tiền 57.660 triệu đồng theo Quyết định 157/2027; 14.441 lượt cho vay giải quyết việc làm với số tiền 692.536 triệu đồng theo Nghị định 61/2015; 33 lượt cho vay đi xuất khẩu lao động với số tiền 2.004 triệu đồng theo Nghị định 61/2015; 4.152 lượt cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 199.589 triệu đồng theo Quyết định 31/2007; 135 lượt cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung với số tiền 2.025 triệu đồng; có 1.665 lượt HSSV vay mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học với số tiền 16.650 triệu đồng theo Quyết định 09/2022/QĐ-TTg.

Việc được sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã dần thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Hàng nghìn hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đã biết tổ chức sản xuất và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững. Chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cơ hội học tập cho HSSV, giúp cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải các chi phí trong học tập, sinh hoạt; giúp hộ nghèo giảm bớt được sức ép và nỗi lo về điều kiện tài chính chu cấp cho con em trong suốt quá trình học tập, giúp các em có cơ hội vươn lên thực hiện ước mơ học tập của mình để cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách, việc triển khai các chương trình, dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững… cũng đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần”, “cho chiếc cần câu để câu con cá”để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng công tác huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

PV Hồng Lựu

Các tin khác