Chi tiết bài viết

Quyết tâm làm giàu

9:53, Thứ Sáu, 18-3-2022

Từ chỗ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bằng nghị lực vươn lên, anh Trần Chính Phong (SN 1978), ở thôn 2 Thanh Mỹ, Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ.

 Qua lời giới thiệu của cán bộ tín dụng huyện Lệ Thủy, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Chính Phong.

Anh Phong kể: "Những năm trước đây, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Năm 2000, sau khi lấy vợ, ra ở riêng, hai vợ chồng tôi bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Khó khăn chồng chất, vốn phát triển kinh tế 100% phải vay mượn từ nhiều nguồn. Mô hình chăn nuôi cũng mang tính nhỏ lẻ, lại thường xuyên chịu nhiều rủi ro do bão lụt, dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng tôi vừa trồng trọt vừa phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín. Mãi đến năm 2020-2021, kinh tế gia đình tôi bắt đầu ổn định và có hướng phát triển mở rộng hơn."

Theo lời anh Trần Chính Phong, đến cuối năm 2021, anh bắt đầu vay vốn đầu tư nuôi lợn với số lượng 30 con lợn nái. Để mô hình nuôi lợn đạt hiệu quả, hạn chế tối đa dịch bệnh, anh Phong đã tu bổ, sửa chữa lại hệ thống nuôi theo hướng công nghiệp hóa, chú trọng vệ sinh chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn nhằm đem lại nguồn thịt sạch, ngon đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Nhờ đó, đàn lợn phát triển tốt. Bên cạnh đó, anh Phong đã cho tu bổ lại 4 ao cá, chủ yếu nuôi cá rô và cá lóc đầu vuông.

Năm 2021, nhờ có 4 ao cá mà gia đình anh vượt qua khó khăn, sản lượng cá xuất ra gần 15 tấn, giá bán cũng cao hơn những năm trước nên thu nhập được gần 700 triệu đồng. Thấy được những lợi nhuận từ nuôi cá, năm 2022, anh tiếp tục đầu tư thêm 15 bể kính để nuôi cá chình, mỗi bể rộng từ 15m2 (bể nhỏ) đến 20m2 (bể lớn)…
Giống cá chình được anh Phong chọn là giống ngoại nhập chủ yếu là của Malaysia và Indonesia. Để thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, anh đã mạnh dạn thuê lại đất lâu năm của xã, nâng tổng diện tích gia trại hiện nay lên khoảng 5.000m2. Tính đến thời điểm này, gia trại của anh Phong đã được đầu tư mặt bằng và cơ sở hạ tầng trên 3 tỷ đồng, quy mô hiện đại, với các thiết bị tự động hóa tiên tiến, góp phần tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và khoảng 7 lao động theo thời vụ.

Ngoài việc đầu tư cho chăn nuôi, anh Trần Chính Phong cũng đã đầu tư mua sắm thêm 3 máy múc và 1 xe tải 8 tấn để cho thuê làm công trình đường sá, làm hồ cá và các hạng mục liên quan đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ năm 2014-2022, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng anh Phong luôn nỗ lực học hỏi, quyết tâm đưa kinh tế gia đình mình ngày một phát triển bền vững và những thành quả mà anh đạt được khiến nhiều người nể phục. Mô hình kinh tế tổng hợp đã đem đến cho gia đình anh thu nhập từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm.

Với sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm cùng với ý chí và nghị lực, anh Trần Chính Phong đã từng bước đưa gia đình mình từ hộ khó khăn vươn lên hộ khá và giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập