Chi tiết bài viết

Tạo việc làm cho người khuyết tật

16:53, Thứ Ba, 5-6-2018

(Quang Binh Portal) - Không may mắn như người bình thường, người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đặc biệt là trong tìm kiếm và duy trì việc làm thường xuyên. Đó là nhận định của chị Phạm Thị Luyện, chủ xưởng may Hồng Luyện, xã Quang Lộc, thị xã Ba Đồn.

 

Qua tâm sự chị cho biết: Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, bố đi chiến trường bị nhiễm chất độc da cam, mẹ bị thương tật. Gia đình có 06 chị em, trong đó 02 người bị nhiễm chất độc da cam. Chiến tranh đã gây ra nỗi đau, mất mát mà không thể bù đắp được đối với gia đình chị. Sống trong hoàn cảnh đó, chị luôn ấp ủ ý tưởng phải có việc làm, tạo thu nhập ổn định giúp đỡ cho bố mẹ, anh, chị em và bớt đi gánh nặng thường xuyên cho gia đình. Do gia đình nghèo, bố mẹ cho chị theo học nghề may. Chị xin vào Công ty may 10 làm nhưng Công ty gặp khó khăn, lương thấp, không giúp gì thêm cho ba mẹ. Sau khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động, chị đã mạnh dạn vay vốn đi nước ngoài…

Với kinh nghiệm trong nghề, ra nước ngoài, chị thuận lợi hơn với công việc may của mình. Chị chịu khó học hỏi, làm việc mong muốn sớm có tiền trả nợ, dành dụm ít vốn trở về nước lo cho gia đình. Trong thời gian lao động ở nước ngoài, ngoài may những mặt hàng cao cấp, chị còn tranh thủ học thêm thiết kế, quản lý. Khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước, có được ít vốn, đầu năm 2016, chị quyết định mở xưởng may gia công tại quê. Ban đầu, xưởng máy chỉ có 04 thợ, chủ yếu là người khuyết tật và phụ nữ có hoàn cạnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống đối với người khuyết tật đã khó khăn, nay học làm nghề lại càng vất vã hơn. Khi dạy chị gặp nhiều trở ngại đối với các chị em khuyết tật. Bên cạnh đó, bản thân chị em cũng mặc cảm, tự ty. Nhưng chính nhờ vào tình yêu thương, đồng cảm, sự chỉ bảo chân thành, dần dần chị đã cảm hóa và vận động được chị em về làm công, sống cùng với chị. Hiện nay, xưởng may của chị đã có 20 lao động, trong đó 08 lao động nữ khuyết tật và một số chị em có hoàn cảnh khó khăn...

Để có được việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động, chị không ngừng học hỏi, tìm tòi các nguồn hàng mới, sáng tạo ra những mẫu thiết kế phù hợp với xu thế hiện nay như: Váy, trang phục biểu diễn văn nghệ, lễ hội. Chị đã mạnh dạn vào thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm thị trường, liên kết với các cơ sở may để nhận hàng gia công thêm mặt hàng áo gió, quần áo thời trang. Nhờ đó, thu nhập của mỗi thợ may được tăng lên 04 triệu/tháng/người. Đối với lao động khuyết tật đây là nguồn thu nhập khá ổn định. Điều quan trọng hơn là họ có việc làm thường xuyên, xóa được mặc cảm, sống hòa nhập cùng cộng đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, xưởng may của chị đã ký hợp đồng với Công ty sản xuất quần áo thời trang xuất khẩu sang nước ngoài. Doanh thu đạt 02 tỷ đồng/năm.

Không thể kể hết những khó khăn gặp phải khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Điều làm chị vui và có động lực mỗi ngày sáng tạo, cống hiến, nỗ lực vượt qua đó chính là niềm hạnh của những người khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, được hòa nhập với cuộc sống. Để xưởng may ngày một phát triển, tạo công ăn việc làm thường xuyên, chị mong muốn Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cấp, ngành quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ vốn, tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm thị trường, mở rộng nhà xưởng để chị tạo cơ hội mới cho nhiều phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định, lâu dài…

Đặng Hà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập