Chi tiết bài viết

Một gia đình thành đạt

15:58, Thứ Năm, 23-4-2009

Ðến xã Quảng Ðông (Quảng Trạch, Quảng Bình) hỏi thăm gia đình thầy giáo Trần Hữu Tuấn ở thôn Minh Sơn không mấy ai không biết. Ðó là một gia đình thành đạt, nhờ có tinh thần hiếu học, có ý chí vượt khó để học tập tốt.

Thầy Tuấn năm nay 59 tuổi. Trong 35 năm công tác, có 10 năm xa quê dạy học ở Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhiều năm ở Lệ Thủy, Quảng Trạch. Những năm gần đây thầy trở lại dạy ở trường làng. Người bạn đời của thầy là một y sĩ vừa về hưu sau 35 năm lăn lộn vì sự nghiệp y tế cơ sở, trong đó có 25 năm là Trưởng trạm y tế xã. Bố mẹ đều sống và làm việc ở một vùng quê khó như vậy nhưng cả sáu người con của vợ chồng thầy đều thành đạt.

Anh thứ nhất là Bộ đội Hải quân từng công tác tại quần đảo Trường Sa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thi vào ÐH Sư phạm Huế, ra trường anh về dạy học tại Trường THPT số 3 Quảng Trạch. Chị thứ hai tiếp nối nghề của mẹ, tốt nghiệp Trung cấp Y thành phố Huế, hiện công tác tại Văn phòng Sở Y tế Quảng Bình. Chị thứ ba tốt nghiệp ÐH Sư phạm Huế, hiện tại là giáo viên dạy giỏi đang công tác tại Trường tiểu học Quảng Ðông (Quảng Trạch). Anh thứ tư tốt nghiệp ÐH Sư phạm Huế, hiện là giáo viên Trường ÐH Quảng Bình và sắp hoàn thành chương trình cao học chính trị tại ÐH Kinh tế Huế. Anh thứ năm tốt nghiệp khoa Cơ Ðiện tử, ÐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Khu Công nghiệp thành phố Biên Hòa (Ðồng Nai). Chị út tốt nghiệp khoa Hóa, Trường đại học Sư phạm Vinh, đang học tiếp cao học năm thứ hai.

Thầy Tuấn cho biết, tất cả các anh chị đều thi đỗ vào các trường ngay từ năm thứ nhất, đều là sinh viên có học lực khá, giỏi. Ðể có một "gia tài" tri thức "đồ sộ" như hiện nay, thầy tâm sự: "Lúc mình mới học xong tiểu học, ở quê chưa có trường cấp II, bố mẹ phải bán đi nhiều thứ để mua xe đạp cho mình vào học ở Roòn. Hết cấp II phải vào Ba Ðồn học cấp III, chiến tranh ác liệt, trường sơ tán tận vùng núi Quảng Lưu, khoai đùm mắm bới, đi về trên bom dưới đạn, gian khổ lắm nhưng mình vẫn quyết tâm vượt qua. Trong chiến tranh chúng tôi vừa học vừa tham gia dân quân, lăn lộn với các phong trào của địa phương, nhưng vẫn cố gắng tranh thủ học tập, trang bị cho mình kiến thức văn hóa. Cha mẹ phải là những tấm gương cho các con, sống phải biết phát huy mọi khả năng để vươn lên. Những lúc các con gặp khó khăn trong việc học tập, tôi động viên các con cố gắng vượt qua. Chúng tôi luôn hướng cho các con phải quan tâm phong trào khuyến học của địa phương, công tác chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ, những công việc cần có sự chung tay góp sức của nhiều người". Ở một vùng quê đất cằn, khô hạn, có nhiều khó khăn như Quảng Ðông, chỉ nuôi các con lớn khôn đã khó khăn rồi, làm sao thầy cô bảo đảm cả việc học hành chu đáo như vậy? - Tôi hỏi. Người không phụ đất thì đất chẳng phụ người, thầy nói: "Chúng tôi luôn nghĩ mình là nông dân thực thụ, cả nhà tập trung chăm sóc 14 sào ruộng. Các cháu rất chăm ngoan, ngoài giờ học tích cực giúp bố mẹ cả công việc ruộng đồng, nên mỗi mùa làm nghĩa vụ xong còn chủ động được lương thực. Riêng khoản chi tiêu rất tiết kiệm, chủ yếu dành cho việc học của các cháu".

Sau bao lo toan vất vả, đến nay công tác và học hành của các con đã ổn định. Các con của thầy không chỉ học tốt, làm việc tốt, mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội ở nhà trường, ở cơ quan và địa phương. Ðồng chí Nguyễn Hữu Ái, Bí thư Ðảng bộ xã Quảng Ðông cho biết: "Trong khi địa phương đang phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng các gia đình văn hóa mẫu mực, thì gia đình thầy giáo Trần Hữu Tuấn là một điển hình đầy thuyết phục".

Theo Nguyễn Tiến Nên

(Báo Nhân dân )

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập