Chi tiết bài viết

Vươn lên từ gian khó

11:29, Thứ Năm, 22-10-2015

 Đến tổ dân phố 2, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy hỏi về anh Mai Văn Đức (sinh năm 1979) hầu như ai cũng biết. Trong ánh mắt của mọi người, anh Đức là tấm gương đầy nghị lực và tài năng, tự mình vươn lên từ hai bàn tay trắng để có một cơ ngơi sản xuất, mua bán đồ gỗ phát triển như bây giờ.

 Tuổi thơ gian khổ

Anh Đức nhớ lại: “Ngày tôi vừa tròn 8 tháng tuổi thì bố qua đời, giờ những kí ức về bố trong tôi chỉ là những gì mẹ kể lại và qua những bức ảnh về ông”. Gia đình làm nông nên cuộc sống vốn đã rất khó khăn, thiếu đi tình thương của bố là một thiệt thòi quá lớn đối với anh Đức khi tuổi đời còn quá nhỏ. Bố mất, một mình mẹ tần tảo cày sâu cuốc bẩm nuôi nấng anh. Đức lên 5 tuổi thì mẹ anh đi thêm bước nữa, do hoàn cảnh không thể mang anh theo nên anh Đức ở lại quê sống với bà nội.

Bà nội Đức lúc này đã gần 70, tuổi già sức yếu nuôi cháu nhỏ nhưng bà vẫn cố gắng chạy chợ bán mớ rau, con cá để nuôi Đức ăn học. Thương bà vất vả nên anh Đức vừa đi học vừa tìm việc làm thêm phụ bà kiếm tiền. Ngày ngày, sau mỗi buổi tan trường, với cái dáng nhỏ choắt của cậu học sinh lớp 6, anh Đức lại thoăn thoắt chạy đi bán kem, kiếm tiền phụ bà mua gạo. Không những vậy, anh còn tranh thủ ra đồng mò cua, bắt ốc. Anh Đức kể rằng: “Nhiều khi thời tiết lạnh như cắt nhưng biết trong nhà không còn gì để ăn nên tôi phải cố gắng ra đồng mò cua, rạm về nấu. Có những tháng trời chỉ ăn cua, ăn rạm, do vậy thấy nó là tôi phát sợ luôn, nhưng vì thương bà nên rồi cũng phải gắng”. Cố gắng mãi, anh Đức học đến lớp 8 thì xin nghỉ vì điều kiện quá khó khăn. Thầy cô, bạn bè ai cũng tiếc cho anh Đức vì anh là một học sinh ngoan, học giỏi trong trường.

Tìm kế mưu sinh

Có lẽ hoàn cảnh đã giúp anh Đức trưởng thành sớm hơn so với tuổi. Chỉ mới 13 tuổi nhưng anh Đức đã có những suy nghĩ rất chín chắn, sâu xa. Sau khi nghỉ học, anh Đức bắt đầu tính đến chuyện tìm việc làm. Anh chia sẻ: “Lúc đó bà tôi tuổi đã cao, không thể chạy chợ bán hàng, bản thân tôi nếu cứ đi bán kem, mò cua thì thu nhập sẽ rất ít và không ổn định. Nhưng với tuổi đời của tôi và trình độ học vấn lớp 8 thì rất khó để tìm được việc làm, nên tôi quyết định đi học nghề mộc”. Học nghề được 3 năm, anh ra nghề, số vốn anh có chỉ vẻn vẹn 540.000 đồng, nhờ các cô, các dì cho vay thêm được 3 triệu đồng, anh mua gỗ về tự làm.


Các sản phẩm mộc mỹ nghệ luôn được anh Đức chăm chút, giữ gìn.

Với chủ trương “tích tiểu thành đại”, năm 2000, anh Đức dành dụm được ít vốn, mở rộng mặt bằng xưởng, nhận thêm 5 thợ về làm. Với đức tính hiền lành, chịu khó cùng khả năng làm mộc đẹp, số lượng đơn đặt hàng của cơ sở mộc anh Đức ngày một nhiều. Cũng trong thời gian này anh lấy vợ, rồi sinh con. Công việc của vợ cũng chỉ là chạy hàng ngoài chợ, thu nhập ngày có ngày không nên kinh tế gia đình anh Đức chẳng vơi bớt khó khăn, ngược lại phải thêm gánh nặng lo toan cho vợ con. Để phát triển xưởng mộc, ổn định kinh tế gia đình, anh Đức quyết định đi học hỏi kinh nghiệm ở những cơ sở bạn. Anh xuống Đồng Hới, ra miền Bắc, đến tận Hà Nội, Lạng Sơn... để tham khảo các ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, hiện đại trong việc sản xuất nghề mộc. Từ đó, anh đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại để phục vụ cho công việc của mình, đặc biệt anh nhận thấy việc đầu tư máy cưa xẻ Trung Quốc rất lợi công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với ý định táo bạo vươn lên làm giàu, anh Đức còn đầu tư vốn mở cửa hàng bán sản phẩm mộc mỹ nghệ, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là làm ra tại xưởng của anh và một số nhập từ Hà Nội vào. Anh Đức cho biết: “Mở cửa hàng bán sản phẩm mộc mỹ nghệ là quyết định liều lĩnh nhất của tôi. Bởi lúc này vốn của tôi rất ít, phải vay mượn thêm từ ngân hàng. Khó khăn hơn, việc đầu tư kinh doanh chỉ xuất phát từ suy nghĩ của tôi, không hề có sự tư vấn, hướng dẫn nào từ những người có kinh nghiệm, do vậy tỷ lệ rủi ro rất cao. Những ngày đầu việc kinh doanh vẫn phải bù lỗ vì hàng bán chậm, trong khi vốn vay ngân hàng”.

Tuy nhiên, bằng đầu óc sáng tạo, nhanh nhạy trong kinh doanh, anh Đức đã khắc phục được khó khăn, phát triển cơ sở mộc của mình ngày một vững vàng hơn. Hiện nay, các sản phẩm mộc của anh Đức (chủ yếu là bàn ghế, giường, tủ áo quần) đã vươn ra tận người tiêu dùng ở Ba Đồn, Đồng Hới, hay đi các tỉnh bạn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn mở thêm một quán cà phê, ngày ngày khá đông khách. Tổng doanh thu mỗi năm của hai vợ chồng đạt khoảng 1,6-1,8 tỷ đồng, lãi khoảng 200-300 triệu đồng. Số thợ làm tại xưởng mộc cũng tăng lên 7 người, kể cả thợ làm nguội là 13 người. Nhờ việc làm tại xưởng mộc của anh Đức, số thợ này có thu nhập ổn định, nhiều gia đình thoát khỏi hộ nghèo, an toàn lao động được bảo đảm (anh Đức tự bỏ tiền mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho thợ). Với sự ưu ái mà anh Đức dành cho, đa phần những người thợ tại xưởng đã gắn bó ít nhất là 7 năm, nhiều nhất là 13 năm với cơ sở này.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh, anh Đức cũng là người rất nhiệt tình trong công tác xã hội. Sau khi học bổ túc xong lớp 9, được sự tín nhiệm của người dân trong tổ dân phố, anh Đức được bầu vào đại biểu HĐND thị trấn Kiến Giang. Năm 2010 đến nay, anh Đức giữ chức vụ Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2. Xác định đây là công việc quan trọng, cần sự tâm huyết anh Đức đã thu xếp hài hòa giữa việc kinh doanh, sản xuất với công tác của địa phương; luôn nỗ lực trong công tác dân vận, sáng tạo trong các phong trào, do đó mọi nhiệm vụ đều được anh Đức hoàn thành một cách xuất sắc, được mọi người yêu mến, tin tưởng.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập