Chi tiết bài viết

Vùng đất Quảng Bình trong tiến trình lịch sử

18:33, Thứ Sáu, 5-9-2014

Theo dòng chảy lịch sử, mảnh đất Quảng Bình xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân đột khởi trong nhiều lĩnh vực; nhiều làng xã, dòng họ nổi tiếng trở thành chỗ dựa tin cậy cho các vương triều và nhiều lúc là cho cả vận mệnh dân tộc, quê hương...

 

Đó là trạng nguyên thời kỳ đầu của khoa bảng Quảng Bình là Trương Xán khi mới 29 tuổi và tiếp theo thời kỳ nào cũng có người có tên trong danh lục khoa bảng Việt Nam, đã có gần 50 người đỗ đại khoa, trong đó có 1 trạng nguyên, 27 tiến sĩ, 19 phó bảng và hàng trăm người đỗ cử nhân. Trong danh sách 49 vị đại khoa ghi nhận là được có nhiều gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt; Khai quốc công thần như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, các nhà trước tác, học thuật nổi tiếng như cụ Huỳnh Côn; các thế gia vọng tộc như gia tộc thành đạt như họ Trần Đăng, họ Nguyễn Hữu, là họ Nguyễn Duy, họ Trần Khắc...; có rất nhiều danh sỹ nổi tiếng như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Kinh Chi... Tài năng trước thuật và tài thao lược quân sự như Lê Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Mai Lượng... cho đến các tướng lĩnh thời hiện đại như Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp... kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Quảng Bình cũng là cái nôi lớn của văn hào đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, như Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Quách Xuân Kỳ...

Truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng như một dòng chảy xuyên suốt trong tiến trình lịch sừ của vùng đất Quảng Bình, càng được thăng hoa hơn từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc: Quảng Bình thuộc Bộ Việt Thường.

Theo thư tịch và truyền thuyết, đất nước thời Văn Lang - Âu Lạc có 15 bộ tộc Lạc Việt sinh sống, chủ yếu ở miền Trung du và Châu thổ sông Hồng. Nhà nước Văn Lang được thành lập trên cơ sở thống nhất các bộ lạc Lạc Việt do nhu cầu phát triển đất nước và chống ngoại xâm. Trong các bộ lạc Lạc Việt có bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả và thủ lĩnh Văn Lang đóng vai trò lịch sử đứng ra thành lập nhà nước Văn Lang. Người đứng đầu nhà nước Văn Lang gọi là Hùng Vương và các đời vua kế tiếp đều mang danh hiệu đó. Lãnh thổ của nước Văn Lang là miền Bắc nước ta hiện nay. Theo sự phân chia bộ lạc dưới thời Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, vốn dĩ tồn tại trong khu vực đã từng có sách chép là Việt Thường Thị - một tổ chức hành chính Nhà nước sơ khai có địa vực tương đồng với toạ độ địa lý của Bắc Trung Bộ hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ học, điểm cực Nam phát hiện được các di tích văn hóa đồ đồng Lạc Việt lan rộng đến lưu vực Sông Gianh. Chính vì thế, phạm vi phân bố của văn hóa đồ đồng ở miền Bắc, xét đại thể, chính là tương đương với khu vực của nước Văn Lang. Bấy giờ cư dân Văn Lang trên địa vực Quảng Bình đã biết kế thừa và phát huy những thành tựu văn hóa của các thời kỳ trước để bước vào thời kỳ đồng thau nhằm mục đích phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Bước vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, ở Quảng Bình tìm thấy nhiều loại vũ khí như mũi tên, rìu, lưỡi giáp, dao găm bằng đồng; nhiều loại công cụ đồ dùng sinh hoạt như thạp đồng, thố đồng và cả trống đồng ở nhiều di chỉ khảo cổ khác nhau như Cồn Nền, Phù Lưu, Hóa Hợp... Kinh tế nông nghiệp dưới thời đại đồ đồng đã có bước phát triển, đời sống tinh thần của cư dân phong phú hơn. Với các loại trang sức đa dạng về chủng loại, chất liệu, hoa văn, chứng tỏ cư dân ở đây đã chú ý đến cuộc sống tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhiều nơi khác của nước Văn Lang có chung bản sắc văn hoá thời đại Hùng Vương. Tuy vậy, do điều kiện địa lý đặc thù, cư dân sinh sống trên vùng đất Việt Thường ở phía Nam của nước Văn Lang có những sắc thái văn hóa riêng.

Trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam ngày nay, bên cạnh các bộ tộc Lạc Việt, còn có các bộ tộc Âu Việt và nhiều bộ tộc khác cùng nhau chung sống. Nước Văn Lang vào cuối thế kỷ III trước Công nguyên, kinh tế đã phát triển hơn trước, dân số đông hơn và lãnh thổ được mở rộng. Đó cũng là thời kỳ phong kiến phương Bắc có bước phát triển mới. Nhà Tần thống nhất được toàn Trung Quốc, âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược xuống phía Nam thực hiện tư tưởng ’’bình thiên hạ’’. Trước tình hình đó, sự tồn tại đơn độc của từng bộ tộc không đủ sức đối phó với nạn ngoại xâm. Trên cơ sở kinh tế phát triển và do nhu cầu chống xâm lược phương Bắc, cũng như nhu cầu của trị thủy, sự hợp nhất giữa các bộ tộc gần nhau về địa vực, dòng máu và trình độ phát triển kinh tế văn hóa là một nhu cầu tất yếu khách quan. Đó là cơ sở của sự hợp nhất giữa hai bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt dẫn đến sự ra đời của nhà nước Âu Lạc.

Thực hiện ý đồ bành trướng xâm lược, nhà Tần đã tổ chức nhiều cuộc chiến tranh đánh phá xuống phía Nam và đã chiếm được một số đất đai của các dân tộc phía Nam sông Trường Giang nhưng khi đánh vào nước Âu Lạc đã bị quân dân Âu Lạc anh dũng đánh trả. Hàng vạn quân Tần bị tiêu diệt, chủ tướng Đồ Thư bị giết. Nhân dân Âu Lạc đã bảo vệ nền độc lập của mình.

Quảng Bình trong thời thống trị của phong kiến phương Bắc

Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà, một viên quan nhà Tần chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Lâm (Trung Quốc) lập nên nước Nam Việt và xưng vương. Sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà nhiều lần phát động chiến tranh xâm lược nước Âu Lạc song đều thất bại. Biết không thể thắng về mặt quân sự, Triệu Đà cho con là Trọng Thủy kết hôn với Mỵ Châu, con gái của An Dương Vương và ở rể tại Âu Lạc. Chính trong thời gian đó Trọng Thủy đã điều tra nắm tình hình và học cách phá nỏ, một loại vũ khí lợi hại của người Âu Lạc và cho quân tiến đánh. Nước Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà và khoảng năm 179 trước Công nguyên. Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập và nước Nam Việt và chia Âu Lạc làm hai quận là Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung bộ). Như vậy trong thời kỳ Triệu Đà thống trị, vùng đất Quảng Bình thuộc quận Cửu Chân.

Thời thuộc Hán và các triều đại phong kiến phương Bắc kế tiếp, địa bàn Quảng Bình thuộc quận Nhật Nam.

Quận Nhật Nam là vùng đất phía Nam quận Cửu Chân mà cực giới của Cửu Chân là Hoành Sơn. Vì vậy, vùng đất Quảng Bình nằm phía Bắc của quận Nhật Nam.

Quận Nhật Nam có địa phận trải dài về phía Nam và được chia ra làm nhiều huyện. Các nhà nghiên cứu cho rằng vùng đất Quảng Bình ngày nay thuộc huyện Tây Quyển và huyện Tỷ Ảnh. Huyện Tây Quyển ở lưu vực sông Gianh, huyện Tỷ Ảnh ở lưu vực sông Nhật Lệ.

Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, nhà nước phong kiến Đông Hán ở Trung Quốc tan rã, phong kiến phương Bắc diễn ra cục diện ’’Tan quốc’’, quyền thống trị nước ta nằm trong tay Sỹ Nhiếp, sau đó lại lệ thuộc vào phong kiến nhà Ngô. Năm 280, nhà Tấn diệt Ngô tạm thời thống nhất Trung Quốc. Dưới thời nhà Tấn chúng đặt lại quận huyện tách đất Tây Quyển, đặt thêm huyện Thọ Linh (năm Thái Khang thứ 10), tách đất Tỷ Ảnh, đặt thêm huyện Vô Lao tương đương với miền Nam Quảng Bình ngày nay. Như vậy, dưới thời nhà Tấn Quảng Bình có 4 huyện: Tây Quyển, Thọ Linh nằm ở phía Bắc và Tỷ Ảnh, Vô Lao nằm ở phía Nam. Thực tế lúc này nhà nước Lâm Ấp đã được thành lập, ngay từ năm Chính thủy thứ 9 nhà Ngụy (248) nước Lâm Ấp đã tiến dần ra đến huyện Thọ Linh và lấy huyện này làm biên giới. Nhưng đến đời Thái Khang nhà Tấn đánh lui được Lâm Ấp lấy lại các huyện thuộc Nhật Nam. Từ đời Vĩnh Hòa về sau, vua Lâm Ấp lại nhiều lần đánh chiếm đất Nhật Nam và đòi lấy Hoành Sơn làm biên giới, nhưng nhà Tấn về cơ bản vẫn giữ được đất Nhật Nam phía Bắc Hải Vân. Tuy vậy, mặc dù nhà Tấn có đặt quận huyện ở miền đất từ Hải Vân ra đến Hoành Sơn nhưng không còn hoàn toàn ở trên đất của các huyện đời nhà Hán nữa.

Thời kỳ thuộc vương quốc Chăm Pa: Địa bàn Quảng Bình có 2 đơn vị hành chính là Bố Chính, Địa Lý

Cũng như ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân phía Bắc, nhân dân các bộ tộc ở quận Nhật Nam phía Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc bóc lột nặng nề. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 ở Giao Chỉ, nhân dân ở quận Nhật Nam không ngừng nổi dậy chống quân xâm lược giành lại quyền sống cho dân tộc mình, trung tâm của các cuộc khởi nghĩa là huyện Tượng Lâm. Nhân dân ở đây chủ yếu là người Chăm, vốn có truyền thống thượng võ và tinh thần quật cường đã nhiều lần nổi dậy chống lại ách thống trị của quân Nam Hán. Năm 100, nhân dân ở đây đã đứng dậy khởi nghĩa nhưng thất bại, chính quyền Đông Hán đã thi hành chính sách đàn áp cực kỳ dã man và thiết lập chế độ cai trị hà khắc. Cuối đời nhà Hán, nhân dân Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nỗi dậy giết huyện lệnh rồi tự xưng làm vua lập nên nước Lâm Ấp. Nước Lâm Ấp sau này đổi tên là Hoàn Vương vào năm 749 và Chiêm Thành và năm 872. Mặc dù sau đó diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành giật vùng đất quận Nhật Nam xưa đoạn từ Hoành Sơn đến Hải Vân giữa các triều đại phong kiến Trung Quốc và vương quốc Lâm Ấp, nhưng về cơ bản vùng đất Quảng Bình sau thời kỳ thuộc Hán thuộc lãnh thổ của Lâm Ấp sau là Chiêm Thành. Sau khi mở rộng biên giới ra phía Bắc là Nam Hoành Sơn, nhận thấy đây là địa bàn xung yếu, là địa đầu của quốc thổ, các triều đại Chiêm Thành đã chăm lo xây dựng hệ thống đồn lũy trên đất Quảng Bình khá kiên cố. Điển hình là lũy Hoàn Vương được xây từ Đông sang Tây dưới chân Hoành Sơn làm chiến lũy trấn giữ đường tiến quân của các triều đại phong kiến Trung Quốc xuống phía Nam. Ngoài ra nhiều thành lũy được xây dựng khá kiên cố như thành Khu Túc, thành Nhà Ngô hiện còn nhiều dấu tích. Trong thời gian thuộc Chiêm Thành vùng đất Quảng Bình là Châu Bố Chính và Địa lý.

Quảng Bình thuộc quốc gia Đại Việt dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Dưới triều Lý là châu Bố Chính và Lâm Bình

Suốt 10 thế kỷ dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nhân dân các bộ tộc của nước Âu Lạc vẫn không ngừng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào những năm 40 của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên là cuộc khởi nghĩa của Lương Long (178-181), Bà Triệu (248), tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí giành lại độc lập dân tộc và lập nên nước Vạn Xuân (544- 589). Tiếp đó các triều đại phong kiến Trung Quốc là nhà Tùy và nhà Đường lại đưa quân xâm lược áp đặt nên thống trị lại nước ta. Trong suốt ba thế kỷ bị nhà Đường đô hộ, nhân dân ta không ngừng nổi dậy chống lại ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Các cuộc khởi nghĩa lớn trong thời kỳ này có thể kể đến là cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722) Phùng Hưng (766-791), Dương Thanh (819-820). Cuối thế kỷ IX, triều đại Đường bước vào thời kỳ suy thoái, nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc nổi lên. Nắm lấy thời cơ đó, Khúc Thừa Dụ nổi lên đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng chính quyền độc lập, kết thúc về cơ bản ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Năm 938, quân Nam Hán lại sang xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, quân dân ta đã đánh bại đội quân xâm lược trên sông Bạch Đằng bảo vệ nền độc lập trọn vẹn, chấm dứt hoàn toàn 1000 năm Bắc thuộc.

Nước nhà được độc lập, sau nhà Đinh, nhà Lý lên ngôi, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là Đại Việt, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền, xây dựng, củng cố quân đội, chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Ở phía Bắc, sau khi thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ nhất dưới thời Tiền Lê, nhà Tống vẫn không chịu bỏ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ở phía Nam, mặc dầu bị thất bại nặng nề trong những lần đánh phá nước ta, các vương triều Chiêm Thành vẫn không từ bỏ âm mưu mở rộng ảnh hưởng ra phía Bắc và có âm mưu cấu kết với nhà Tống xâm lược lãnh thổ quốc gia. Trước tình hình đó, vua Lý Thánh Tông quyết định đem quân đánh Chiêm Thành nhằm bảo vệ cương vực phía Nam và ngăn chặn cuộc xâm lược của nhà Tống ở phía Bắc. Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng tướng tiên phong Lý Thường Kiệt đánh vào kinh đô Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Chế Cũ đưa về Thăng Long. Để chuộc mạng, Chế Cũ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (tức vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) cho nhà Lý. Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh và chiêu dân đến khai hoang lập ấp.

Như vậy là dưới triều Lý từ 1075 vùng Quảng Bình xưa đã trở thành đơn vị hành chính của Đại Việt với tên gọi là Châu Bố Chính và Châu Lâm Bình. Có thể nói đây là mốc lịch sử quan trọng định hình địa vực cư trú của cộng đồng người Việt trên vùng đất Quảng Bình ngày nay.

Những cư dân đầu tiên theo lời chiêu mộ của Lý Nhân Tông đã đến đây khai phá vùng đất mới, lập nên làng xã. Đặc điểm hình thành làng xã ở Quảng Bình ngày nay là các vùng đất phía Nam thuộc Châu Lâm Bình được khai phá trước vì đây là vùng đất màu mỡ thuận lợi cho việc khai hoang, canh tác nghề nông và do yêu cầu của việc tạo vùng đất phên dậu ở biên cương phía Nam Đại Việt. Những cư dân đầu tiên đến khai thiết vùng đất này trước hết là những người dân ở các địa phương gần chủ yếu là ở Châu Hoan, Châu Ái (Nghệ An, Thanh Hóa ngày nay). Trong những đợt di dân đó người ta thường tập hợp những người trong cùng một họ tộc để dễ bề giúp đỡ, cưu mang nhau. Họ đi cùng một đoàn, khai phá một nơi, rồi lập lên làng xã. Chính vì vậy ở Quảng Bình, những danh xưng của làng thường mang tên một họ tộc như Phan Xá, Ngô Xá, Hoàng Xá, Võ Xá... Chính đặc điểm này đã tạo nên sự gắn kết vững chắc của cộng đồng vì nó không chỉ là một đơn vị hành chính mà còn có yếu tố huyết thống dòng tộc.

Sau khi nhà Lý suy vong triều Trần được thiết lập tiếp tục công việc kiến thiết đất nước, củng cố quốc gia thống nhất, mở rộng biên cương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cương vực đất nước được mở rộng xuống phía Nam, công cuộc khai thác vùng đất bố Chính và Lâm Bình được đẩy mạnh. Triều Trần đã có một số cải cách hành chính nhằm củng cố chế độ tập quyền. Các đơn vị hành chính được cải tổ lại cho phù hợp với việc quản lý của chính quyền trung ương. Đầu đời Trần, Châu Lâm Bình dưới đời Lý được đổi thành phủ Lâm Bình. Đến đời Duệ Tông (1372-1377) đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình sau đổi thành lộ Tân Bình. Năm Quang Thái thứ 10 (1397), Lê Quý Ly làm phụ chính thái sư, sửa đổi chế độ hành chính, đã đổi các lộ, phủ ra làng trấn phủ Tân Bình được đổi thành trấn Tân Bình. Như vậy, cuối đời Trần cộng đồng cư dân người Việt sống trên địa bàn thuộc các đơn vị hành chính sau đây:

Trấn Tân Bình có huyện Thượng Phúc, huyện Nha Nghi và huyện Tri Kiến.

Châu Bố Chính có huyện Bố Chính, huyện Đặng Gia và huyện Tòng Chất.

Cuối đời Trần, nhà Hồ lên nắm quyền trong một thời gian ngắn. Sau khi diệt được nhà Hồ, triều đại phong kiến Trung Quốc là nhà Minh thôn tính Đại Việt, đổi nước ta thành quận Giao Chỉ và có những thay đổi về đơn vị hành chính ít nhiều. Nhà Minh đặt các châu huyện lệ vào 15 phủ và 5 châu lớn trong đó có phủ Tân Bình, đổi Châu Bố Chính làm Châu Trấn Bình; huyện Thượng Phúc đổi thành huyện Phúc Khang, huyện Bố Chính thành huyện Chính Hòa, huyện Đặng Gia thành huyện Cổ Đặng.

Theo Minh Chí thì đời Vĩnh Lạc, phủ Tân Bình có 37 xã với 2.132 hộ, 4.738 khẩu.

Sau khi đánh đuổi quân Minh khôi phục nền độc lập dân tộc, công cuộc khai phá được đẩy mạnh. Dưới triều Lê Thánh Tông có chính sách chiêu dụ khai khẩn vùng đất Bố Chính, các làng xã ở Tân Bình và Bố Chính phát triển nhiều hơn. Năm Quang Thuận thứ 10 tức năm Kỷ Sửu (1469) lập bản đồ trong cả nước, phủ Tân Bình có hai huyện là Lệ Thủy và Khang Lộc và hai châu là Minh Linh và Bố Chính. Lê Lợi chia cả nước làm 5 đạo: Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo.

Trấn Tân Bình được đổi thành lộ Tân Bình thuộc đạo Hải Tây.

Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) để tăng cường sự quản lý thống nhất về mặt hành chính, Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, đổi phủ làm lộ, đổi trấn làm châu.
Vốn là lộ Tân Bình, đời Hoằng Định (1600) vì húy kỵ nên Lê Kính Tông đổi làm Tiên Bình.

Trong giai đoạn lịch sử này đất nước có những biến động lớn. Đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy yếu, năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất triều Lê lập triều Mạc. Họ Mạc vừa lên nắm chính quyền thì các phe phái phong kiến đối lập, nấp dưới chiêu bài khôi phục triều đại chính thống, nổi lên ở nhiều nơi. Cuối cùng một viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim ra sức tập hợp các thế lực chống Mạc, rồi chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, thành lập một chính quyền riêng với danh nghĩa là triều Lê Trung Hưng. Năm 1545 Nguyễn Kim chết, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Cuộc xung đột giữa các phe phái phong kiến đã đưa đến hậu quả đất nước bị chia làm hai miền. Chính quyền nhà Mạc thống trị vùng Bắc Bộ ngày nay, gọi là Bắc triều, và họ Trịnh nắm quyền hành từ vùng Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều. Cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến đó kéo dài trên nửa thế kỷ. Năm 1592 Nam triều thắng Bắc triều và chiếm được Thăng Long, nhưng các thế lực nhà Mạc còn chiếm cứ nhiều nơi, rút lên cố thủ ở Cao Bằng cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII. Trong thời gian này vùng đất Tân Bình vẫn thuộc đất họ Trịnh (Lê Trung Hưng) và không có thay đổi về tên gọi, chỉ đến năm 1600 mới đổi thành Tiên Bình. Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều kết thúc thì một cuộc chiến tranh mới giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn lại diễn ra, kéo dài và còn ác liệt hơn.

Xuất hiện danh xưng Quảng Bình

Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), sau khi thiết lập cương vực ở phía Nam, thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền đã đặt tên mới cho vùng đất phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Danh xưng Quảng Bình chính thức đi vào lịch sử.
Dưới thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, châu Bố Chính chia thành Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính. Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Nam Bố Chính thuộc Quảng Bình ngày nay, lấy sông Gianh làm giới hạn.

Đầu đời Gia Long, khi thắng được nhà Tây Sơn, tại miền Trung, khu vực phụ cận kinh đô, nhà Nguyễn đặt bốn dinh trực lệ là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức và Quảng Nam. Năm Minh Mạng thứ hai (1821) đổi dinh Quảng Bình làm trấn Quảng Bình bỏ hai chữ trực lệ. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn Quảng Bình thành tỉnh Quảng Bình. Đến đây Quảng Bình có thiết chế hành chính cấp tỉnh.
Các đơn vị hành chính ở Quảng Bình thời kỳ này có những biến đổi như sau:

Phủ Tiên Bình, vốn là Tân Bình, đời Hoằng Định (1600) đổi làm Tiên Bình; năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi làm phủ Quảng Bình; năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi làm Quảng Ninh.

Huyện Khang Lộc: Thời Lê sơ là Kiến Lộc, sau đổi thành Khang Lộc; Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi làm Phong Lộc, lệ vào phủ Quảng Bình; năm Minh Mạng thứ 7 do phủ Quảng Bình (sau đổi làm phủ Quảng Ninh kiêm lý; năm Minh Mạng thứ 19 tách đất huyện Phong Lộc làm huyện Phong Phú sau bỏ tri huyện cho phủ kiêm lý. Địa vực hiện nay thuộc phần đất chủ yếu của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Huyện Lệ Thủy có địa vực chủ yếu thuộc hữu ngạn phần trung lưu sông Kiến Giang, nay cũng là huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.

Châu Bố Chính: Thời Lê Trung Hưng Châu Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Châu Nam Bố Chính thuộc Quảng Bình; thời Tây Sơn hai châu đổi làm châu Thuận Chính, đời Gia Long lại chia làm hai Châu Bố Chính nội và ngoại, sau đổi làm hai huyện Bố Trạch và Bình Chính đều lệ vào phủ Quảng Ninh; năm Minh Mạng thứ 19 (1838) tách đất hai huyện đặt thêm huyện Minh Chính lệ vào phủ Quảng Trạch; năm Tự Đức thứ 28 (1874) lại đặt thêm huyện Tuyên Hóa lệ vào phủ Quảng Trạch. Châu Bố Chính tương đương với đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Thời kỳ thuộc Pháp từ năm đến năm 1945 tỉnh Quảng Bình về cơ bản có địa giới như cũ và tên tỉnh vẫn là tỉnh Quảng Bình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục giữ nguyên địa giới và tên tỉnh như trước đây là tỉnh Quảng Bình cho đến 1976.
Từ tháng 5-1976, tỉnh Bình Trị Thiên thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế và khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình không còn là một đơn vị hành chính cấp tỉnh, các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũ trực thuộc vào tỉnh Bình Trị Thiên.

Từ tháng 7-1989, tỉnh Bình Trị Thiên được chia thành ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình lại trở về với địa giới cũ và là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia về danh nhân Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập