Chi tiết bài viết

Vị tộc trưởng ‘giữ lửa’ cho tộc người Ma Coong

16:9, Thứ Tư, 31-3-2010

Kế thừa từ cha chức chủ trì Lễ hội đập trống của người Ma Coong (diễn ra vào tháng giêng hằng năm), tộc trưởng Đinh Xon (sinh năm 1950, trú tại bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), là người tiên phong diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, mang lại ấm no cho tộc người Ma Coong.

Người thầy giáo đầu tiên của người Ma Coong

Trước đây, tộc người Ma Coong sống du canh, du cư dọc miền rừng núi Tây Quảng Bình và sang cả đất Lào. Cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, ăn ngủ trong những hang đá nơi rừng sâu núi thẳm. Cái nghèo đói, bệnh tật đã cướp đi nhiều sinh mạng của người Ma Coong. Dân số của bộ tộc vì thế cứ giảm dần qua bao mùa rẫy. Người Ma Coong đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Trang trại giữa đại ngàn của tộc trưởng Đinh Xon

Năm 1965, tộc trưởng Đinh Keo, cha của Đinh Xon, bàn với lũ làng tiến hành một cuộc “di dân lịch sử” đưa bà con đến định cư trên vùng đất mới. Mảnh đất Cà Roòng được chọn làm nơi an cư của hơn 40 hộ tộc người Ma Coong. “Ngày đầu về đất mới, thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Cả bản làng đói quay, đói quắt trong mùa giáp hạt. Nhiều gia đình bỏ bản mới mà đi”. Đinh Xon kể lại.

Không để dân làng “chết dần” nơi hang đá tăm tối, Đinh Keo dẫn theo con trai (Đinh Xon) trèo đèo vượt suối vào tận rừng sâu đón bà con về. Được sự giúp đỡ của bộ đội cụ Hồ, sau hai năm cần mẫn “chinh phục” mảnh đất cằn, bản làng của người Ma Coong đã có lúa, có ngô để cúng Giàng.

Vừa chân ướt, chân ráo ra vùng đất “Giàng chọn”, Đinh Xon đã được cha cho đi học cái chữ để chống “giặc dốt”. Dưới bom đạn, chàng thanh niên Ma Coong vẫn kiên trì vượt gần 70 km đường rừng đến trường. Những ngày nghỉ, Đinh Xon tranh thủ về bản mở lớp dạy chữ cho dân làng. “Hằng đêm, bên bếp lửa nhà sàn, con trai, con gái tụ tập học chữ. Được cái chữ Bác Hồ soi sáng nên người Ma Coong mới sáng cái bụng, mới biết cách làm ăn” Đinh Xon tâm sự.

Năm 1974, Đinh Xon học xong hệ lớp 7/10 và về làm việc tại UBND huyện Bố Trạch. Dù bận rộn với công việc của một cán bộ thương nghiệp, nhưng Đinh Xon luôn dành thời gian để về dạy học cho lũ trẻ trong bản. Ông cùng đám trai làng vào rừng đốn gỗ về đóng bàn học. Căn nhà sàn cũ trở thành lớp học mini với gần 30 học sinh mọi lứa tuổi. “Dù cả ngày nhọc nhằn trên nương rẫy nhưng không ai bỏ học. Có đêm miềng về nhà muộn, lũ làng vẫn chong đèn đợi học chữ”, Đinh Xon tâm sự.

Năm 1996, Đinh Xon chuyển về làm giáo viên tại trường THCS Thượng Trạch. Ông là người thầy đầu tiên của tộc người Ma Coong về gieo con chữ cho bản làng. Dưới sự dạy dỗ của ông, nhiều thế hệ học sinh người dân tộc Ma Coong đã trưởng thành, đỗ đạt vào các ĐH, CĐ trên cả nước. Riêng 8 người con của ông đều được học hành đàng hoàng. Người con gái lớn của Đinh Xon hiện là Chủ tịch hội phụ nữ xã Thượng Trạch, 4 người đang học ở trường dân tộc nội trú tỉnh, 3 người đang học ĐH ở Huế. Trò chuyện với chúng tôi, Đinh Xon cười đùa: “Đứa nào cảm thấy thích học, dù có cực khổ mấy tao cũng nuôi tới ... thạc sĩ hết!”.

Phá đá mở đường, làm thủy lợi

Tuy đã chuyển về vùng đất mới, nhưng bản làng Ma Coong vẫn nằm heo hút giữa tầng mây, cách biệt với thế giới bên ngoài. Năm 1993, Đinh Xon vận động bà con mở con đường nối từ Km 47 tới bản Cà Roòng 2. Với số tiền ít ỏi hơn 8 triệu đồng dành dụm, ông cùng lũ làng mua dụng cụ, thức ăn, dựng lán trại, ngày đêm phá đá, mở đường. Qua ba mùa rẫy, hàng ngàn khối đất đá được san phẳng thành con đường lớn dài hơn chục cây số. “Con đường là thành quả của những ngày Đinh Xon và lũ làng dầm mình trong cái nắng gay gắt của gió Lào và những trận mưa rừng xối xả. Nó như mạch máu của người Ma Coong, thông thương với bà con miền xuôi”, Quách Tẩm, Chủ tịch xã Thượng Trạch ví von.

Con đường do chính tay tộc trưởng Đinh Xon và dân bản mở nay thành mạch máu giao thông của người Ma Coong

Khi trên sàn đã có đủ hạt lúa, củ khoai, Đinh Xon nghĩ tới cách làm giàu trên mảnh đất còn nhiều nghèo khó. Qua những ngày “ăn dầm ở dề” trong các mô hình kinh tế ở miền Nam, Đinh Xon trở về ôm ấp khát vọng lập nên trang trại giữa đại ngàn Trường Sơn.

Để có đất sản xuất, ông tiến hành khai hoang hơn 1ha đất rừng cằn và vùng đồi trọc. “Gia đình miềng phải chịu khổ suốt 2 năm ròng rã, vừa vỡ đất, đắp đập, xây dựng hệ thống kênh mương mới dẫn được nước từ trên núi về trồng lúa nước”, Đinh Xon nhớ lại. Hệ thống thủy lợi dài gần 2 km không chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho trang trại Đinh Xon mà còn giúp bà con trong vùng thoát cảnh “khát nước” sản xuất. Vụ mùa năm ấy, người Ma Coong tổ chức lễ cúng Giàng to chưa từng có.

Dẫn chúng tôi băng qua những cánh rừng tràm, bạch đàn 4-5 năm tuổi, Đinh Xon hào hứng khoe: “Trồng rừng đưa lại hiệu quả kinh tế cao lại góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc nên người Ma Coong ưng cái bụng lắm! Nhà nào trong bản cũng có 6-7 ha rừng trở lên”. Gần 15 ha rừng của gia đình Đinh Xon cũng chuẩn bị bước vào “tuổi” khai thác. Đây là nguồn vốn giúp ông thực hiện các dự án xây dựng trang trại quy mô công nghiệp. Ít ai biết rằng, hơn 10 năm về trước, tộc trưởng Đinh Xon từng là “thủ lĩnh lâm tặc” chuyên khai thác, vận chuyển và buôn bán các loại gỗ quý sang tận đất Lào. Như cảm nhận được nỗi đau của rừng già, Đinh Xon đã quyết bỏ nghề, chuyển sang làm kinh tế, mặc kệ những cám dỗ của các đầu nậu lâm tặc.

Có vốn, trang trại của Đinh Xon ngày càng phát triển nhanh, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trên cương vị tộc trưởng, ông khuyến khích giúp đỡ bà con làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hộ nào thiếu vốn, ông sẵn sàng cho vay không lấy lãi. “Cuộc sống của tộc người Ma Coong đang dần bước ra khỏi màn đêm tăm tối của đói nghèo và lạc hậu. Đó là nhờ công lao đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của hai đời tộc trưởng Đinh Keo và Đinh Xon” chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Quách Tẩm cho biết.

Theo Báo Đất Việt



Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập