Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và TKCN năm 2024

11:9, Thứ Ba, 7-5-2024

(Quang Binh Portal) - Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy) chủ trì. Tham dự có các Thành viên Ban Chỉ huy; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, phòng ban chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp xã; đại diện lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Thịnh.

Sau khi xem phim phóng sự (thay báo cáo đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; báo cáo tình hình triển khai xây dựng các mô hình nhà chống bão, ngập lụt giai đoạn 2020 - 2023); nghe Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình báo cáo nhận định tình hình khí tượng, thủy văn năm 2024; ý kiến của các thành viên tham dự, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy kết luận:

1. Về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Năm 2023, tình hình thiên tai tương đối nhẹ so với những năm trước. Tuy nhiên, các tình huống thiên tai vẫn diễn biến khó lường, nắng nóng gay gắt trên diện rộng (Trong đó từ ngày 04-07/5/2023 nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất của một số trạm đã đạt và vượt giá trị lịch sử: Trạm Ba Đồn 41,0 0C; trạm Đồng Hới 41,8 0C), rét đậm, rét hại cực đoan (Trong đó đợt rét đậm nhất là từ ngày 24-31/01/2023 có nhiệt độ thấp nhất là 60C tại Tuyên Hóa); sạt lở xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có 77 điểm sạt lở bờ sông, suối, 60 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ mất an toàn (trong đó có 11 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ rất cao) ảnh hưởng trực tiếp đến 761 hộ dân…

Trong bối cảnh đó, Ban Chỉ huy các cấp, các ngành đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với sự chủ động và luôn quán triệt phương châm 4 tại chỗ, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tại vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một bộ phận người dân còn chủ quan trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan; lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở, nhất là cấp thôn, bản chưa thực sự chuyên nghiệp; trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu; kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu... 

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết năm nay sẽ rất cực đoan, nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm, lũ có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm (do hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino đang suy yếu đến cuối tháng 6/2024, sau đó có khả năng dịch chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 8/2024, mặt khác năm 2024 là năm Giáp Thìn nhiều khả năng lặp lại chu kỳ lũ lớn năm 1964), đặt ra yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng phó, phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn phải thực hiện ngay từ đầu năm thật chi tiết, cụ thể, chuyên nghiệp, hiệu quả, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy tỉnh) yêu cầu:

1.1. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế, tiếp tục quán triệt nghiêm phương châm 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Cụ thể: 

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động hệ thống chính trị trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng địa phương. 

- Rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các cấp, các ngành; bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó, phòng chống các tình huống thiên tai nhất là: cháy nổ, cháy rừng, hạn hán, bão mạnh, lũ lụt, sạt lở đất;…; phương án chỉ huy, kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn liên vùng, liên xã để hỗ trợ, ứng cứu khi thiên tai xảy ra cũng như phục hồi sản xuất, đời sống sau thiên tai. 

- Khẩn trương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, chuẩn bị tốt việc ứng phó, phòng chống hạn hán, cháy nổ, cháy rừng trong mùa khô, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân cũng như người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; thực hiện nghiêm công tác ứng trực 24/24 giờ trong mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt đám cháy trong thời gian sớm nhất; có phương án di dời người dân, tài sản của Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có cháy rừng xảy ra; đảm bảo công tác hậu cần, an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy; điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. 

- Chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó bão mạnh, lũ lụt trong mùa mưa, bão năm 2024; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động xử lý, di dời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các dự án, nhất là các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân khẩn cấp đã được bố trí kinh phí có phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai; tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là tiến độ vượt lũ để an toàn cho công trình và khu vực dân cư.

- Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông cơ sở về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng phó, phòng chống thiên tai để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động thực hiện có hiệu quả.

- Đảm bảo thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, hệ thống điện, nước trước, trong và sau thiên tai, sự cố. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu, đặc biệt là lực lượng nòng cốt như công an, quân sự, biên phòng, xung kích phòng chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy rừng…

- Đảm bảo công tác hậu cần, cứu trợ khẩn cấp trước, trong thiên tai. Chủ động triển khai sớm, kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư theo các phương án, kịch bản khi có tình huống xảy ra. Tập trung chỉ đạo, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.

1.2. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình theo dõi sát tình hình để dự báo, sớm, chính xác diễn biến thiên tai, kịp thời thông tin đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan biết, chủ động triển khai ứng phó.

1.3. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh trực nghiêm chế độ trực ban, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ban Chỉ huy triển khai ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai.

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, kiểm tra các công trình hồ đập, đê kè điều tiết nước hồ chứa linh hoạt vừa đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất vừa đảm bảo an toàn hồ đập; kịp thời tham mưu phương án chống hạn hán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiết kiệm nước vụ Hè Thu năm 2024; kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; cùng với lực lượng Biên phòng quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, ngư dân trên biển.

1.5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch đã đề ra; chủ động tham mưu, triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.

1.6. Công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi có thiên tai; tham mưu, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn nhất là các tình huống cháy ở các chợ, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư…

1.7. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai trên 2 tuyến biên giới; quản lý chặt chẽ tàu, thuyền, ngư dân hoạt động trên biển; cùng với Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình tham mưu, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền.

1.8. Sở Công Thương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai các hồ thủy điện, các nhà máy, xí nghiệp…; chủ động tham mưu phương án dự trữ lương thực thực phẩm.

1.9. Sở Y tế sẵn sàng các điều kiện, phương tiện y tế, dự trữ thuốc men; phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. 

1.10. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; rà soát phương án ứng phó sự cố tràn dầu. 

1.11. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy; đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất khi xảy ra thiên tai; cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trong kỳ nghỉ hè.

1.12. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó đảm bảo giao thông thông suốt; cùng với các địa phương, đơn vị cảnh báo, kiểm soát việc lưu thông qua các điểm giao thông không đảm bảo an toàn như ngập sâu, chảy xiết, sạt lở…

1.13. Điện lực Quảng Bình kiểm tra rà soát các công trình điện đảm bảo vừa phục vụ sản xuất, sinh hoạt vừa phòng chống thiên tai và sớm khôi phục thiệt hại sau thiên tai.

1.14. Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị cung cấp nước sạch đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt, nhất là mùa khô năm 2024.

1.15. Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, chỉ đạo Viễn thông Quảng Bình và các doanh nghiệp viễn thông khác đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

1.16. UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn:

+ Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, rà soát, bổ sung phương án ứng phó từng tình huống thiên tai phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án huy động lực lượng, hiệp đồng hỗ trợ giữa các xã lân cận nhau; chủ động triển khai các hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra, nắm chắc các điểm có nguy cơ cháy rừng cao, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, ngập lụt, lũ quét... để có phương án ứng phó với từng tình huống, cấp độ thiên tai; trước mặt tập trung phòng cháy, chữa cháy, triển khai phương án chống hạn hán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng tiết kiệm nước để đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất vụ Hè Thu năm 2024.  

+ Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Củng cố lực lượng, đảm bảo mỗi thôn, bản, tổ dân phố có đội xung kích phòng chống thiên tai cộng đồng.

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng; kịp thời thông tin, cảnh báo, chỉ đạo phòng chống thiên tai trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

+ Chủ động phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện, vật tư và trang thiết bị.

+ Tổ chức trực ban nghiêm túc, chỉ huy có hiệu quả việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời đánh giá, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn và chăm lo đến đời sống người dân sau thiên tai.

1.17. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức khác triển khai tuyên truyền hội viên, đoàn viên tích cực, chủ động tham gia phòng chống thiên tai; triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

1.18. Các thành viên Ban Chỉ huy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai năm 2024. Các thành viên Ban chỉ huy được phân công phụ trách địa phương tại Quy chế, chủ trì, phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai của các địa phương mình phụ trách, nhất là kiểm tra thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, báo cáo Ban Chỉ huy trước ngày 15/7/2024.

2. Về xây dựng nhà chống bão, ngập lụt

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự chung sức của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong nước và quốc tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình nhà chống bão, ngập lụt. Các mô hình đã khẳng định hiệu quả trong phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, việc tiếp tục nhân rộng các mô hình nhà chống bão, ngập lụt trên địa bàn là rất cần thiết. Trong điều kiện còn khó khăn, Quảng Bình mong muốn các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng địa phương hỗ trợ các cộng đồng, hộ gia đình trong việc nhân rộng các mô hình nhà chống bão, ngập lụt.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại Hội nghị, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, nhất là việc đánh giá hiệu quả từng mô hình với từng điều kiện địa phương, loại hình thiên tai và các giải pháp nhân rộng mô hình để các sở, ngành, địa phương, đơn vị có cơ sở triển khai trong thời gian tới.

3. Về công tác phòng thủ dân sự: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch phòng thủ dân sự để chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phòng thủ.

4. Về các kiến nghị, đề xuất: Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh tổng hợp các ý kiến đề xuất tại Hội nghị, phối hợp với các sở ngành liên quan chủ động giải quyết hoặc tham mưu, báo cáo những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ngành, địa phương, đơn vị biết, triển khai thực hiện.

Nguồn: Thông báo kết luận số 2009/TB-VPUBND ngày 04/05/2024  của Văn phòng UBND tỉnh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập