Chi tiết bài viết

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

15:34, Thứ Năm, 21-12-2023

(Quang Binh Portal) - Sáng ngày 21/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp. Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.


Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ: Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, công tác ngoại giao kinh tế có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất, hiệu quả hơn. Những năm qua, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp trên các trụ cột đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay. Việt Nam đến nay đã là nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á; nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là 1 trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng lớp; trong đó đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới…


Điểm cầu Quảng Bình

Đối với Quảng Bình, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác, ký kết thỏa thuận với các tổ chức, đối tác nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm “Gặp gỡ, Hợp tác Quảng Bình - Tokyo” tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản - đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư có quy mô tại Nhật Bản với mong muốn chia sẻ và hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, cùng nhau biến tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực, giúp Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn, CHDCND Lào để tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đầu tư sang nước CHDCND Lào; phối hợp tỉnh Sakon Nakhon, Thái Lan tổ chức Triển lãm quảng bá các sản phẩm và dự Hội nghị kết nối gặp gỡ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, lĩnh vực khác giữa hai tỉnh tại tỉnh Sakon Nakhon…

Tại phiên họp, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận những vấn đề: Đánh giá, dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được; đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả; nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; học tập phương thức quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập; bám sát thực tế để làm những việc người dân, doanh nghiệp cần; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp và có tâm, có tầm.

Năm 2024 sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương lưu ý công tác ngoại giao cần phải có sự chủ động, sát tình hình mới; có tầm nhìn chiến lược; tiếp tục thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung vào khâu trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ khó khăn, thách thức cần tháo gỡ; hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện tốt, linh hoạt, chủ động, mạnh mẽ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nhanh chóng; phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương.

PV Hồng Mến
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập