Chi tiết bài viết

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn

15:54, Thứ Sáu, 19-7-2024

(Quang Binh Portal) - Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai tốt Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW, góp phần đưa tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thức rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Bình triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác bình xét cho vay, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người cho vay sử dụng vốn hiệu quả; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu… đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Vì vậy, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 151/151 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời. 

Tính đến ngày 30/6/2024, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Bình tham gia quản lý 5.328,2 tỷ đồng, tăng 3.171,5 tỷ đồng (tăng 147%) so với cuối năm 2014, với 2.215 tổ tiết kiệm và vay vốn; 86.126 hộ vay vốn đang còn dư nợ; bình quân có 39 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt 2,4 tỷ đồng/tổ; nợ quá hạn 3,3 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ ủy thác, giảm 3,63 tỷ đồng so với năm 2014.

Việc nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác đã góp phần xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với tạo dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương như: Chế biến nước mắm xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), sản xuất bánh tráng xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch), nuôi cá trắm sông Son (huyện Bố Trạch), các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng xã hội”, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Bình đã tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường cũng như các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn. UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.346,1 tỷ đồng, tăng 3.168,29 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Đặc biệt, một số địa phương có nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cao so với bình quân toàn tỉnh như thành phố Đồng Hới 15,6 tỷ đồng, huyện Lệ Thủy 14,6 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn 14,6 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch 14,2 tỷ đồng, Bố Trạch 13,9 tỷ đồng…

Có thể nói, thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 25,17% xuống 7,23%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 14,42% xuống 3,24%; giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 6,52% xuống 4,05% so với đầu giai đoạn. 

Qua 10 năm thực hiện, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng 204,297 tỷ đồng (tương đương 1.486%); giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 283,4 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 45,6 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; có trên 4,6 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên gần 42 nghìn lao động; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trên 195,2 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 6,2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách... 

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đoàn thể làm ủy thác có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý kịp thời những tồn tại phát sinh; công tác giám sát khách hàng vay vốn chưa chặt chẽ, dẫn đến chất lượng tín dụng chưa thật sự ổn định; tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách địa phương còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu…

Thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, các văn bản liên quan về tín dụng chính sách xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân về vai trò của tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiện quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ; thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình vay vốn, trả nợ, trả lãi...

PV Mai Anh
 

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập