Chi tiết bài viết

Thực hiện tốt giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

16:25, Thứ Ba, 16-7-2024

(Quang Binh Portal) - Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Bình có 10 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 2.285 ha. Đến nay, 04/10 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Quán Hàu; 01/10 KCN (KCN Cam Liên) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Hạ tầng kỹ thuật của các KCN được đầu tư cơ bản hoàn thiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thu hút 115 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 61%. Các KCN hình thành đã thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng mới theo hướng hiện đại. 

Tuy nhiên, việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều tồn tại, khó khăn như nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên hạ tầng kỹ thuật - xã hội của các KCN đầu tư chậm hoàn thành, thiếu mặt bằng sạch; tỷ lệ KCN có công trình xử lý nước thải tập trung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu vận hành và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KCN trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát, đánh giá tình hình xây dựng, phát triển KCN; hướng dẫn, đồng hành cùng nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN theo loại hình mới, hướng đến cân bằng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển của các KCN; xây dựng kế hoạch cụ thể đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, chương trình đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cho hoạt động của các KCN; rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư đề xuất dự án KCN đáp ứng điều kiện đầu tư hạ tầng KCN theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các sở, ngành đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư để đảm bảo việc đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN phải gắn với năng lực thực hiện; kiên quyết thu hồi đất của nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất KCN, tạo môi trường đầu tư lành mạnh; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định để có giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc hình thức xử lý cụ thể đối với từng trường hợp dự án KCN chậm tiến độ; xử lý kiên quyết trường hợp chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư.

Các đơn vị, địa phương cũng tăng cường thu hút đầu tư theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong KCN; đẩy nhanh việc chuyển đổi, xây dựng mới các KCN sinh thái, phát triển loại hình KCN mới như KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao...; kiểm soát việc thu hút đầu tư vào các KCN gắn với thực hiện quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động thu hút tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; hạn chế việc thu hút dự án đầu tư sử dụng nhiều nước, hóa chất, năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, giá trị gia tăng thấp.

Mặt khác, các sở, ngành liên quan đảm bảo tổng diện tích đất của các dự án KCN trên địa bàn phù hợp chỉ tiêu đất KCN trong Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia 05 năm 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho địa phương, tránh phân bổ dàn trải chỉ tiêu đất KCN, trong đó đặc biệt lưu ý ưu tiên phân bổ chỉ tiêu đất KCN cho dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, có tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư và đảm bảo các điều kiện về kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho hoạt động của KCN, hiệu quả sử dụng đất; tham mưu bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc tạo mặt bằng sạch và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu trong và ngoài hàng rào KCN để đáp ứng yêu cầu thu hút dự án đầu tư…

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu inh tế xây dựng cơ chế phối hợp trong thực hiện thủ tục hành chính đối với dự án KCN để thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý và rút ngắn thời gian xem xét, chấp thuận đối với các thủ tục hành chính; xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu chức năng theo định hướng quy hoạch, đầu tư công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội để tạo điều kiện phát triển các KCN, đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng KCN; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động của các KCN; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và đảm bảo an ninh trật tự trong phạm vi quản lý của địa phương, góp phần đảm bảo môi trường lành mạnh cho hoạt động của các KCN…

PV Mai Anh
 

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập