Chi tiết bài viết

Người cựu Thanh niên xung phong nặng tình với đồng đội

14:43, Thứ Năm, 12-7-2012

Ở phía Tây thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có một cơ sở sản xuất gốm sứ có tiếng. Giám đốc Công ty là ông Trần Đức Huấn, cựu thanh niên xung phong. Rất nhiều người biết đến ông Huấn với tư cách là một người làm kinh tế giỏi và không quên giúp đỡ đồng đội. Nhưng không phải ai cũng biết, ông còn là người đã tham gia chiến đấu trên cả hai tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Quá khứ hào hùng

Chúng tôi gặp bác Huấn vào những ngày hè oi ả. Chiếc điện thoại của người cựu thanh niên xung phong (TNXP) không ngừng reo vì công việc, vì đồng đội và rất nhiều lý do khác nữa. Trong không khí của những ngày kỷ niệm ngày Bác Hồ sáng lập lực lượng TNXP (15-7-1950 - 15-7-2012), người cựu TNXP già kể lại quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc, của chính ông và những đồng đội. Năm 1965, ông Huấn tham gia vào lực lượng TNXP, trực tiếp phục vụ chiến đấu trên quốc lộ 15A, đoạn từ đèo Đá Đẽo đến phà Xuân Sơn. Đây là trọng điểm quan trọng và cũng là "túi bom” của không quân Mỹ. Máy bay oanh tạc cả ngày lẫn đêm, Đường 15 bị cày xới liên tục, có khi bị tắc nhiều ngày do địch tập trung chặt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch này.

Người cựu TNXP năm xưa đã, đang và sẽ xung kích trên mặt trận chống đói nghèo


Ông Huấn không sao quên được ngày hè năm ấy, khi ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở nam Đá Đẽo thì gặp đoàn xe vận tải của ta vừa gặp nạn. Có tất thảy 50 chiếc xe bị bốc cháy. Lúc đó chẳng cần nghĩ nhiều, ông đã cùng đồng đội lao lên dập lửa cứu đoàn xe. Kết quả là bình xăng của một xe phát nổ khiến ông bị bỏng nặng. Sau hơn 2 năm lao động và phục vụ chiến đấu quên mình, người thanh niên xung phong trở về quê nhà và được cử đi học tại trường Đại học Hàng hải. Đang học năm thứ nhất (tháng 5-1970), ông Huấn lại tiếp tục xung phong vào đội Hải quân và về công tác ở Lữ đoàn 125, tức Đoàn tàu Không số.

"Hơn 5 năm, tôi theo những chuyến tàu vận chuyển vũ khí đạn dược từ Hải Phòng, Quảng Ninh chi viện cho chiến trường miền Nam và không còn nhớ nổi mình đã vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng như thế nữa”, ông Huần bồi hồi...

Sẻ chia, tri ân

Cuộc trò chuyện của chúng tôi như được chia làm hai nửa. Nửa quá khứ hào hùng và nửa còn lại là hiện tại đầy gian khó nhưng cũng rất vinh quang. Năm 1982, ông Huấn được nghỉ theo chế độ bệnh binh và bắt đầu cuộc chiến...chống đói nghèo. Với đồng lương bệnh binh ít ỏi, vợ chồng ông đã phải vật lộn với trăm nghề. Bán củi, nấu dầu tràm, thu mua sắt vụn, mở lò gốm và cuối cùng là sản xuất bát đựng mủ cao su… Công việc kinh doanh nhiều lúc gặp khó khăn tưởng không thể vượt qua, nhưng với bản lĩnh của một cựu TNXP, một cựu chiến binh từng dày dạn trong chiến trường đã giúp ông từng bước vượt qua gian khó.

Năm 2008, ông Huấn quyết định trở về quê hương xây dựng xưởng sản xuất bát đựng mủ cao su ở Khu làng nghề Thuận Đức. Trời chẳng phụ lòng người, sản phẩm của Công ty Đức Huấn làm ra ngày càng nhiều, chất lượng tốt, không những chiếm lĩnh được thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên mà còn xuất khẩu sang nước bạn Lào. Với doanh thu liên tục tăng (riêng năm 2011 đạt tới gần 10 tỉ đồng), công ty của ông Huấn đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với mức lương bình quân đạt hơn 3,5 triệu đồng/tháng.

Điều đáng quý ở cựu TNXP này chính là trong lúc ăn nên làm ra nhất, ông không bao giờ quên những đồng đội cũ. Từ việc tích cực đóng góp vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, làm nhà Nhân ái, nhà Đồng đội đến việc tìm lại những đồng đội xưa để giúp đỡ bằng tiền, bằng việc làm. Ông Trần Đức Huấn chính là người tự mày mò làm một cuộc khảo sát về cuộc sống của cựu TNXP "Ngày ấy bây giờ ra sao”. Trong quá trình khảo sát, ông đã thống kê được 241 trường hợp, phân loại hoàn cảnh và nắm tình hình những đồng chí chưa được giải quyết chế độ để tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp đồng đội cũ ổn định cuộc sống.

Lúc chia tay, người cựu TNXP nắm tay tôi giọng chắc nịch, "Tôi còn sống ngày nào còn tiếp tục tinh thần xung kích tình nguyện của TNXP”.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập