Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tại hội nghị đánh giá công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh

9:34, Thứ Sáu, 23-12-2022

(Quang Binh Portal) - Ngày 20/12/2022, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (viết tắt là Ban Chỉ đạo VSATTP) tỉnh tổ chức đánh giá công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có: Đồng chí Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh; Thành viên Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh.

Sau khi nghe đồng chí Phó giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo đánh giá công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023; ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh kết luận: 

Năm 2022, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở và Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát kế hoạch, chỉ tiêu để điều hành hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Cơ quan Thường trực BCĐ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ công tác đảm bảo ATTP trên các lĩnh vực. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP thực hiện kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật, những cơ sở vi phạm ATTP được công bố công khai. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành về ATTP của người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm được chú trọng, qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng… Năm 2022, toàn tỉnh có 02 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, có 165 trường hợp ngộ độc thực phẩm nhưng diễn ra lẻ tẻ do ăn uống không bảo đảm vệ sinh; không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Một số Ban Chỉ đạo cấp huyện, các ban, ngành quản lý ATTP chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa bàn. Công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được triển khai thường xuyên nhưng khi có cơ sở vi phạm thì việc xử lý còn yếu; trách nhiệm tham gia giám sát hoạt động ATTP của một vài ngành chưa cao; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phức tạp, khó quản lý; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… có nguy cơ ảnh hưởng tới công tác an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, nhất là trong dịp lễ Tết và mùa Lễ Hội năm 2023; yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau: 

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch số 241/KH-BCĐ ngày 12/12/2022 của Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. 

2. Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Rà soát lại thành phần Ban Chỉ đạo để tham mưu, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đảm bảo đủ các thành phần liên quan nhằm triển khai, chỉ đạo công tác ATTP xuyên suốt, hiệu quả. 

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2023, Kế hoạch an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng. 

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đẩy mạnh hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo ATTP các dịp cao điểm lễ, Tết, các sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để kịp thời điều tra, xử lý khi có sự cố về ATTP xảy ra. 
- Khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Quảng Bình và các ngành liên quan để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra các cơ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn tỉnh năm 2023; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật ATTP; tập huấn, kiến thức về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho cán bộ nông nghiệp tuyến huyện, xã và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh nông thủy sản. Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông thủy sản, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP đến người tiêu dùng. Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có xảy ra sự cố về ATTP. 

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản; thanh tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản, vật tư nông nghiệp, truy xuất và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo quy định. Phối hợp với Sở Y tế để thanh, kiểm tra hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh.  

4. Sở Công thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức về công tác ATTP, Luật An toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật về ATTP tới các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. Phối hợp với Sở Y tế để thanh, kiểm tra hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh. 

5. Cục Quản lý thị trường.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm ATTP.

- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, kém chất lượng, các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định... trên khâu lưu thông và trên thị trường nội địa, tập trung các nhóm mặt hàng lưu thông trong dịp Lễ Tết.

- Phối hợp với Sở Y tế để thanh, kiểm tra hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh.  

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với ngành y tế để chỉ đạo các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo ATTP, kiểm soát chặt chẽ quy trình cung ứng các dịch vụ ăn uống tại trường học; đồng thời gắn chỉ tiêu đảm bảo ATTP với các chỉ tiêu hoạt động chuyên môn hàng năm. 

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại các trường học có tổ chức bán trú; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác y tế trường học và những người trực tiếp tham gia chế biến, phục vụ bữa ăn bán trú; khám sức khỏe định kỳ theo quy định. 

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan truyền thông trên địa bàn toàn tỉnh

Phát huy vai trò là cơ quan truyền thông đại chúng, định hướng và nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc chấp hành quy định pháp luật. Xây dựng chuyên đề, chuyên mục về an toàn thực phẩm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền; biểu dương những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu của tỉnh về an toàn thực phẩm; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm. 

8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Mặt trận các cấp phối hợp với các ban, ngành liên quan, các tổ chức thành viên phổ biến Luật ATTP, kiến thức về ATTP, cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư. Phát động các phong trào, chiến dịch đảm bảo ATTP gắn với cuộc vận động xây dựng xã, phường, khu phố, thôn bản văn hóa. 

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Bố trí ngân sách, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý ATTP tại địa phương.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm; việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất rau, sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất tăng trọng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố theo quy định.

- Quy hoạch địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo các yêu cầu theo quy định. Quan tâm chỉ đạo đảm bảo ATTP khu vực trước trường học. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

- Khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn.  

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

Nguồn: Thông báo số 5300/TB-VPUBND ngày 22/12/2022.

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập