Chi tiết bài viết

Khởi nghiệp bằng quyết tâm… trồng rau sạch

16:55, Thứ Sáu, 17-2-2017

(Quang Binh Portal) - Cán bộ, Nhân dân thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch không khỏi ngạc nhiên vì chỉ sau 6 tháng, trong khu đất trồng cây cao su rộng bỗng có hơn 01ha trồng rau sạch, thu hút được nhiều đơn đặt mua hàng. Điều đặc biệt chủ trang trại này là hai vợ chồng kỹ sư trẻ đã hơn 10 năm gắn bó với công việc ở một viện nghiên cứu, nay anh chị quyết định về quê khởi nghiệp, bắt đầu bằng việc xây dựng một trang trại trồng rau sạch và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Rời nơi phồn hoa về quê lập nghiệp

Từ trụ sở UBND xã Hòa Trạch, chúng tôi cùng ông Dương Hải Châu, Bí thư Đảng ủy xã, theo con đường mòn đi sâu vào trong rừng. Vượt qua hơn 07 km đường đất gập ghềnh, uốn lượn qua nhiều lô cây cao su thì đến trang trại rau sạch của gia đình anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy. Mặc dù anh chị đang tất bật với công việc nhưng vẫn niềm nở tiếp khách. Bên ấm trà nóng, chúng tôi được nghe anh chị kể về quá trình xây dựng trang trại này và được tận mắt thấy những luống rau xanh non mơn mởn trong nắng gió miền Trung...


Anh Lê Đình Quả (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu quy trình trồng rau sạch với cán bộ địa phương

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Lê Đình Quả, quê ở xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ) vào làm việc ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (đóng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Năm 2008, anh xây dựng gia đình với chị Lê Thị Thanh Thủy là kỹ sư của Viện. Do cả hai anh chị đều sống xa quê nên họ rất yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong công việc, động viên nhau công tác; nhiều năm, hai anh chị đều đạt Danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Tháng 12/2010, anh Quả vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Niềm vui lại đến với gia đình anh chị khi cuối năm 2012, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức của Viện thống nhất tín nhiệm đưa anh vào quy hoạch cán bộ nguồn Phó Giám đốc Trung tâm Cây trồng bán khô hạn. Mặc dù hai con còn nhỏ, việc chung, việc riêng thực sự là gánh nặng với người vợ hiền nhưng để có thêm trình độ sau này đảm đương cương vị mới, năm 2013, anh xin đi học cao học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ khoa học cây trồng, anh Quả về cơ quan làm việc và có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện. Hai vợ chồng anh luôn được đồng nghiệp quý mến. Năm 2015, anh Quả được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ 5, trực thuộc Đảng bộ Viện; chị Thủy được đi học lớp đối tượng Đảng. Cuộc sống gia đình của hai vợ chồng trẻ khá thuận lợi và hạnh phúc, có hai con học giỏi, ở thành phố biển khí hậu trong lành, gia đình đầy đủ tiện nghi phục vụ học tập và sinh hoạt… Tưởng rằng họ sẽ gắn bó với thành phố biển phồn hoa suốt đời thì thật bất ngờ, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tháng 5/2016, anh Quả viết đơn xin cơ quan nghỉ việc để về quê làm kinh tế trang trại. Nhiều lần lãnh đạo Viện khuyên can nhưng trước quyết tâm của anh, cuối cùng lãnh đạo Viện cũng đành chấp nhận để anh chị nghỉ việc. Gia đình, bố mẹ chị Lê Thị Thanh Thủy ở thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, hết sức ngạc nhiên khi thấy con gái, con rể dắt theo hai cháu nhỏ cùng một số đồ dùng sinh hoạt trở về quê xin ở nhờ. Sau này, gia đình mới bất ngờ khi biết anh chị đã xin thôi việc Nhà nước để về quê tự thân lập nghiệp. Khi vợ và hai con có nơi an thân, anh Quả liền đi thăm các trang trại rau sạch ở Mộc Châu và Hà Nội để học tập kinh nghiệm. Sau chuyến tham quan về, hằng ngày, anh lên đường đi tìm mua đất làm trang trại. Sau gần một tháng lặn lội tìm kiếm đất làm trang trại, anh Quả đã quyết định mua 2,5ha đất có cây cao su đã trồng 07 năm, đang thời kỳ cho thu hoạch mủ, thuộc thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch và đưa vợ con lên dựng trang trại lập nghiệp.

Cam kết “5 không” và thương hiệu rau sạch An Nông

Năm nay, anh Quả 36 tuổi, chị Thủy 33 tuổi, xây dựng gia đình được 09 năm, hai con còn nhỏ, trong những năm công tác ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, anh dành nhiều thời gian, tiền bạc cho việc nghiên cứu khoa học nên khi về lập trang trại, tài sản của anh chị hầu như không có gì đáng kể. Trước khi trở về quê, vợ chồng anh bán ngôi nhà ở thành phố Quy Nhơn được hơn 600 triệu đồng, trong khi anh đã mua đất làm trang trại hết 580 triệu đồng, cùng với việc chi tiêu cho nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm. Anh chị quyết định vay vốn ngân hàng, nhưng do không có tài sản làm thế chấp nên không thực hiện được. Trong lúc khó khăn, anh được một số bà con, anh em, bạn bè cho vay 100 triệu đồng và những người khác được 300 triệu đồng.

Để bảo đảm trồng rau sạch, anh Quả không dùng nước ở đồng ruộng tưới cho rau mà đầu tư 20 triệu đồng đào hồ lấy nước, với thể tích 300m3. Chị Thủy còn đi mua tỏi, ớt, gừng và rượu trắng để làm thuốc phun trừ sâu bệnh. Vì không có tiền thuê người làm nên những tháng đầu, hai vợ chồng anh phải nai lưng ra cuốc đất, trồng trọt. Vốn là kỹ sư chủ yếu nghiên cứu, nay trực tiếp lao động, đào, cuốc đất nên bàn tay anh phồng rộp, bỏng rát, người vã mồ hôi, mệt lả, có khi anh tưởng mình phải bỏ cuộc. Tuy vậy, anh chị vẫn động viên nhau cố gắng làm việc. Sau khi đốn hạ gần 01ha cây cao su, anh Quả thuê máy đào gốc, san ủi tạo mặt bằng và làm đất tơi xốp, rồi đi đến nhiều nơi chọn mua các loại giống rau tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Bình.

Sau 02 tháng làm việc cật lực, từ khâu làm đất đến chọn giống, gieo hạt, ươm cây, chăm bón, anh chị đã trồng được nhiều loại rau, quả như: Xà lách, rau muống, rau cải, rau mầm, rau dền, rau mồng tơi, rau ngót, rau khoai, đậu cô-ve, bí đỏ, bí xanh… Đất không phụ công người, nhiều loại rau mọc lên xanh tốt cho thu hoạch khá. Vốn là người từ xã khác đến lập nghiệp, trang trại lại nằm heo hút xa trung tâm xã, các mối quan hệ giao thương hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm lại là vấn đề khó khăn. Để có nơi tiêu thụ sản phẩm, hằng ngày, chị Thủy đến gõ cửa các trường học có học sinh học bán trú đặt vấn đề với nhà trường mua rau sạch. Lúc đầu, các giáo viên không tin tưởng vì trong thời buổi hiện nay có nhiều thông tin thất thiệt, thật giả lẫn lộn nhưng khi các thầy cô đến thăm trang trại, chứng kiến quy trình trồng rau sạch thì họ thực sự yên tâm và đặt mua hàng. Đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình với người tiêu dùng, anh đã liên hệ với Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT ở thành phố Đà Nẵng về kiểm tra quy trình sản xuất, lấy mẫu đất, nước và rau để kiểm nghiệm sản phẩm, cấp Giấy chứng nhận VietGAP với mã số VietGAP-TT-12-02-44-0007, có giá trị đến ngày 11/9/2018 và Phòng Tài chính Kế hoạch UBND huyện Bố Trạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và sản phẩm kinh doanh là rau sạch với thương hiệu An Nông, tiêu chuẩn VietGAP. Với cam kết “5 không”: Không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dùng thuốc trừ cỏ, không có dư lượng kim loại nặng, không có dư lượng ni-tơ-rát nên sản phẩm rau sạch của gia đình anh Quả làm khách hàng rất yên tâm, lượng khách đến đặt hàng ngày càng đông.

Cái tâm vì cộng đồng

Tận mắt chứng kiến quy trình trồng rau sạch ở trang trại của gia đình anh Quả, như ủ phân hữu cơ, điều chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược (tỏi, gừng, ớt và rượu trắng...) cũng như dùng thuốc trừ sâu thảo mộc ANISAF SH-01 2L của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để phun phòng trừ sâu bệnh cho cây, rau, chúng tôi càng thấu hiểu anh chị thực sự có cái nhìn mới và cái tâm đối với người tiêu dùng. Khi được hỏi vì sao anh chị lại quyết định bỏ việc Nhà nước, từ bỏ chốn phồn hoa nơi thành phố để về quê vượt khó, chịu khổ trồng rau sạch, anh Quả cười vui trả lời: “Vì tôi thấy tình trạng thực phẩm bẩn, đặc biệt là rau bẩn hiện nay rất đáng báo động. Hơn nữa, cũng vì đam mê nghề nghiệp nên tôi quyết định theo nghiệp trồng rau sạch phục vụ người tiêu dùng. Tôi tâm niệm phải cố gắng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Nghe anh Quả nói vậy, nét mặt chị Thủy sáng lên, chị tiếp lời: “Khi anh Quả viết đơn xin thôi việc, tôi thấy việc rời thành phố Quy Nhơn để về làm người nông dân thực thụ thì không những vợ chồng chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến việc học tập của hai con. Nhiều lần khuyên anh ở lại thành phố công tác nhưng trước ý chí, quyết tâm của anh muốn về quê bằng được nên tôi cũng đành chiều theo. Khi về đây, ở nơi heo hút xa dân cư, không có chỗ chơi, ngày nào hai đứa trẻ cũng phàn nàn với ba. Vậy là anh ấy quyết định làm cái sân bóng mi-ni cho hai anh em chơi bóng hằng ngày”. Mặc dù việc tiêu thụ mới được hơn 03 tháng nhưng trang trại của gia đình anh Quả đã cung cấp gần 05 tấn rau sạch cho người tiêu dùng. Thấy anh chị đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng nhưng giá bán sản phẩm rau sạch chỉ cao hơn thị trường khoảng 30%, chúng tôi hỏi: “Bán rau với giá thấp như vậy, anh phải chịu lỗ hay sao?”. Anh Quả trả lời: “Chúng tôi cũng biết vậy nhưng trước mắt, nhờ mỗi ngày gia đình bán mủ cây cao su được 300 nghìn đồng, cơ bản đủ trang trải tiền thuê nhân công nên chưa tính nhiều đến chuyện lời lãi. Dự tính trong thời gian tới, tôi sẽ xin thành lập hợp tác xã sản xuất rau sạch, các xã viên chỉ tham gia góp vốn bằng đất canh tác, khi đó, gia đình sẽ mở rộng quy mô diện tích và nâng sản lượng rau sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”. Nghe vậy, ông Dương Hải Châu rất vui và hướng dẫn anh các thủ tục tiến hành thành lập hợp tác xã...

Chia tay gia đình anh Quả, nhìn nét mặt phấn chấn, rắn rỏi, giàu nghị lực của anh, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tin tưởng trong thời gian không xa, ước mơ của vợ chồng anh Quả, chị Thủy về cung cấp thực phẩm, rau sạch cho cộng đồng sẽ thành hiện thực. Đó cũng là những việc làm cụ thể, thiết thực của hai vợ chồng kỹ sư trẻ giàu nghị lực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trần Văn Bình (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập