Chi tiết bài viết

Người đi lên từ "đôi bàn tay trắng"

11:22, Thứ Ba, 10-9-2013

Năm 2001, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Việt và chị Nguyễn Thị Mai đến lập nghiệp tại vùng đồi núi bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh) với vỏn vẹn chỉ 350.000 đồng. Vậy mà chỉ hơn 10 năm sau, bằng sự chịu thương chịu khó và nghị lực vươn lên thoát nghèo, anh chị đã xây dựng được một "cơ ngơi" khá sung túc và một khu chăn nuôi-trồng trọt tổng hợp, gồm: lợn, gà, ngan, ngỗng, nhím, bưởi, cam... Mỗi năm doanh thu từ trang trại mang lại cho anh chị từ 500-700 triệu đồng. Theo ông Phạm Xuân Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, đây là một trong những mô hình chăn nuôi thành công nhất trên địa bàn xã và là tấm gương để nhiều hộ gia đình noi theo.

Anh Nguyễn Xuân Việt (SN 1964) có quê tận huyện Nghi Lộc (Nghệ An), còn chị Nguyễn Thị Mai (SN1972) lại là người vùng Tân Ninh (Quảng Ninh). Duyên số run rủi, anh chị đến được với nhau và cùng đưa nhau về vùng đất khô cằn, khắc nghiệt của xã miền núi Trường Xuân làm nơi gắn bó.

Anh kể, thời gian đầu khi đến đây, anh theo bạn bè tham gia khai thác đá ngay tại công trường gần nhà, chị ở nhà nuôi con và buôn bán nhỏ lẻ. Đó là những tháng ngày vô cùng vất vả với anh chị, khi nhà không có để ở, phải sống trong một mái hiên che mưa, che nắng, kinh tế gia đình hầu như là con số không. Nghề khai thác đá của anh lại vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn không ít rủi ro. Dù vậy, anh chị vẫn tràn đầy quyết tâm và nghị lực, tự bảo ban, động viên nhau cùng phấn đấu, nỗ lực. Năm 2005, anh chị mạnh dạn bắt tay vào chăn nuôi quy mô nhỏ thử nghiệm với 10 con lợn, hơn 100 con gà.

Tích cực tìm hiểu thông tin về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi là một trong những bí quyết "làm giàu" nhanh của anh Nguyễn Xuân Việt (Khe Ngang, Trường Xuân, Quảng Ninh).

Kết quả ban đầu rất khả quan, khiến anh chị thêm tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, cũng trong năm này, anh chị lại gặp "vận hạn" khi sức khoẻ giảm sút, chăn nuôi gặp khó khăn lớn... Thất bại trước mắt vẫn không hề làm anh chị nản chí, lại "tự mình thúc đẩy mình", khắc phục mọi vật cản, phục hồi sản xuất. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", anh chị không đầu tư lớn ban đầu, mà theo lộ trình "chậm mà chắc". Theo kế hoạch đã vạch sẵn, ngay khi bán được lứa lợn thịt này, anh chị lại đầu tư một gian chuồng nuôi mới. Hoặc khi lứa gà này vừa xuất chuồng, anh chị tiếp tục bổ sung thử nghiệm nuôi giống gà mới...

Đầu năm 2012, anh chị quyết tâm xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn hơn. Hệ thống chuồng trại được mở rộng để nuôi 30 con lợn thịt và 4 con lợn nái. Anh chị xây thêm khu nhà chăn thả để nuôi 500 con gà, ngan, ngỗng. Đặc biệt, 50 con ngan đen và 2 cặp nhím được nuôi thử nghiệm bước đầu, nếu thực sự mang lại hiệu quả, anh chị sẽ có kế hoạch đầu tư dài hơi với hai loại "đặc sản" này. Với diện tích vườn hơn 1 ha, tất cả các loại gia cầm của gia đình đều được thả vườn, do đó, khi đem bán có sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút sự quan tâm của thương lái. Mỗi năm, khu chăn nuôi tổng hợp của anh chị bán được hơn 100 con lợn và hơn 1.000 con gà, ngan, ngỗng, vịt... Ngoài ra, anh chị chủ động trồng thêm cam, bưởi trên diện tích hơn 1.500 m2 để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo anh Nguyễn Xuân Việt, để có được thành công như ngày hôm nay, sự hỗ trợ của các kiến thức về khoa học công nghệ đóng một vai trò quan trọng. Anh được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã... hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, qua đó, anh nắm bắt, cập nhật được nhiều quy trình, cách thức chăn nuôi hiện đại. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên mua và đọc các loại sách về chăn nuôi để tăng cường thêm kiến thức. Đặc biệt, nhờ có mạng Internet, anh có thể nhanh chóng tìm hiểu các thông tin về cách thức phòng, chữa những bệnh thường gặp của gia súc, gia cầm, đồng thời, có thể dễ dàng chủ động tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng trọt cây ăn quả, chăm sóc vật nuôi... Mới đây, qua quá trình tìm hiểu thông tin, anh đã mua một máy ấp trứng gà để có thể chủ động được nguồn cung cấp giống cho gia đình.

Anh Nguyễn Xuân Việt và chị Nguyễn Thị Mai hiện đang mong muốn được hỗ trợ vay vốn (khoảng từ 60-70 triệu đồng) để có thể mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Sắp tới, anh chị dự định sẽ xây thêm chuồng trại để nuôi lợn rừng thả vườn và ngan đen. Mặt khác, anh chị cũng đang trăn trở tìm thêm đầu ra cho vật nuôi, bởi nếu cứ duy trì tình trạng phụ thuộc vào thương lái như hiện nay, thì việc bị ép giá hay không bán được sẽ là một trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập