CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Đẩy mạnh liên kết, tạo việc làm sau đào tạo nghề

11:11, Thứ Sáu, 26-4-2024

Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động được xem là giải pháp đột phá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp. Trong nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho HSSV tiếp cận thị trường lao động sớm nhất, Trường cao đẳng kỹ thuật (CĐKT) Công-Nông nghiệp Quảng Bình luôn tích cực “bắt tay” với các DN để xây dựng chiến lược đào tạo nghề dài hơi, bền vững.

Rộng mở “cánh cửa” việc làm
 

Suốt hơn một tuần nay, anh Ngô Thanh Phương (SN 1997) ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vẫn chưa hết cảm giác vui mừng vì tìm được công việc đúng sở thích, ngành nghề đào tạo sau gần 1 tháng tốt nghiệp ra trường. Bắt đầu đi làm từ ngày 1/4, công việc hiện tại của anh là chạy máy vận hành đóng bao xi măng tại Nhà máy xi măng Áng Sơn (Công ty CP Cosevco 6). Tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình với tấm bằng loại giỏi, anh Phương nhanh chóng được nhà máy tiếp nhận với công việc phù hợp chuyên môn được đào tạo. Đây là niềm vui lớn đối với Thanh Phương và gia đình anh.
 
“Tôi thấy mình thật may mắn vì ra trường có việc làm ngay, không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm công việc phù hợp như nhiều người khác. Càng thuận lợi hơn khi chỗ làm cách nhà tôi không xa. Tìm được công việc đúng năng lực, ngành nghề đào tạo không phải là chuyện dễ nên tôi sẽ cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình”, Thanh Phương chia sẻ.
 
Với chàng trai người Bru-Vân Kiều ở bản Rum Ho, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) Hồ Văn Cữu (SN 2006), niềm vui đã đến sớm hơn khi tháng 6/2023, anh chính thức được nhận vào làm việc tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp sạch Thạch Tân (Hà Tĩnh) đóng tại thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) sau 2 năm học trung cấp chăn nuôi thú y tại Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình.
 
Hồ Văn Cữu bảo: “Nếu không tìm được việc làm sau khi ra trường, không được HTX nhận vào làm thì có lẽ bây giờ, tôi chỉ quẩn quanh với bản làng, nương rẫy, chỉ biết áp dụng những kiến thức đã học để nuôi vài con lợn, con gà. Hiện tại, mức lương của tôi cũng dần ổn định, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Ở Rum Ho, mức lương ấy cũng “khá xịn” rồi”.

Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề góp phần nâng cao tỷ lệ HSSV tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Tốt nghiệp ra trường và tìm được công việc phù hợp ngành nghề đào tạo với mức lương ổn định là mong muốn của nhiều học viên tại các cơ sở GDNN nói chung, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình nói riêng. Để hiện thực hóa mong muốn này, nhà trường đặc biệt chú trọng giải pháp mang tính tất yếu, dài hơi-đẩy mạnh liên kết với các DN trong đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp HSSV có môi trường thực tế để thực hành, rèn luyện tay nghề khi đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn tạo cơ hội cho các em tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
 
Theo thống kê sơ bộ của nhà trường, tỷ lệ HSSV sau tốt nghiệp tìm được việc làm đạt gần 85%. Con số này đã phản ánh được những nỗ lực và tính hiệu quả từ “cái bắt tay” của Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình với các DN trong đào tạo nghề.
 
Xây dựng niềm tin
 
Hơn 3 năm nay, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình bắt tay hợp tác với HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp sạch Thạch Tân trong đào tạo nghề. Là một trong những DN ngoại tỉnh tích cực hợp tác với nhà trường trong những năm gần đây, ngoài hỗ trợ học bổng, vật phẩm thực tế phục vụ công tác giảng dạy, HTX còn nhận HSSV của trường đến thực tập. Trong thời gian từ 1-3 tháng thực tập tại đây, HSSV không chỉ được tiếp cận với các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, được tập huấn, hướng dẫn thực hành quy trình, kỹ thuật chăn nuôi hiện đại mà còn được hỗ trợ kinh phí ăn, ở, sinh hoạt.
 
Theo chị Đặng Thu Hà, Phó Giám đốc HTX, từ lúc bắt đầu liên kết với Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình, năm nào HTX cũng tiếp nhận khoảng 10-15 HSSV của trường đến thực tập. Đa số các HSSV đều sáng dạ, tiếp thu nhanh những công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực chăn nuôi. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa để các em hoàn thành tốt đợt thực tập, đồng thời, tuyển dụng một số em vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, 2 trang trại của HTX, 1 ở Hà Tĩnh và 1 ở Quảng Bình đã tiếp nhận hơn 10 HSSV của trường vào làm việc và qua thực tế kiểm chứng, các bạn ấy đều làm việc rất tốt”, chị Hà chia sẻ.
 
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm nguồn nhân lực đầu vào cho thị trường lao động, việc liên kết giữa nhà trường và DN được xác định là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh. Nằm trong xu hướng chung ấy, thời gian qua, Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình đã đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh, qua đó, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ mới; điều chỉnh, cập nhật chương trình theo hướng phù hợp thực tế sản xuất và đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng; huy động nguồn lực phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đầu tư thiết bị dạy học, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà giáo.
 
Hiện nay, nhà trường đang bắt tay liên kết với 50 DN, bao gồm 20 DN trong tỉnh và 30 DN ngoại tỉnh. Đặc biệt trong số này, có nhiều DN đã “gắn bó” với nhà trường không dưới 10 năm, như: Công ty CP Toyota Quảng Bình, Thaco Auto Quảng Bình, Công ty CP Greenfeed Việt Nam-Chi nhánh Bình Định, Công ty CP Nông nghiệp sạch Hà Tĩnh… Những năm gần đây, nhà trường đã kết nối với các DN du lịch-dịch vụ lớn, như: Sun Spa Resort thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Sun World-Ba Na Hills, Bang Onsen Spa&Resort, hệ thống khách sạn Mường Thanh Quảng Bình…
 
Bằng các hình thức liên kết, như: Phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo, sử dụng thiết bị của DN để dạy thực hành, hướng dẫn HSSV thực tập tại DN, DN hỗ trợ giảng dạy thực hành nâng cao, thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của DN..., “cái bắt tay” giữa nhà trường và các DN ngày càng được thắt chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi. Nghĩa là, “cái bắt tay” ấy đã giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều DN cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành để sát với yêu cầu thị trường lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực khi cung ứng cho DN…

Phó hiệu trưởng Trường CĐKT Công-Nông nghiệp Quảng Bình Dương Thanh Ngọc cho biết: Phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm hình thành nguồn nhân lực lao động trực tiếp có kiến thức và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong nhiều giải pháp đặt ra thì việc gắn kết GDNN với DN và thị trường lao động được xác định là giải pháp quan trọng nhất. Bởi vậy, nhà trường đã tích cực ký kết hợp tác với các DN để tạo điều kiện cho HSSV được thực hành theo công việc chuyên môn thực tế, kết hợp việc giám sát, đánh giá kết quả người học chặt chẽ. Nhờ đó, chất lượng đầu ra của HSSV ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của DN.
 
Trong quá trình đào tạo, DN phối hợp với nhà trường tổ chức kiến tập, thực tập cho HSSV, hỗ trợ các em kinh phí ăn, ở, sinh hoạt, giúp các em nâng cao kỹ năng và mức độ sẵn sàng tiếp cận nghề, qua đó, nhà sử dụng lao động cũng giảm được thời gian đào tạo lại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hợp tác giữa nhà trường và các DN vẫn còn một số vướng mắc cần có cơ chế để tháo gỡ. Nhà nước cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý cũng như các chính sách hỗ trợ DN nhằm thúc đẩy việc sử dụng lao động qua đào tạo…

Nguồn:https://www.baoquangbinh.vn

Các tin khác