Chi tiết bài viết

Người nắm giữ, trao truyền Hò khoan Lệ Thủy

17:10, Thứ Năm, 6-10-2016

(Quang Binh Portal) - Như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời, suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Đặng Thị Hới (nghệ nhân Hồng Hới, sinh năm 1966) ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy kiên trì gìn giữ, trao truyền những làn điệu hò khoan Lệ Thủy, tinh hoa của vùng sông nước Kiến Giang. Giọng hò của Hồng Hới ngọt ngào mà sâu lắng, tinh tế mà thiết tha như thấm đẫm tình người, tình đất nơi góc ruộng, bến sông quê hương.


Nghệ nhân hò khoan Đặng Thị Hới

Chiều ngày gặt, đi trên cánh đồng vàng trải dài ngát thơm hương lúa, nghệ nhân Hồng Hới như thả hồn mình nhớ về những ngày tuổi thơ đầu trần chân đất cùng với lũ bạn trong làng rong ruổi trên đồng để bắt cá, bắt cua. Có lẽ, từ những bát cơm thơm của đồng đất quê hương, chén nước uống của dòng Kiến Giang đã nuôi dưỡng, ươm mầm lên giọng ca vàng của hò khoan Lệ Thủy. Và đó còn là truyền thống của quê hương, gia đình, khi Hồng Hới được sinh ra và lớn lên ngay chính trên vùng đất Đại Phong - cái nôi của hò khoan Lệ Thủy và gia đình có nhiều người am hiểu hò khoan. Tuổi thơ, Hồng Hới đã được nghe những điệu hò khoan ngay chính từ ông bà ngoại của mình. Bởi ông Võ Như Cầm, bà Đặng Thị Em nổi tiếng hò khoan đối đáp nhất làng Đại Phong. Lớn lên một chút, những buổi trưa nằm võng dưới tán cây bên dòng Kiến Giang, Hồng Hới được cậu ruột Võ Như May hướng dẫn cho cách tập hát hò khoan. Từ những ca từ dung dị, mộc mạc chân quê cùng với cách xố, bắt nhịp của hò khoan đã cuốn hút Hồng Hới từ đó.

Ngay từ những năm học cấp một, cấp hai, Hồng Hới đã biết hát hò khoan Lệ Thủy và các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên. Chị trở thành hạt nhân văn nghệ trong các hội thi, hội diễn của trường và huyện... Năm 1984, Đặng Thị Hới tốt nghiệp trường cấp ba Lệ Thủy và tình nguyện tham gia vào đội tuyên truyền xung kích, Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên. Với giọng hát hay, trữ tình nên mỗi lần Hồng Hới cất lên điệu hò khoan Lệ Thủy, hay dân ca Bình Trị Thiên được cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân yêu thích. Hơn 04 năm công tác trong bộ đội, chị đã để lại những ấn tượng đẹp trong mỗi lần đi tuyên truyền hay biểu diễn văn nghệ nhằm động viên tinh thần chiến sĩ hăng say tập luyện trên thao trường.

Cuối năm 1988, Đặng Thị Hới phục viên về địa phương, kể từ thời gian này, chị như người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Là giọng ca tài năng đã được mọi người biết đến khi đang ở trong bộ đội nên lúc này mỗi lần trong thôn, xã tổ chức văn nghệ, cái tên Hồng Hới được nhắc đến đầu tiên. Không nề hà, ngại khó, chị nhiệt tình tham gia tập luyện với các chị em trong đội. Cứ thế, từ phong trào văn nghệ quần chúng đã giúp chị thể hiện năng khiếu ca hát của mình.

Thả bước bên dòng sông Kiến Giang, nghệ nhân Hồng Hới chia sẻ: “Trở về cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình, bản thân gặp rất nhiều khó khăn nhưng vì “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” nên chị phải cố gắng vừa tươm tất việc nhà và có thời gian dành cho hò khoan. Đặc biệt là nhận được sự động viên, giúp đỡ của chồng nên chị mới có thời gian tìm hiểu kỹ, trau dồi vốn hò khoan cho mình. Ngoài ra còn có sự hướng dẫn của các nghệ nhân lớp đàn anh, đàn chị mà Hồng Hới mới nắm được tất cả các làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

Nghệ nhân Hồng Hới rưng rưng nước mắt khi nhắc lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp ca hát của mình. Đó là những lần chị được hát hò khoan Lệ Thủy tại Nhà Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là vào lần cuối cùng khi Đại tướng về thăm quê tháng 8/2004. Trong ký ức của nghệ nhân Hồng Hới, Đại tướng là người đặc biệt rất mê hò khoan Lệ Thủy. Đại tướng bắt “xố” không bao giờ sai nhịp. Khi nào kết thúc chương trình, Đại tướng cũng đến bắt tay động viên anh chị em diễn viên và dặn dò phải giữ gìn, phát huy hò khoan Lệ Thủy cho mai sau”. Trân trọng những tình cảm mà Đại tướng dành cho anh chị em trong Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy, ngày Đại tướng về an nghỉ giấc ngàn thu nơi Đất mẹ Quảng Bình, nghệ nhân Hồng Hới và Câu lạc bộ đã tổ chức Chương trình Hò khoan Lệ Thủy ngay tại Nhà Lưu niệm Đại tướng để bày tỏ tấm lòng sắt son...

Bên cạnh công tác lưu giữ nét tinh hoa của hò khoan Lệ Thủy, nghệ nhân Đặng Thị Hới đã hướng dẫn và trao truyền cho thế hệ trẻ. Cùng với sự phối hợp của Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy, nghệ nhân Hồng Hới đã tới các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện để truyền dạy về hát hò khoan cho học sinh. Chị chia sẻ: “Mỗi lần đi truyền dạy rất vất vả, thù lao thì rất ít, chỉ đủ tiền đổ xăng xe nhưng với trách nhiệm và niềm đam mê mà mình đã vượt qua để truyền cảm hứng, niềm yêu thích hò khoan Lệ Thủy đến các em”.

Với những nỗ lực lưu giữ, trao truyền và phát triển hò khoan Lệ Thủy đến với mọi người của mình, tháng 5/1993, tại hội diễn “Giai điệu quê hương” các tỉnh Bắc miền Trung tổ chức tại thành phố Huế, Đặng Thị Hới đã giành Huy chương Vàng khi thể hiện tiết mục hát hò khoan Lệ Thủy. Tháng 7/1994, tại Quảng Trị, chị tiếp tục đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Đàn và hát dân ca khu vực miền Trung. Tháng 10/1994, tại Hà Nội, chị giành Huy chương Vàng và Huy chương Bạc liên hoan dân ca và giao duyên. Tiếp đó, vào tháng 3/2002, chị tiếp tục giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Nối những câu hò khu vực Bắc miền Trung tổ chức tại Hà Tĩnh.

Đặc biệt, vừa qua, nghệ nhân Đặng Thị Hới vinh dự được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì có những cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, tận tâm, tận tụy với nghề...

Xuân Thi (Tạp chí Văn hoá)
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập