Chi tiết bài viết

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò

10:9, Thứ Sáu, 12-5-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 11/05/2023 UBND tỉnh đã có Công điện số 01/CĐ-UBND gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường; UBND các huyện, thành phố, thị xã.. Nội dung Công điện cụ thể như sau:

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh, từ ngày 14 tháng 4 năm 2023 đến nay, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 4 xã của 2 huyện (Quảng Trạch, Tuyên Hóa) làm 47 con bò mắc bệnh, trong đó có 3 con bê chết và đã tiêu hủy do bệnh. Dịch bệnh phát sinh ở ổ dịch Viêm da nổi cục trước đây (xảy ra trong năm 2021); số bò mắc bệnh hầu hết chưa được tiêm phòng vắc xin trong năm 2022 và đợt 1 năm 2023; mặt khác, thời tiết hiện nay thuận lợi cho côn trùng (ruồi, muỗi…) là động vật trung gian truyền bệnh phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn là rất lớn.

Để chủ động kiểm soát, khống chế, hạn chế nguy cơ phát sinh, lây lan của dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh động vật xảy ra tại địa phương do tỷ lệ tiêm phòng thấp (các bệnh nguy hiểm bắt buộc tiêm phòng).

- Rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Ngoài đợt tiêm chính, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho trâu, bò mới sinh, nhập nuôi mới đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí mua vắc xin hỗ trợ tiêm phòng bao vây, khống chế ổ dịch khi mới phát sinh.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh khi có trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục để kịp thời khoanh vùng, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, hạn chế lây lan diện rộng; giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu bò, sản phẩm trâu bò và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn vật nuôi, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, phun hóa chất diệt côn trùng (ruồi, muỗi...). Khi dịch bệnh xảy ra, hướng dẫn người dân cách ly trâu, bò mắc bệnh, không được chăn thả chung đồng cỏ, bãi chăn hoặc thả trong rừng; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị giúp cho vật nuôi sớm hồi phục.

- Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; kịp thời hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có dịch bệnh Viêm da nổi cục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

- Phối hợp với các ban, ngành, địa phương kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở thu gom, giết mổ trâu bò.

- Tổng hợp, báo cáo, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo phòng chống dịch Viêm da nổi cục trâu, bò hiệu quả.

3. Sở Y tế kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện công tác phòng trừ ruồi, muỗi trong khu dân cư vừa ngăn chặn dịch bệnh trên người vừa góp phần hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò.

4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục cho các địa phương.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn địa phương giám sát và xử lý môi trường tại các ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục và khu vực tiêu hủy gia súc theo quy định hiện hành.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục để người dân biết, thực hiện.

7. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục; căn cứ tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống có hiệu quả.

8. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý thị trường theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trâu, bò, sản phẩm trâu, bò nhập lậu, trái phép, không rõ nguồn gốc; kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện./.

Nguồn: Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 11/5/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập