Chi tiết bài viết

Xưởng may Hồng Luyện: Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

8:22, Thứ Tư, 22-5-2019

(Quang Binh Portal) - Ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn có một xưởng may đặc biệt, là nơi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhờ sự sẻ chia và giúp đỡ của chị Phạm Thị Luyện, chủ xưởng may, nhiều người khuyết tật đã có thể tự lo được cho bản thân, điều đặc biệt là họ không còn mặc cảm với xã hội mà trở nên yêu đời, yêu cuộc sống hơn.

Xưởng may Hồng Luyện nằm bên bờ sông Gianh, là nơi mưu sinh của nhiều người khuyết tật, chủ yếu là câm điếc bẩm sinh. Chị Phạm Thị Luyện sinh năm 1980, ở xã Quảng Lộc, là người có hoàn cảnh khó khăn, chị gái và em gái đều bị chất độc màu da cam nên chị phần nào thấu hiểu được sự vất vã của những người khuyết tật và gia đình họ. Chính vì vậy, chị luôn mong muốn có thể giúp đỡ được những số phận bất hạnh, để họ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập kiếm sống như bao người bình thường khác.

Là người có kinh nghiệm và năng khiếu trong nghề may, chị Luyện luôn ấp ủ sẽ mở một xưởng may cho riêng mình và đặc biệt xưởng may của chị sẽ là nơi dạy nghề, làm việc cho những người khuyết tật. Năm 2016, chị Luyện đã quyết định vay mượn tiền người thân, bạn bè tự thuê nhà, mua sắm máy móc rồi mở xưởng may. Chị trực tiếp đến từng gia đình có người khuyết tật vận động họ đến cơ sở của mình học nghề, làm việc rồi trả lương để họ trang trải cuộc sống. Chị Luyện vừa là chủ cũng vừa là người dạy nghề cho các công nhân khuyết tật.

Đến nay xưởng may Hồng Luyện có được gần 30 máy may, tạo việc làm cho 30 lao động chủ yếu là người khuyết tật tại thị xã Ba Đồn và hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm. Xưởng may không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ niềm vui nỗi buồn, động viên nhau để vươn lên trong cuộc sống. Những người đến làm việc tại xưởng may của chị Luyện mỗi người một hoàn cảnh nhưng đã được chị Luyện tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Luyện, chủ cơ sở may Hồng Luyện chia sẻ: Để duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho các công nhân lao động tại cơ sở của mình, tôi đã chủ động tìm kiếm đối tác và làm sản phẩm phù hợp với khả năng của người khuyết tật. Hiện, cơ sở may mặc của tôi đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu nước ngoài với đầu ra khá ổn định. Với uy tín của mình, nhiều người khuyết tật đã tìm đến xưởng may của tôi với mong muốn được học nghề và có việc làm phù hợp. Tuy nhiên, vì quy mô xưởng nhỏ, máy móc còn ít nên cơ sở của tôi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều người khuyết tật, đây là điều mà tôi luôn trăn trở.

Chị Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ba Đồn cho biết: Chị Phạm Thị Luyện là một trong những tấm gương tiêu biểu của thị xã Ba Đồn thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mong rằng, với ý nghĩa cao đẹp là nơi gắn kết những mảnh đời bất hạnh, cơ sở may của chị sẽ tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, là ngôi nhà chung để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ buồn vui, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Lệ Hằng (Đài TT-TH Ba Đồn)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập