Chi tiết bài viết

Gương điển hình hội viên nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả

11:34, Thứ Năm, 3-9-2020

Từ một hộ gia đình thuộc đối tượng hộ cận nghèo nhiều năm liền của xã, nhưng với sự cần cù, chịu khó học hỏi và có ý chí vươn lên làm giàu. Đến nay với cơ ngơi là trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 100 con, đem lại doanh thu hàng năm cho gia đình bình quân trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động trong gia đình, thoát được hộ cận nghèo và vươn lên khá giả. Đó là tấm gương điển hình của hội viên hội nông dân Phan Thị Hoài Nam ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa.

Những năm từ 2009 trở về trước kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, các con đang còn rất nhỏ và tuổi ăn học, kinh tế gia đình chị Phan Thị Hoài Nam chủ yếu chỉ dựa vào 3 sào ruộng đất nhận khoán của địa phương và từ quầy hàng tạp hóa nhỏ lẻ của chị. Chị đã nhiều đêm trăn trở phải thay đổi như thế nào đây để có thể đưa kinh tế gia đình đi lên, có điều kiện để đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn, và rồi nghĩ là làm, chị đã bàn cùng với chồng tận dụng lợi thế đất vườn rộng quyết định đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản. Gia đình chị bắt đầu khởi nghiệp chăn nuôi lợn từ năm 2010 với biết bao những khó khăn, khó khăn từ kỹ thuật, kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, khó khăn về nguồn vốn để đầu tư. Nhưng rồi nhờ sự hỗ trợ con giống và tập huấn kỹ thuật của Trung tâm nông nghiệp huyện cộng với nguồn vốn tích cóp được lâu nay của gia đình và sự đồng thuận của hai vợ chồng, chị Phan Thị Hoài Nam đã mạnh dạn tiếp cận vay vốn thêm từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại và mua giống lợn về chăn nuôi. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm nhỏ trước, mở rộng dần sau, xác định năm đầu lấy công làm lãi, từ những ngày đầu chị chỉ nuôi bình quân từ 3-5 con lợn nái sinh sản và 10-15 con lợn lứa. Nhưng rồi cứ qua hàng năm, giá thịt lợn trên thị trường được giá và ủng hộ người chăn nuôi, gia đình chị đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, tăng thêm đàn lợn nái sinh sản và tăng đàn lợn thịt, đến nay trong chuồng trại chăn nuôi của chị thường xuyên có 20 con lợn nái, trên 100 con lợn thịt, để bổ sung thêm nguồn thức ăn cho chăn nuôi chị đầu tư trồng thêm lúa, ngô, lạc từ diện tích đất canh tác nhận khoán từ địa phương. Ngoài ra để có thể chế biến thức ăn chăn nuôi kịp thời đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn lợn vừa phục vụ bà con trong thôn, gia đình chị đã đầu tư mua thêm máy xay xát.

Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan mô hình chuồng trại của chị với đàn lợn chuẩn bị xuất chồng bán và đem về thu nhập cho gia đình, chị Nam bộc bạch “gia đình tôi có được như ngày hôm nay là cũng nhờ sự quan tâm của các ban ngành cấp xã, cấp huyện, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện về nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi”. Nói về thu nhập chị Nam cho hay hàng năm sau khi trừ đi các khoản chi phí gia đình thu nhập được bình quân trên 300 triệu đồng, đầu tư cho 3 người con học đại học, ra trường và có việc làm ổn định, đến nay đã trả hết nợ vay chương trình sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2 người con, ngoài lợi nhuận thu được chị đầu tư sửa chữa lại nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình và còn tích cóp gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp các hội viên nông dân khác có điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với những hiệu quả đem lại từ mô hình chăn nuôi của mình, chị Phan Thị Hoài Nam nhiều năm liền được công nhận là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, của huyện, được ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen về hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hai năm liên tục đó là năm 2018 và năm 2019. Là tấm gương điển hình về vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy tốt hiệu quả.

Theo Đài TT-TH huyện Tuyên Hóa

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập