Chi tiết bài viết

Người tiên phong trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Bố Trạch

11:11, Thứ Năm, 16-7-2015

Triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh tiến độ công nghiệp hóa trong nông nghiệp. Với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo thuận lợi để người nông dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xất nâng cao hiệu quả cao về kinh tế. Đối với huyện Bố Trạch, dù mới được triển khai mạnh từ năm 2014, song mô hình cánh đồng mẫu lớn đang bước đầu khẳng định được hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất, xây dựng vùng hàng hóa tập trung, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Huyện Bố Trạch có diện tích đất nông nghiệp lớn, cơ cấu cây trồng đa dạng, người nông dân siêng năng, cần cù, chịu khó. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất là diện tích đất canh tác manh mún, nông dân thì mạnh ai nấy làm dẫn đến khó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, từ đó dẫn đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Mặt khác sản phẩn làm ra chưa gắn kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ niên điệp khúc được mùa mất giá thường xuyên xảy ra.

Ông Hồ Văn Chu là người sinh ra và lớn lên trên quê hương Bố Trạch, hiện là chủ của 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân ông có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp. Là một doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp, ngoài lợi nhuận bản thân ông luôn trăn trở rất nhiều về sự phát triển của ngành nông nghiệp huyện nhà. Năm 2014 thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện trên cây Ớt, với mong muốn đóng góp một vai trò nhất định trong chuỗi cánh đồng mẫu lớn để giúp người nông dân có chỗ dựa vững chắc và yên tâm hơn trong quá trình sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện, ông và doanh nghệp của mình đã tự nguyện cung cấp giống và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 131 ha Ớt tập trung của bà con nông dân các xã: Cự Nẫm, Vạn Trạch, Nông Trường Việt Trung, Sơn Lộc, Tây Trạch, Đại Trạch, Liên Trạch và Lý Trạch với giá thu mua theo hợp đồng là 11.000đồng/kg. Nhiều địa phương doanh nghiệp của ông đã cho nợ tiền giống, vật tư nộng nghiệp đến vụ mới trả, ngoài ra doanh nghiệp của ông còn hỗ trợ kỹ thuật gieo trồng và phòng trừ sâu bệnh trong suốt thời gian trồng. Nhờ được cung cấp nguồn giống tốt cộng với những kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh vụ Ớt năm 2014 người nông dân được mùa, năng suất đạt cao.

Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch Ớt do diễn ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 vào vùng biển của nước ta làm cho giao thương giữa 2 nước bị hạn chế, vì vậy thị trường tiêu thụ ớt khá khó khăn. Trong khi nhiều doanh nghiệp không tổ chức thu mua “Bỏ của chạy lấy người”, người dân trồng ớt đang “lao đao”, thì doanh nghiệp Ông vẫn cố gắng bao tiêu sản phẩm cho bà con theo hợp đồng đã ký kết. Với suy nghĩ “Nếu mình không thu mua thì người nông dân sẽ khổ vì cây ớt, dẫn đến việc triển khai chủ trương cánh đồng mẫu lớn của huyện sẽ thất bại”, nên bản thân ông đã phải lăn lộn ở nhiều nơi để tìm bạn hàng, tìm đầu ra cho cây ớt. Cuối cùng bằng sự quyết tâm và niềm tin của mình trái ớt của bà con nông dân Bố Trạch cũng có đầu ra. Măc dù giá Ớt có thấp hơn các năm trước nhưng nhiều bà con nông dân vẫn bán được ớt và có thu nhập cao hơn từ 2 – 3 lần so với các loại cây trồng khác.

Bên cạnh việc liên kết với người nông dân trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây ớt, ông Hồ Văn Chu và Doanh nghiệp của mình cũng là đơn vị tiên phong trong việc thuê lại đất của người nông dân để sản xuất. Vụ Đông Xuân năm 2014 – 2015 doanh nghiệp ông Hồ Văn Chu đã thuê 4h đất rồng Lúa kém hiệu quả, thường xuyên bỏ hoang trong vụ Hè Thu ở xã Đại Trạch để trồng Dưa hấu. Mặc dù bước đầu có những khó khăn nhất định nhưng với kinh nghiệm cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình trồng Dưa hấu mang lại cao hơn trồng Lúa từ 5 – 10 lần, giúp giải quyết việc làm cho 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/người/tháng.

Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Hồ Văn Chu vui vẻ chia sẻ: “Thời gian tới tôi và doanh nghiệp của tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo chủ trương của huyện. Đối với những vùng đất có tiềm năng nhưng canh tác các loại cây truyền thống không mang lại hiệu quả, tôi sẽ vận động bà con nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà thị trường đang có nhu cầu, nếu không được thì chúng tôi sẽ thuê lại đất để tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu lớn”. Ông Hồ Văn Chu còn cho biết thêm: Vào vụ Hè Thu năm nay ông đang có kế hoạch thuê 5 đến 10ha đất để trồng Dưa hấu trái vụ.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là hình thức tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, đồng thời lợi nhuận thu được từ sản xuất cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, cánh đồng mẫu lớn cũng tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đồng đều về có chất lượng nên khả năng cạnh tranh cũng cao hơn khi các gia đình sản xuất độc lập, đơn lẻ.

Với hiệu quả ban đầu từ mô hình cánh đồng mẫu lớn mà ông Hồ Văn Chu là người tiên phong thực hiện đã mở ra một hướng mới trong ngành nông nghiệp của huyện nhà. Thời gian tới, huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện sẽ nhân rộng thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn với quy mô rộng lớn hơn, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Nguồn: Trang TTĐT huyện Bố Trạch

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập