Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2023, phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm

10:14, Thứ Tư, 6-9-2023

(Quang Binh Potal) - Ngày 24/8/2023, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2023, phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm, do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; đại diện lãnh đạo một số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023. 

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2023, phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm; ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:

I. Về đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM 7 tháng đầu năm 2023:

7 tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã rất quan tâm, nỗ lực, tích cực triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện Bộ tiêu chí mới có những tiêu chí khó, yêu cầu cao và nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế. Chương trình tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

- Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ; các sở, ngành được phân công phụ trách các xã đã tích cực theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2023. Một số đơn vị hỗ trợ có hiệu quả như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Công Thương…

- Công tác tuyên truyền được quan tâm, duy trì thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực; các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo cả về điểm và diện...

- Các sở, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ứng trước 16,4 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM năm 2023; phê duyệt, triển khai thực hiện 06 chương trình chuyên đề; cấp kinh phí khen thưởng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, 2022.

- Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu được người dân hưởng ứng, thúc đẩy nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn có nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể như: 

- Tiến độ thực hiện Chương trình, đặc biệt là tại các xã đăng ký đạt chuẩn nhìn chung còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện Chương trình nhiều lúc, nhiều việc chưa nhịp nhàng, kịp thời, thông suốt.

- Nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn trước chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ tiêu chí mới.

- Nguồn lực để thực hiện Chương trình còn nhiều khó khăn…

II. Nhiệm vụ trọng tâm các tháng còn lại năm 2023:

Để đạt được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp báo cáo đã nêu, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành sự tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra trong năm 2023, cụ thể: Có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 thôn bản đạt chuẩn NTM, 37 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 87 vườn mẫu nông thôn mới; tập trung giảm số xã dưới 15 tiêu chí để hoàn thành mục tiêu Trung ương đề ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023 tập trung nguồn lực, cử cán bộ phụ trách trực tiếp, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để hoàn thành tất cả các tiêu chí như lộ trình đã cam kết tại Hội nghị, chậm nhất trước 31/12/2023. 

2. Các sở, ngành đã được phân công chủ trì tập trung triển khai có hiệu quả 06 Chương trình chuyên đề. Phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, để các Chương trình chuyên đề thực sự đóng vai trò định hướng, hỗ trợ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được nội lực, tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh có phương án, lộ trình để hỗ trợ, chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn trước sớm đáp ứng Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 trước thời hạn bị thu hồi bằng công nhận theo quy định; đồng thời giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xây dựng lộ trình cụ thể để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

5. Các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu phấn đấu có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, phát triển mạnh chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo ngay UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tránh để bị động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải ngân các nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các nguồn vốn có thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2023.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động để huy động các nguồn lực tổng hợp từ xã hội, vận động người dân góp công, góp sức để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

8. Các Sở, ngành đã được phân công phụ trách các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục bám sát, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các xã hoàn thành các tiêu chí, đạt chuẩn đúng kế hoạch đề ra.

9. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình; tập trung khơi dậy phong trào, khí thế xây dựng nông thôn mới rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần huy động tối đa nguồn lực từ xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu Chương trình giai đoạn 2021-2025. 

10. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh:

- Tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo theo ý kiến góp ý của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tại buổi làm việc, trình UBND tỉnh.

- Rà soát, tổng hợp các tiêu chí trong Bộ tiêu chí chưa phù hợp với thực tế địa phương, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phương án xử lý phù hợp; tham mưu điều chỉnh hoặc kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh lãng phí nguồn lực.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm, tiếp tục theo dõi, tổng hợp, tham mưu kịp thời UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, hoàn chỉnh báo cáo trình UBND tỉnh ký ban hành./.

Nguồn: Thông báo số 3691/TB-VPUBND ngày 06/9/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập