Chi tiết bài viết

Gói Tết

19:1, Thứ Bảy, 28-1-2012

Nghề gói bánh chưng, bánh tét của nhà bà Hoàng Thị Tế (Diêm Điền, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã tồn tại gần hai trăm năm. Là dâu thứ, bà được chọn làm truyền nhân cho dòng họ Bùi nhà chồng về việc giữ gìn cái nghề “gói Tết”. Đến nay, bà vẫn duy trì công việc đó mỗi ngày dù đã qua tuổi 74.

Mỗi ngày bình thường trong năm, nhà bà Tế gói bánh chưng, bánh tét hết khoảng 5 tạ nếp, dịp Tết Nguyên đán phải hơn hai tấn nếp mỗi ngày. Bà Tế kể: “Cả năm, ngày mô cũng gói bánh chưng, bánh tét. Mần quần quật như rứa cho đến tối 30 Tết là nghỉ, sáng mùng Một Tết nghỉ buổi sáng, buổi chiều lại bắt đầu gói bánh”. Bánh của bà làm bao nhiêu, người ta đến mua hết bấy nhiêu.

Đó là với ngày bình thường, còn dịp Tết phải đặt trước hai tháng mới có bánh để nhận. Nhiều gia đình ở mãi tận vùng cao Minh Hóa, đến Tết vẫn xuống núi đặt bà cặp bánh chưng.

Có nhiều người rời Quảng Bình mấy chục năm, sinh sống ở miền Nam, nhưng đến Tết lại gọi điện nhờ người thân đặt đủ bánh chưng, bánh tét của bà Tế gửi vào.

Bánh chưng, bánh tét của bà Tế được làm từ gạo nếp của vùng chiêm trũng nổi tiếng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Nếp được bà đặt từ chủ ruộng, họ phơi phóng vừa nắng rồi chở về Diêm Điền.

Nếp về nhà, bà còn sàng từng mớ một để chọn những hạt nếp trắng sữa, không gãy đôi, sau đó ngâm vào nước giếng làng để hạt nếp chịu nước rồi vớt ra rá tre cho ráo mới đưa vào gói bánh.

Bà luôn chọn loại thịt lợn ba chỉ thăn chắc, có mỡ tương đối để làm nhân cùng đậu xanh. Bánh được nấu bằng củi khô, không dùng than đá. Bánh chưng, bánh tét của bà Tế có thể để 20 ngày không bị hỏng, không bị lại nếp.

Nhiều nhà làm bánh chưng, bánh tét từng mua bánh của bà Tế về để học cách nấu, nhưng không thể bằng. Hỏi vì sao làm được vậy, bà Tế nói mẹo của tui khó học.

Mười chín tuổi, bà Hoàng Thị Tế về làm dâu thứ nhà họ Bùi. Lúc đó nhà họ Bùi đã nổi tiếng trong vùng với nghề gói bánh chưng, bánh tét. Bà Tế khéo tay, đảm đang, được mẹ chồng truyền lại cách gói bánh chưng, bánh tét để mưu sinh.

Bắt đầu từ năm 1809, nhà họ Bùi thường hay gói bánh đãi khách, lâu dần những người khách đường xa thấy ngon truyền tai nhau, rồi người làng mỗi lần có cúng giỗ hay tết nhất lại nhờ người nhà họ Bùi gói bánh.

Thế là từ đó, nhà họ Bùi bắt đầu sống bằng nghề này và được duy trì đến nay. Trong căn nhà ba gian, bà Tế cần mẫn tiếp tục công việc nhà chồng đã tròn 52 năm.

Hai mươi con, cháu, chắt đều được bà truyền dạy kinh nghiệm gói bánh để khách khứa mỗi ngày đến tấp nập. Một gia đình tứ đại đồng đường cùng nhau giữ gìn hương hỏa cha ông.

Bánh của bà Tế không chỉ thơm ngon mà bà còn nổi tiếng chiều khách. Những vị khách có nhu cầu mỗi năm một cặp bánh chưng gọi điện đặt hàng, bà vẫn vui vẻ hẹn ngày nhận bánh. Chính vì thế mà đã 30 năm, bà vẫn có khách cũ.

Bà xếp lịch giao bánh chu đáo, ai đến trước lấy trước, không vì khách sau đặt nhiều mà thất hứa với khách trước. Nhìn cái cách bà gói bánh cẩn thận, tỉ mẩn từng hạt nếp, từng thớ lá mới biết bà nâng niu cái nghề của mình như thế nào.

Chính vì yêu cái nghề này mà thương hiệu bánh của bà Tế đã vượt khỏi ranh giới tỉnh, vượt khỏi biên giới đất nước, để 5 năm trở lại đây có mặt trên các mâm cỗ của người Việt sống xa Tổ quốc.

Thời kháng Mỹ, bà Tế còn gói bánh chưng, bánh tét đem ra đường mòn Hồ Chí Minh tặng những người lính ra trận trong những ngày giáp Tết. Những cựu binh trong vùng vẫn còn nhớ mãi hương vị bánh chưng của bà trong thời bom đạn.

Bà Tế nói: “Tui mần rứa là nhớ lại thời mẹ chồng trong chống Pháp, mỗi lần giặc đi càn, nhà đang nấu dở nồi bánh là phải vớt ra, cho vào bao nải, thòng dây xuống giếng ngâm. Có khi chạy giặc cả mấy ngày nhưng nếp không hư, lại vớt lên nấu tiếp, người Đồng Hới lại có bánh của nhà tui”.

Công việc gói bánh chưng, bánh tét, bà Tế nói, như là góp Tết với người đời.

HÀN THƯ
(Doanh Nhân Sài Gòn)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập