Chi tiết bài viết

Nghị lực của những nạn nhân da cam

10:41, Thứ Sáu, 23-8-2019

(Quang Binh Portal) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng để lại cho nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam vẫn cứ tồn tại qua nhiều thế hệ. Vượt lên tất cả, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân da cam ở thành phố Đồng Hới đã nỗ lực phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội.

Ông Đào Văn Hộ ở thôn 5, xã Nghĩa Ninh là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam điôxin, năm nay đã gần 80 tuổi, vậy mà chưa ngày nào ông được nghỉ ngơi. Trong số 05 người con sinh ra thì 01 người đã mất sau khi sinh; chỉ có một người sức khỏe ổn định, 03 người con còn lại đều không được bình thường. Hiện nay, 02 người con trai đã lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình, đang sống dựa vào bố mẹ. Người con gái may mắn hơn đã lập gia đình, sinh được con cái khỏe mạnh nhưng bản thân chị do bị tật nguyền với nhiều căn bệnh của di chứng da cam để lại nên thường xuyên đau ốm, cuộc sống hết sức khó khăn. Thương các con, vợ chồng ông luôn cố gắng nén nỗi đau vào trong, nỗ lực phát triển kinh tế, sống vui, sống khỏe, nuôi dạy các con. Trên diện tích vườn gia đình, vợ chồng ông đã trồng nhiều loại rau màu, cây ăn quả; đào ao thả cá;

chăn nuôi lợn nái; thả thêm đàn gà để tạo thu nhập.
Ông Đào Văn Hộ nói: “Bản thân tôi luôn cố gắng vượt qua những khó khăn của tuổi tác, bệnh tật, phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu chỗ dựa cho con cháu. Hàng năm, gia đình tôi thu hoạch bình quân được trên 10 tấn lúa, cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm cho tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm”.

Đến thăm cơ sở chạm khắc gỗ mỹ nghệ và cơ ngơi của anh Phạm Văn Sáng ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh, không ai nghĩ rằng, ông chủ của xưởng chính là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai. Vượt qua những khó khăn của bản thân, từ công nhân làm thuê, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, anh đã mạnh dạn vay vốn lập xưởng chạm khắc gỗ mỹ nghệ tại gia đình. Để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Sáng đã đầu tư, mua sắm máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất. 43 tuổi đời và hơn 20 năm tuổi nghề, anh Sáng đã tích cóp xây dựng được ngôi nhà khang trang cùng vợ và hai người con ngoan ngoãn… Hiện nay, thu nhập bình quân từ xưởng mộc là hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 05 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Văn Sáng chia sẻ: “Mình là người tàn tật nên phải cố gắng vươn lên thôi! Mong rằng, các cấp Hội Da cam - dioxin thành phố Đồng Hới sẽ hỗ trợ cho những người như tôi có thêm những nguồn vốn vay ưu đãi để chúng tôi có điều kiện mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất, mở rộng cơ sở, tạo công việc cho con em địa phương”.

Bà Trần Thị Đáo ở tổ dân phố 11, phường Bắc Lý cũng là một trong những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 03 lần mang thai nhưng bà Đáo chỉ 02 lần được đón con chào đời. Tuy nhiên, cũng chỉ một người con trai còn sống cho đến nay nhưng lại bị câm, sức khỏe yếu. Lúc trưởng thành, anh may mắn lấy được vợ và sinh được 02 người con trai kháu khỉnh. Thế nhưng, những di chứng của chất độc da cam vẫn đeo bám gia đình. Người con trai thứ 02 của anh mắc chứng bệnh khó chữa. Không chỉ lo cho mình mà bà Đáo phải bươn chải đủ nghề để nuôi cả con và cháu.

Bà Trần Thị Đáo nói: “Hiện nay, thế hệ tôi và con trai đã được Nhà nước hỗ trợ chế độ cho nạn nhân da cam, còn thế hệ thứ 03 như cháu tôi vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Mong muốn của gia đình là được Nhà nước quan tâm, giải quyết chế độ cho các cháu, để các cháu có thêm điều kiện chữa bệnh, hòa nhập với cộng đồng”.

Để tiếp thêm nghị lực cho các thế hệ nạn nhân da cam, những năm qua, các cấp Hội Chất độc da cam điôxin thành phố Đồng Hới đã kêu gọi những nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ nạn nhân da cam. Gia đình ông Nguyễn Thành Nam ở Tổ dân phố Đồng Tâm, phường Hải Đình là một trong những điển hình làm công tác từ thiện đối với những nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông đã phối hợp với Hội Chất độc da cam điôxin thành phố Đồng Hới đi thăm, tặng quà cho gần 30 lượt nạn nhân da cam với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Là một nạn nhân cũng là cán bộ Hội, tôi đã đi nhiều nơi, thấy được nhiều hoàn cảnh gia đình nạn nhân da cam đặc biệt khó khăn, bản thân tôi luôn day dứt, muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ họ. Tôi bàn với vợ con, hàng năm tích cóp một số tiền, quà để giúp đỡ, động viên các gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn ở trên địa bàn thành phố và trong tỉnh”.
Từ nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam điôxin”, từ đầu năm đến nay, Thành hội đã trao hơn 01 nghìn suất quà với tổng trị giá trên 250 triệu đồng cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh.

Ông Bùi Công Thọe, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đồng Hới cho biết: “Hàng năm, Hội đã trích nguồn Quỹ từ 60 - 80 triệu đồng hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh không lãi. Nhiều hộ đã sản xuất đạt hiệu quả cao. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục động viên các hội viên có điều kiện sản xuất phát triển kinh tế tiếp tục làm dự án vay vốn không lãi từ 3 - 5 năm nhằm tiếp thêm nguồn lực, chung tay cùng các cấp chính quyền thành phố cải thiện đời sống cho cán bộ, hội viên trên địa bàn”.

Những nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con cháu họ khó nói hết bằng lời. Thay vì chấp nhận số phận nghiệt ngã, nhiều thế hệ nạn nhân da cam ở thành phố Đồng Hới đã nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích. Dù thân thể không lành lặn, sức khỏe không tốt nhưng những nạn nhân chất độc da cam có một nghị lực đáng khâm phục, họ thực sự là những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Cái Huệ (Đài TTTH Đồng Hới)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập