Chi tiết bài viết

Những nhà giáo cầm cọ vẽ...

16:58, Thứ Năm, 3-11-2022

Trong lực lượng sáng tác mỹ thuật hiện nay ở Quảng Bình, có rất nhiều người là thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy hoặc đã trải qua nghề dạy học. Họ là những người truyền thụ kiến thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, bồi dưỡng và phát hiện các học sinh có năng khiếu. Để từ đây, tình yêu và đam mê ngày càng lớn lên, không ít em học sinh đã lựa chọn mỹ thuật để học tập, rèn luyện và phát triển sự nghiệp trong tương lai. Nhiều thầy cô giáo vừa là giáo viên dạy giỏi các cấp, vừa là những họa sĩ đóng góp cho nền văn học-nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình nói chung, mỹ thuật nói riêng.         

Họa sĩ Nguyễn Thành Trung (Trường tiểu học số 2 Ba Đồn, TX. Ba Đồn) là một trong những giáo viên mỹ thuật cấp tiểu học chủ lực của giáo dục tỉnh nhà hiện nay. Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, nhưng anh lại bén duyên với nghề dạy học sau khi tốt nghiệp đến nay. Sau những giờ đứng trên bục giảng, Nguyễn Thành Trung lại trở về tiếp tục hành trình sáng tạo với thể loại đồ họa và nhiều chất liệu khác.
 
Anh yêu thích và cảm xúc mãnh liệt với các đề tài mang đậm nét văn hóa. Ngôn ngữ tạo hình trong tranh thường chắt lọc với các mảng, nét, chấm vạch cô động, dứt khoát và chính xác. Chủ động sử dụng nét để diễn tả đặc trưng trong trang phục, nhịp điệu đời sống trong không gian văn hóa của các dân tộc, vùng quê là thế mạnh trong các tác phẩm của anh.
 
Nhiều tác phẩm của anh được đánh giá cao, được Hội Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) khen tặng và giới thiệu tham dự giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, như: Qua suối, Lễ hội đình làng Phan Long (Giải C, Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư), Vũ điệu Chăm, Lục cúng hoa đăng (Hội MTVN giới thiệu dự Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam), Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quảng Bình...

Họa sĩ Hồ Trọng Lâm (Trường THCS Phú Trạch, Bố Trạch) sinh ra, lớn lên và làm việc trên quê hương gắn liền với văn hóa vùng biển, nên anh đã đưa những giá trị đó vào trong các sáng tác. Biển hiện lên rộng lớn bao la với những khoảng cách lớn nhưng được kết nối bởi chằng chịt đường nét, màu sắc như thể hiện những mối ràng buộc linh thiêng giữa biển và nhân sinh. Tạo hình có tính khái quát, cách điệu và thường có biểu cảm bề mặt dày, thô ráp vạm vỡ như cá tính người dân vùng biển dãi dầm mưa nắng.
 

Đặc biệt những tác phẩm của Hồ Trọng Lâm được kết tạo và vẽ lên các mảnh thuyền vỡ tạo nên hiệu quả thị giác khá mới lạ. Nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn như các se-ri tranh mang tên: Khoảng cách, Kết nối… Anh cũng khai thác về đề tài chiến tranh-cách mạng trong sáng tạo với nét riêng, trong đó tiêu biểu là tác phẩm Chuyện lính (Hội MTVN giới thiệu tham dự Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải B, Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư).
 
Họa sĩ, thầy giáo Lê Thuận Long (Trường tiểu học Tân Thủy, Lệ Thủy) gặt hái nhiều thành công với thể loại tranh cổ động. Với cách tạo hình chân thật dễ truyền tải thông điệp đến công chúng, nhiều tác phẩm của anh đã đoạt giải thưởng cao tại cuộc thi của các bộ, ngành tổ chức.
 
Hiện nay, tại Trường đại học Quảng Bình, 3 giảng viên Nguyễn Đại Thăng, Nguyễn Chiêu Sinh, Trần Công Thoan đã góp phần đào tạo lực lượng giáo viên mỹ thuật các bậc tiểu học, THCS trong nhiều năm qua. Cùng với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các giảng viên là những họa sĩ luôn tích cực sáng tác tham gia triển lãm các cấp.
 
Họa sĩ Trần Công Thoan với tạo hình hiện đại, bút pháp phóng khoáng thể hiện về phong cảnh quê hương, môi trường, chiến tranh-cách mạng, như: Tác phẩm Treo (tham dự Giải thưởng Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Giải C, Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư), Huyền thoại đoàn quân (Giải C, Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư).
 
Họa sĩ Nguyễn Đại Thăng lựa chọn sơn mài để biểu đạt ý tưởng và ngôn ngữ tạo hình. Một số tác phẩm tham gia các triển lãm, như: Lễ hội cầu mưa, Lễ hội đâm trâu… về bản sắc văn hóa người Bru-Vân Kiều. Họa sĩ Nguyễn Chiêu Sinh là họa sĩ thường lựa chọn hơi hướng siêu thực và biểu hiện. Một số tác phẩm như: Lá đỏ, Rồng thiêng, Huyền thoại trăm trứng, Ý tưởng chủ quan… tạo nên phong cách sáng tác của anh.
 
Những thầy cô giáo là hội viên, cộng tác viên của mỹ thuật Quảng Bình khác vẫn đang miệt mài với trang giáo án và con đường tìm kiếm cái đẹp trong hội họa, như: Họa sĩ Đoàn Tiến Quân (TX. Ba Đồn), họa sĩ Trịnh Xuân Huy (Quảng Trạch), cô giáo Nguyễn Kiều Oanh (TP. Đồng Hới), Đặng Thị Ngọc Lý (TX. Ba Đồn), thầy giáo Hồ Chí Nghĩa, Quang Liêm (Quảng Trạch), Nguyễn Đức Việt (Quảng Ninh)… Họ là lực lượng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của mỹ thuật Quảng Bình hôm nay.
 
Điểm chung của các họa sĩ đã và đang làm nghề giáo đó là tận tâm với nghề, nhiệt huyết và nghiêm túc trong sáng tạo, có nhiều tác phẩm chất lượng đóng góp xây dựng mỹ thuật Quảng Bình ngày càng phát triển. Với tình yêu nghề và trách nhiệm của một người thầy, bản lĩnh của một nghệ sĩ sáng tác, tin tưởng rằng những thầy cô giáo sẽ luôn tự làm mới mình vượt qua những khó khăn để tiếp tục dấn thân bước đi trên con đường sáng tạo và gặt hái nhiều thành công.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập