Chi tiết bài viết

Một cựu chiến binh vùng giáo luôn gương mẫu làm tốt công tác dân vận

17:16, Thứ Năm, 9-6-2016

(Quang Binh Portal) - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Văn Mai Văn Chương tâm sự: “Chúng tôi rất lo nhiệm kỳ tới bác Huề đến tuổi nghỉ hưu không biết lấy ai thay bác đây khi tình hình xã không đơn giản như các xã khác. Mặc dù biết sai nguyên tắc nhưng chúng tôi đang vận động Bác ở lại giúp anh em chúng tôi thêm nhiệm kỳ nữa. Nhờ anh nói giúp chúng tôi một tiếng để Bác ở lại”. Câu nói mộc mạc, chân tình của Bí thư Đảng ủy xã càng thôi thúc tôi nhanh gặp Thiếu tá Hoàng Minh Huề, người giáo dân, đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu luôn đi đầu trong công tác dân vận tại địa bàn.


Cựu chiến binh Hoàng Minh Huề chăm sóc cây cảnh trong nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn. Ảnh Hoàng Thanh Hiến

Gặp và nghe kể lại, tháng 01/1972, lúc vừa tròn tuổi 23, Hoàng Minh Huề lên đường nhập ngũ và biên chế vào Trường Đào tạo lái xe máy thuộc Binh Đoàn 559. Xét thấy anh xuất thân từ gia đình công giáo lại sớm nhận thức đúng về chính trị, có tinh thần làm chủ tập thể và có chí tiến thủ nên ngày 22/12/1972 Chi bộ Trường Đào tạo lái xe máy thuộc Binh Đoàn 559 đã kết nạp anh vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự phấn khởi và quyết tâm, anh tranh thủ thời gian ôn thi đại học. Tháng 9/1978, anh thi đậu và học Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và sau khi tốt nghiệp về dạy Trường lái xe máy thuộc Binh đoàn 12 ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tháng 02/1991, anh nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Được sự tín nhiệm của cán bộ và nhân dân trong xã, năm 2006, Hoàng Minh Huề được bầu Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Văn trực thuộc huyện Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn; năm 2011, anh được bầu Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Văn Phú. Trên cương vị mới, anh ngày đêm suy nghĩ mình phải làm gì đây để đáp ứng lòng tin của tổ chức và bà con giáo dân khi tình hình kinh tế - xã hội, an ninh của thôn Văn Phú, xã Quảng Văn còn gặp nhiều khó khăn, vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn bị mờ nhạt.

Thôn Văn Phú hiện có 702 hộ gia đình, với 2.700 khẩu, giáo dân chiếm 97%; 2/3 dân sống trên đất liền; 1/3 dân sống trên thuyền; trình độ dân trí thấp; các tổ chức chính trị hoạt động kém hiệu quả, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn còn nhiều bất cập; tài sản của thôn ngoài nhà cấp 4, diện tích 60 m2 đã xuống cấp nghiêm trọng để làm hội trường và còn nợ của dân 36 triệu đồng; có 37% hộ gia đình nghèo; nhiều hộ gia đình không có đất ở. Chi bộ hơn 10 năm không có thêm một đảng viên mới, nội bộ thiếu sự đoàn kết.

Trước tình hình đó, anh đã tham mưu với Bí thư Chi bộ thôn tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng sinh hoạt, đấu tranh tự phê bình và phê bình; nói thẳng, nói thật, nêu rõ yếu điểm tồn tại của từng đảng viên trong thời gian qua; đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới; củng cố lại các tổ chức chính trị - xã hội; quán triệt chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức hội, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; vận động thành lập đội tàu đánh bắt cá xa bờ, 05 Tổ vay vốn do các Chi hội Cựu chiến binh đảm nhận việc hướng dẫn bà con làm thủ tục vay và chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn dân vay trên 08 tỷ đồng nên ngân hàng yên tâm cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Bà con vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ, cho con em ra nước ngoài làm việc, mở mới kinh doanh các ngành cung ứng vật tư và dịch vụ khác phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Ban đầu, toàn thôn có 08 chiếc tàu đã cũ, công suất dưới 400CV, đến nay đã có 30 chiếc, trong đó 90% tàu đóng mới có công suất từ 700 - 800 CV. Hằng năm, sản lượng đánh bắt cá tăng từ 50 - 100% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, năm 2014, tổng sản lượng đánh bắt được 5.800 tấn, tăng 300% so với kế hoạch, mức thu nhập bình quân mỗi lao động trực tiếp đánh bắt cá từ 7 - 10 triệu đồng, tạo việc làm mới cho gần 400 lao động, mở mới nghề đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền cho 40 - 50 lao động và đem lại mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 05 - 06 triệu đồng, đồng thời tạo cho 200 lao động làm nghề vá lưới, có thu nhập bình quân từ 1,5 - 02 triệu đồng/tháng.

Nghề xuất khẩu đi lao động nước ngoài ngày càng phát triển. Hiện trong thôn có từ 140 - 150 lao động xuất khẩu, hằng tháng gia đình có con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về bình quân từ 2 - 2,5 tỉ đồng, góp phần làm hộ gia đình nghèo của xã ngày càng giảm rõ rệt. Nếu như năm 2011, có 37% hộ gia đình nghèo (theo tiêu chí cũ) thì cuối năm 2015, chỉ còn 12,1% hộ gia đình nghèo (theo tiêu chí mới). Ngoài ra, anh Hoàng Minh Huề còn thành lập Tổ An ninh thôn với các thành viên là trưởng thôn, công an viên, thôn đội trưởng, Ban Chấp hành Chi hội Cựu chiến binh và thường xuyên tuần tra, trấn áp tội phạm. Nhờ đó, trước đây có nhiều thanh, thiếu niên bỏ học, chơi bời lêu lổng, sa vào đánh bạc, nghiện rượu, gây gổ đánh nhau đến nay đã chấm dứt.

Là trưởng thôn, Hoàng Minh Huề luôn có những việc làm vì lợi ích cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và vẻ đẹp của cảnh quan thôn xóm, đồng thời trong mỗi phong trào anh đều tự nguyện đóng góp tiền, ngày công của mình. Khi thấy 04 ngôi mộ cổ trong miếu thờ Thần hoàng làng ở khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn đã xuống cấp trầm trọng, làm mất vẻ đẹp và che khuất khuôn viên của nhà trường, gây cản trở đến việc xây dựng phòng học cho học sinh, anh đã tìm gặp dòng họ Hoàng, họ Phạm đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội để tuyên truyền, thuyết phục, vận động hai dòng họ đồng ý di dời ra khỏi khuôn viên nhà trường và thành công. Phấn khởi, anh tìm tòi, nghiên cứu và tự thiết kế bản thi công Miếu Thần hoàng, lăng mộ để an táng 04 vị tiền bối đảm bảo khang trang, đúng khuôn mẫu quy định, đồng thời tích cực vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ trên 100 triệu đồng. Cùng với đó, anh trực tiếp tham gia giải phóng mặt bằng giúp cho Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn xây thêm 06 phòng học mới cho các em học sinh và vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Thấy con đường rộng 2,7m, dài 800 m chạy dọc sông Gianh, nằm sát hàng rào của 80 ngôi nhà có nguy cơ xói lở, sụp đổ, gây cản trở đến việc giao thông đi lại khi nước lũ dâng cao, anh Huề đã xin ý kiến lãnh đạo cho phép được lấp đất lấn thêm 08 m về phía sông nhằm đảm bảo an toàn cho việc giao thông đi lại và lâu dài bảo vệ tài sản cho những hộ gia đình sống ven sông. Sau một thời gian tích cực giải thích giúp người dân hiểu được lợi ích cho bản thân gia đình mình, đến nay, 80 gia đình đã đóng góp 800 triệu đồng để xây đường bờ kè dọc bờ sông Gianh. Con đường bờ kè hình thành không những trở thành tấm bình phong vững chắc bảo vệ tài sản cho 80 hộ gia đình khi mùa nước lũ dâng cao mà còn tạo được khuôn viên cho sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống dân sinh cho những hộ gia đình sống xung quanh.
Mặc dù tuổi cao, nhưng cơn bão số 10 năm 2013 tàn phá, anh đã cùng với gần 100 người dân 03 ngày đêm liền dầm người dưới nước lũ, phơi mình dưới nắng gắt để đào đất, kích kéo hơn chục chiếc tàu, thuyền bị mắc cạn bên bờ sông Gianh. Anh còn phân bố đảm bảo công bằng đối với số tiền, quần áo, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng dân dụng khác của trên 20 đoàn đến thăm, ủng hộ sau bão số 10 nên được nhận sự đồng thuận cao của bà con trong thôn. Năm 2012, anh tích cực vận động xin tài trợ và thành lập Đội thuyền đua của xã Quảng Văn tham gia giải đua của tỉnh nhân kỷ niệm 55 Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình và giành giải Nhất, phá kỷ lục so với những năm trước đây.

Khi thấy Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn không đủ tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vì khuôn viên quá chật hẹp, Hoàng Minh Huề đã thuyết phục chủ của hồ nuôi trồng thủy, hải sản trả lại diện tích 3.800m2 và vận động các cơ quan ủng hộ được 116 triệu đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ khó khăn cho gia đình chủ hồ. Anh còn tích cực vận động và được bà con đóng góp 255 triệu đồng phục vụ việc san lấp mặt bằng làm đường, 200 triệu đồng xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa thôn và trên 08 triệu đồng để đi mua các cây cổ thụ quý hiếm trồng xung quanh hàng rào nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa mở rộng diện tích sản xuất, anh đã vận động các hội viên, con em địa phương và gia đình anh ủng hộ với tổng số tiền 92 triệu đồng để cất bốc, di dời, quy tập 525 ngôi mộ vô chủ ở trên các cánh đồng về an táng ở nghĩa địa.

Bằng những việc làm tận tụy, tận tâm của anh Hoàng Minh Huề, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn từng bước được giữ vững, lòng tin của giáo dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố, Chi bộ thôn Văn Phú luôn đạt trong sạch vững mạnh. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp, thuận tiện giao thông đi lại; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thay da, đổi thịt. Nhiều năm liền thôn Văn Phú được các cấp khen thưởng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Ghi nhận sự đóng góp của anh, từ năm 2011 - 2015, các tổ chức Hội Cựu chiến binh và chính quyền các cấp tặng anh nhiều Giấy khen. Đặc biệt, năm 2016, tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, anh được chọn điển hình tiên tiến và tỉnh tặng Bằng khen.

Có được thành công trên là nhờ anh luôn học tập và làm theo lời Bác dạy, đồng thời khắc ghi câu nói của Người: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Trần Văn Bình (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập