Chi tiết bài viết

Đội viên Dự án 600 với khát vọng giúp dân thoát nghèo

17:24, Thứ Ba, 13-11-2012

(Website Quảng Bình) - Sinh ra ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nhưng Hà Ngọc Thành lại rất gắn bó với huyện nghèo Minh Hóa. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cái nghèo, cái khó của quê hương đã là nỗi trăn trở của Thành. Vì vậy, tốt nghiệp THPT Thành quyết định thi vào Trường Đại học Nông lâm Huế, lựa chọn chuyên ngành Khoa học cây trồng (trồng trọt) và hy vọng khi ra trường sẽ giúp ích cho quê hương.

Khát vọng tuổi thơ
 

Vừa tốt nghiệp Đại học thì cũng là lúc Chính phủ có quyết định phê duyệt Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Với bầu nhiệt huyết của một trí thức trẻ, Thành làm đơn tình nguyện để tham gia Dự án và đã được Hội đồng tuyển chọn của tỉnh lựa chọn cùng với 10 anh, chị khác trong 171 người dự tuyển.

Hà Ngọc Thành (giữa) luôn suy tư về cái nghèo của quê hương

Trong thời gian về thực tế tại xã Yên Hóa, khát vọng xóa đói giảm nghèo ngay trên đất rừng quê hương mà lâu nay Thành ấp ủ đã có cơ hội thực hiện. Với "con mắt nhà nghề", Thành nhận thấy vùng đất xã Yên Hóa hoàn toàn có thể phát triển được cây cao su, đây là loại "vàng trắng" có thể giúp người dân thoát nghèo. Qua thời gian nghiên cứu, Thành đã hoàn thành Đề án "Phát triển cây cao su trên địa bàn xã Yên Hóa giai đoạn 2011-2015". Đề án của Thành đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao tại khóa bồi dưỡng dành cho đội viên Dự án 600.

Hoàn thành khóa bồi dưỡng do Bộ Nội vụ tổ chức, Hà Ngọc Thành được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã ngay tại Yên Hóa nơi mà Thành nghiên cứu và hoàn thành Đề án về cây cao su. Cũng thời gian này, UBND huyện cũng đang triển khai Dự án trồng cây cao su để thực hiện chủ trương của Nghị quyết 30a. Được UBND xã phân công phụ trách kinh tế - nông lâm, đúng với chuyên ngành được học, nhờ vậy Thành có cơ hội triển khai ngay khát vọng bấy lâu của mình, đó là: Giúp dân xóa đói giảm nghèo bằng cây cao su trên chính quê hương rừng núi.

Bắt tay vào việc

Việc khó của Thành là làm thế nào để thay đổi thói quen trồng cây ngắn ngày của người dân, làm thế nào để thuyết phục được người dân tin tưởng tham gia Đề án khi mà hiệu quả của cây cao su phải đến 5 hoặc 7 năm sau mới cho kết quả. Được sự ủng hộ lãnh đạo UBND huyện và xã, sự chung sức của cán bộ kỹ thuật, đồng thời với ý chí của tuổi trẻ cùng với kiến thức về khoa học kỹ thuật trồng trọt, Thành đã thành lập từng đoàn cán bộ về từng hộ dân vận động, trao đổi và thẩm định đất trồng cao su; hướng dẫn cho nhân dân đăng ký, phát dọn thực bì, chuẩn bị đất trồng. Hiện nay toàn xã đã trồng được gần 10 ha/12 ha theo chỉ tiêu, đạt 92% kế hoạch, 100% cây nảy mầm và phát triển tốt.
Không chỉ dừng lại ở việc vận động bà con tham gia, Thành còn tích cực tìm hiểu và phát tài liệu kỹ thuật trồng cây cao su trên đất dốc cho nhân dân tham khảo. Liên hệ công ty giống cây trồng, Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện Minh Hóa để hỗ trợ việc cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật đóng bầu, trồng và chăm sóc cây cao su cho các hộ dân. Kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho người dân về giống, phân bón và các khoản kinh phí cần thiết khác trong quá trình thực hiện Đề án; chỉ đạo, phân công các đồng chí cán bộ kỹ thuật phụ trách từng thôn, sâu sát nhân dân để hướng dẫn cho bà con phát triển cây cao su.

Hỏi đến vai trò của Thành trong việc triển khai Dự án trồng cây cao su ở xã Yên Hóa, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cao Trung Thành cho biết: "Đề án của đồng chí Thành về cây cao su rất phù hợp với mục tiêu của Dự án phát triển cây cao su mà huyện đang triển khai. Hơn nữa, trồng trọt là chuyên ngành của Thành cùng với sự nhiệt tình, tích cực của đồng chí nên việc triển khai rất hiệu quả".

Đông đảo người dân xã Yên Hóa cho hay: "Chúng tôi rất tin tưởng chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân chúng tôi đã được nghe nhiều về lợi ích của cây cao su, được UBND huyện tạo điều kiện và anh Thành hướng dẫn kỹ càng nên bây giờ chúng tôi càng tin tưởng và phấn khởi để thực hiện".

Ngoài việc phát triển cây cao su, Hà Ngọc Thành còn phụ trách triển khai chỉ đạo phát triển trang trại tổng hợp: Hiện nay đang triển khai thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng 400 cây Na và chăn nuôi ba ba, cá trắm, kết hợp nuôi gà; lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135 và các hỗ trợ, chương trình dự án để thực hiện Đề án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn xã Yên Hóa giai đoạn 2011 - 2015". Ngoài việc phụ trách các Dự án phát triển kinh tế, Thành còn được phân công làm Phó ban Thường trực Ban Quản lý xây dựng Nông thôn mới của xã. Hiện nay đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân hiến tài sản, hiến đất để xây dựng giao thông nông thôn, giải phóng hành lang an toàn giao thông.

Thành tâm sự: "Đối với bản thân tôi, mọi việc đều mới bắt đầu nên rất khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên, sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, bước đầu tôi đã tiếp cận với công việc và môi trường công tác, tập trung bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và xã để giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng rừng và xây dựng các mô hình trang trại... Cùng với những kết quả ban đầu như vậy mình tin sẽ thành công".

Ngọc Thắng

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập