Chi tiết bài viết

Trăn trở thoát nghèo của một giáo dân

16:23, Thứ Sáu, 21-8-2015

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc, ông trở về quê hương với biết bao khó khăn khi hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mẹ già ốm đau... Nhưng bằng nghị lực của mình, ông Nguyễn Trọng Luyến, (55 tuổi), ở tổ dân phố 7, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã vượt qua hoàn cảnh để tạo lập cho mình một cơ sở chăn nuôi vững vàng ngay trên đồng đất quê hương.

Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Luyến với mô hình chăn nuôi của mình.

Trên căn gác nơi trang trại chăn nuôi của mình, ông Nguyễn Trọng Luyến niềm nở tiếp chuyện, ông kể: Trở về quê hương, ngày ngày vợ chồng làm nghề đánh cá trên sông Gianh để mưu sinh, nhưng cuộc sống khó khăn, vật vã cứ đeo đẳng... Mãi đến năm 1986, ông mới mua được một chiếc thuyền nhỏ để chuyên chở hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược dọc theo sông Son và ngược lại.

Nhờ khéo léo, lại chịu khó, hàng hóa cũng khá dồi dào nên vợ chồng ông Luyến đã có thu nhập để thay mới mái nhà tranh đã nhiều chỗ thấm dột. Tích tiểu thành đại, chi tiêu tiết kiệm nên chuyện lo cho các con ăn học cũng đã bớt đè nặng trên đôi vai của hai người. Năm 2000, ông Luyến được người dân trong thôn tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Bằng sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc, ông cùng với Ban cán sự thôn đã xây dựng thôn 7 trở thành một trong những thôn phát triển về kinh tế, văn hóa của xã Quảng Phong.

Tháng 8 năm 2003, Đảng và Nhà nước có chủ trương dồn điền đổi thửa, từ ruộng nhỏ chuyển thành ruộng lớn để dễ cho bà con nông dân sản xuất. Sau khi đã chia đất, nhận thấy có khoảng 0,85ha ruộng ở vùng đồng Sủm (khu vực nghĩa địa Cồn Voi) không ai nhận vì ruộng nhiều bậc thang, điều tiết nước tưới tiêu khó, vả lại cỏ, năn lác dày đặc… nên ai cũng ái ngại. Từ suy nghĩ, người nông dân thì phải bám lấy ruộng để canh tác nên ông Luyến đã nhận số diện tích đất nói trên để cải tạo sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Ông quyết định vay vốn ngân hàng và vốn của Quỹ Tín dụng địa phương để đầu tư cải tạo đất, phát triển mô hình trồng lúa thả cá, nuôi vịt. Những ngày đầu, do ảnh hưởng của thiên tai thời tiết và chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên trong vụ thu hoạch đầu tiên, lời lãi thu được chẳng đáng là bao. Không nản chí, vừa làm vừa học hỏi, dần dần tích lũy kinh nghiệm qua các lớp tập huấn nên những năm tiếp theo mô hình cá lúa đã cho gia đình ông Luyến thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng.

Không chỉ nhân rộng mô hình cá lúa kết hợp với chăn nuôi, năm 2012, nắm bắt được thị trường, gia đình ông đầu tư 200 triệu đồng mua 2 lò ấp trứng để vừa bán trứng lộn, vừa bán con giống ra thị trường.

Năm 2014, ước tính mỗi tháng gia đình ông bán ra thị trường khoảng 3 vạn quả trứng lộn; từ 18 đến 20 vạn con gà, vịt, ngan, ngỗng giống; khoảng 3,5 tấn cá, 1,5 tấn thịt gà, vịt thịt. Hiện tại, trong chuồng của gia đình ông có 1.300 con vịt bố mẹ, 3.200 con gà, ngan, ngỗng và hàng trăm con chim bồ câu cùng với 30 triệu đồng tiền cá giống..

Vươn lên từ đói nghèo nên gia đình ông Luyến luôn luôn giúp đỡ những trường hợp khó khăn xóa đói giảm nghèo, đồng thời sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ các phong trào của địa phương.

Với những nỗ lực của mình, nhiều năm qua, ông Nguyễn Trọng Luyến được chính quyền, ban ngành các cấp tặng nhiều Giấy khen, vừa qua, ông được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập