Chi tiết bài viết

Sống tốt hơn trong cuộc đời

14:57, Thứ Sáu, 2-1-2009

Từ chiến trường K trở về, anh chỉ còn lại một chân, tỷ lệ thương tật lên đến 81%. Những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Một người tàn tật như anh, gian khổ càng gấp bội lần.

Không đầu hàng số phận, ghi sâu trong tim lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", anh thương binh Nguyễn Xuân Thiệu, quê ở xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch đã từng bước chiến thắng được đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

''KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ HỌC MÀ THÀNH TÀI''

Đó là lời tâm sự đầu tiên của anh Nguyễn Xuân Thiệu với chúng tôi khi kể về cuộc đời của mình. Anh sinh năm 1957, là con út trong một gia đình thuần nông, bố mẹ chỉ cho học hết lớp 7, sau đó nhập ngũ vào năm 1977. Từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; tháng 1-1979, anh cùng với đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường K. Trong một trận đánh ác liệt, anh Thiệu bị thương nặng mất một chân cùng nhiều vết thương khác; tỷ lệ thương tật 81%.

Nguyễn Xuân Thiệu nhớ lại những tháng năm mới trở về quê hương ''Lúc đó tôi tròn 25 tuổi, gia cảnh quá khó khăn, mẹ già thường xuyên đau yếu, tôi thì không có việc làm, nhiều lúc nghĩ cứ muốn buông xuôi. Quê của tôi, các chú biết đấy! Đất thuần nông, cách trở đò giang, ba bề sông nước. Với thương tật của mình, tôi không thể làm ruộng được. Đêm đêm gác tay lên trán trằn trọc và cuối cùng tôi quyết định phải đi học nghề''. Anh Thiệu xin theo học lớp Trung cấp thú y và tự ôn luyện hoàn thành xong chương trình cấp III. Từ những kiến thức tiếp thu được ở trường, tham khảo qua sách vở, anh tiếp tục đi nhiều nơi tham quan, học hỏi về kinh nghiệm thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn. Năm 1993, với số tiền dành dụm được 5 triệu đồng, vay mượn thêm anh em, bạn bè khoảng 6 triệu nữa, anh ra trại giống Trung ương mua 2 con đực giống đem về phục vụ việc thụ tinh cho đàn lợn của nhân dân vùng nam Quảng Trạch quê anh. Qua 2 năm ròng rã kiên trì, vận động, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăn nuôi mới, cơ sở dịch vụ thụ tinh nhân tạo của anh dần khẳng định uy tín, tiếng lành lan đến các huyện lân cận Tuyên Hoá, Minh Hoá, ra cả Hà Anh... Năm 2006, anh Thiệu mở thêm dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho bò đầu tiên tại vùng nam Quảng Trạch. Cơ sở của anh đã hướng dẫn cho nhiều cộng tác viên trên địa bàn, làm tốt công tác phát triển đàn gia súc, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Lựa chọn rất bình thường, anh thương binh Nguyễn Xuân Thiệu từng bước ổn định cuộc sống gia đình. Kết quả ban đầu ấy cũng nhờ vào quá trình học tập, kiên trì con đường mà bản thân mình đã chọn - Sống có ích cho gia đình và xã hội.

CHIẾC BẾP BIÔGA ĐẦU TIÊN Ở HUYỆN QUẢNG TRẠCH

Anh Thiệu khoe với chúng tôi rằng: "Chiếc bếp biôga của gia đình anh là cái được xây dựng đầu tiên trong huyện Quảng Trạch". Về sự ra đời của chiếc bếp biôga, cũng là một câu chuyện dài, một lần nữa minh chứng cho đức tính ham học hỏi ở con người anh. Anh kể: ''Nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến nhiều về kỹ thuật xây dựng bếp biôga, đem lại cho người dân, nhất là người dân sống vùng nông thôn nhiều lợi ích thiết thực như: tự túc được chất đốt, không gây ô nhiễm môi trường góp phần phòng trừ các loại dịch bệnh, tạo ra nguồn phân hữu cơ thâm canh, cải tạo đồng ruộng.. Rứa là tôi khăn gói ra các vùng ven Hà Nội, Hà Tây tham quan học hỏi. Qua những điều mắt thấy tai nghe, tôi trở về mạnh dạn đầu tư xây dựng bếp biôga cho gia đình, dung tích 10m3. Có bếp biôga, gia đình tôi chủ động hơn về chất đốt hàng ngày''. Từ thành công này, anh Thiệu tiếp tục vận động, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ chăn nuôi quy mô, nhờ đó mà phong trào xây dựng bếp biôga ở vùng nam Quảng Trạch phát triển rất mạnh.

Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, cơ sở dịch vụ thụ tinh nhân tạo lợn của anh Nguyễn Xuân Thiệu đã cơ bản cải tạo đàn lợn trên địa bàn đạt trên 90%, đàn lợn thuộc thế hệ F1 khoẻ mạnh, tăng trọng nhanh tỷ lệ nạc cao; đàn bò sinh sản, phát triển tốt. Người nông dân vùng nam Quảng Trạch vững tin hơn về xu hướng phát triển chăn nuôi theo hướng thâm canh, mở rộng quy mô, tăng thêm thu nhập. Nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi đã cải tạo, thâm canh đồng ruộng, góp phần tăng năng suất cây lúa trong vùng đạt trên 50 tạ/ha.

NỖI NIỀM NGƯỜI THƯƠNG BINH

''Tôi từng là người lính, bị thương trong chiến tranh, hơn lúc nào hết tôi hiểu và cảm thông với những mất mát của thế hệ những người đã đi qua cuộc chiến và nỗi đau mà người thân của họ gánh chịu'' - Anh Nguyên Xuân Thiệu tâm sự - "Có được như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân và người vợ thuỷ chung sát cánh bên chồng còn có sự giúp đỡ của người thân, bà con xóm làng; nhờ vào đường lối đổi mới của Đảng, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể... Cảm thông với đồng đội, gia đình thân nhân thương binh liệt sĩ như các mẹ Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Hiệp, Đinh Thị Tâm... có hoàn cảnh già yếu, neo đơn, tôi thường xuyên đi lại thăm hỏi, động viên các mẹ. Những khi bận việc, tối nhắn nhủ lại cho vợ con hãy tôn trọng, quý các cụ, các mẹ như người thân trong gia đình mình''.

Theo Ngô Thanh Long

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập