Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Quảng Trạch

10:52, Thứ Tư, 9-11-2022

(Quang Binh Portal) - Ngày 27/10/2022, UBND tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Quảng Trạch, do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm chủ trì. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh; đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và các phòng, ban liên quan; đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch. Sau khi kiểm tra tình hình thực tế xây dựng nông thôn mới và triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn các xã Quảng Thạch và Liên Trường, nghe đại diện lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch cáo tình hình triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trên địa bàn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận:

I. Thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP đã được Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, bình quân toàn huyện đạt 15,3 tiêu chí/xã; có 07 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; công tác phát triển sản xuất được quan tâm, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quảng Trạch còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: chất lượng các tiêu chí còn chưa cao, nhiều xã bị sụt giảm tiêu chí sau khi đánh giá lại theo Bộ tiêu chí mới…

II. Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quảng Trạch trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Đối với huyện Quảng Trạch:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền để cán bộ, người dân hiểu và nhận thức được xây dựng nông thôn mới là sản phẩm trực tiếp của người dân, người dân là chủ thể, đối tượng thụ hưởng và cũng là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, qua đó động viên người dân tích cực ủng hộ, chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác, khách quan, có kế hoạch bố trí nguồn lực để khắc phục lại các tiêu chí đã bị sụt giảm, nhất là đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020, không để bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tổng hợp, gửi Văn phòng Điều phối NTM tỉnh để tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh phân công các sở, ngành liên quan hỗ trợ khắc phục; quan tâm đầu tư nguồn lực cho 04 xã mới đạt từ 10-14 tiêu chí (Quảng Hợp, Quảng Kim, Phù Hóa, Quảng Châu).

- Quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; chú trọng hỗ trợ phát triển hợp tác xã một cách thực chất trên cơ sở phát triển mạnh các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. 

- Nghiên cứu phát triển trồng rừng gỗ lớn tại những địa bàn có điều kiện, hướng tới xây dựng và phát triển vùng rừng trồng đạt chứng chỉ FSC để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế bền vững cho người dân; nghiên cứu, phát huy lợi thế tự nhiên, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

- Đẩy mạnh xây dựng mô hình vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, chú trọng cải tạo, chỉnh trang cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; có lộ trình, mục tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

- Đối với Chương trình OCOP: Tiếp tục chỉ đạo phát triển và phát huy các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở triển khai hiệu quả Chương trình OCOP; chú trọng công tác đăng ký thương hiệu, công bố và quảng bá chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

2. Đối với xã Quảng Thạch:

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để sớm hoàn thành các thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; đảm bảo chất lượng các tiêu chí đã đạt.

- Chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và người dân khi xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Quảng Trạch tham mưu UBND tỉnh bố trí một phần kinh phí hỗ trợ huyện Quảng Trạch khắc phục các tiêu chí bị sụt giảm tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.

4. Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Tiếp tục bám sát, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ xã Quảng Thạch hoàn thiện các tiêu chí và thực hiện thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. 

Nguồn: Thông báo Kết luận số 4574/TB-VPUBND ngày 09/11/2022

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập